Từ khi các nước châu Âu, nơi bóng đen nợ công đang bao trùm, phải chịu chính sách thắt lưng buộc bụng do Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) áp đặt, người dân có nhiều cách sống mới để thích nghi với giai đoạn khó khăn, nổi bật là thay đổi thói quen tiêu dùng của mình, vô cùng tiết kiệm và sáng tạo.
“Thật sai lầm nếu chuyển từ xe hơi sang tàu điện ngầm vì khi giá nhiên liệu tăng thì chi phí 2 phương tiện này như nhau. Với xe hơi, bạn còn có thể đi nhanh hơn”- phần lớn người dân đang chịu tác động của khủng hoảng kinh tế rút ra kết luận. Giao thông luôn là bài toán khó cho người lao động châu Âu. Nhiều người chọn đi bộ nếu gần chỗ làm vì họ lạc quan rằng điều này tốt cho sức khỏe, giảm stress lại có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp nơi mình sống. Chính xác hơn, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc coi nó như một thói quen mới.
Thay đổi rõ nhất là thói quen mua sắm. Người dân bắt đầu ứng dụng triết lý “tích tiểu thành đại”. Mariana Távora, một luật sư người Bồ Đào Nha, rút ra kinh nghiệm: “Tôi không đi mua sắm vào lúc đang đói nữa vì khi đó tôi dễ bị các món ăn hấp dẫn, khiến túi tiền vơi đi nhanh chóng”. Nhiều người từ bỏ sở thích mua sắm trên mạng, vì nếu muốn giao hàng tận nhà họ phải đặt nhiều món. Thay vào đó, họ mua hàng trực tiếp ở cửa hàng để cân nhắc cẩn thận về sự cần thiết của từng món hàng.
Khủng hoảng còn phá vỡ thói quen thanh toán bằng thẻ ngân hàng của nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu. Giống như chị Francisca Lourenço, một người Pháp nhận ra rằng chỉ có tiêu tiền mà mình đang thực sự có mới giúp chị kiểm soát ngân sách tốt hơn. Chính phủ Đức còn khuyến cáo mỗi người dân thuộc diện Hartz IV (thất nghiệp bậc II) không nên tiêu quá 4,35 EUR/ngày cho thực phẩm. Trong giai đoạn mà phải cân nhắc đến từng xu, thì những cửa hàng hay siêu thị nhỏ thực sự là “cứu tinh” cho người dân, vì những nơi này thường do người nhập cư mở ra, như các chủ tiệm rau quả Trung Quốc luôn bán giá hấp dẫn. Nhưng nhiều người lại cho rằng nên ủng hộ hàng nội địa. Họ luôn mua hàng của nông dân trong nước và nếu không có thì họ sẵn sàng nhịn chứ không mua hàng nhập khẩu.
Điều “quá sức chịu đựng” nhất đối với các tín đồ mua sắm chính là giới hạn của tiêu dùng trong lĩnh vực thời trang, khi người dân của kinh đô thời trang thế giới phải tính đến chuyện tận dụng quần áo cũ. Có người nói đùa rằng kinh tế khó khăn đã kích thích người dân trở thành những nhà thiết kế. Dù vậy, họ vẫn nghĩ rằng một cuộc sống “mới” ở châu Âu không chỉ là tiết kiệm.
Tình hình kinh tế hiện tại dường như kích thích máu kinh doanh của nhiều người. Họ xem giai đoạn khủng hoảng như cơ hội để phát triển doanh nghiệp nhỏ, phổ biến nhất để tăng thu nhập gia đình là buôn bán trên mạng. Các trang web thương mại điện tử giữa những người tiêu dùng với nhau (C2C) bắt đầu nhộn nhịp hơn. Ngay cả các bà nội trợ cũng tập tành mua đi bán lại hàng trẻ em hay những vật dụng không dùng đến trong nhà.
Đời sống mà một châu lục thịnh vượng đang gồng mình trải qua khiến nhiều người liên tưởng đến giai đoạn khó khăn khi kinh tế Đông Âu suy sụp. Nhưng không vì thế mà họ tuyệt vọng. Hầu hết người dân châu Âu đã chấp nhận, thậm chí nỗ lực tô điểm cho cuộc sống mới này. Tất nhiên, họ sẽ không chấp nhận một cuộc sống như thế mãi, nhưng vào thời điểm hiện tại, đó là lựa chọn duy nhất.
THANH HẢI