Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TPHCM), chị Nguyễn Thị Kim Dung, cán bộ Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo - Tăng hộ khá của xã, giới thiệu rất nhiều ngôi nhà, chuồng trại chăn nuôi, cửa hàng kinh doanh đã mọc lên thay thế những bãi cỏ mọc um tùm. Chị chia sẻ: “Xã giờ khá lên rồi. Cuộc sống người dân cũng đỡ vất vả. Sau khi đi xuất khẩu lao động về, người nào cũng có vốn trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh…”.
Nơi đầu tiên chúng tôi dừng chân là trang trại chăn nuôi bò sữa của anh Phan Tiến Dũng (41 tuổi, ấp Tháp) với gần 20 con. Anh Dũng nhớ lại: “Lúc ấy, tôi đóng khoảng 50 triệu đồng để đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), số tiền không hề nhỏ. Nghe loa phát thanh xã tuyên truyền, ít ai dám đi XKLĐ vì sợ mất tiền mà còn không về nhà được. Thà ở nhà làm thợ xây dựng còn kiếm sống qua ngày mà được gần gia đình. Chỉ khi nhiều bạn bè cùng lứa đi XKLĐ gửi tiền về gia đình xây dựng nhà cửa, mua đất, mọi người mới thay đổi suy nghĩ. Suy nghĩ đi XKLĐ nhen nhóm trong đầu, tôi quyết định vay mượn tiền để đi đổi đời”.
Trước khi đi, anh đã nung nấu ý định mở trang trại chăn nuôi bò sữa và heo. Sau năm thứ 2 đi XKLĐ, anh trả hết nợ và bắt đầu gửi tiền về mua mảnh đất 1.000m2 để nuôi tiếp ước mơ. Trở về, anh đầu tư hơn 200 triệu đồng mua bò sữa giống, heo và xây dựng cơ sở vật chất. Khó khăn bắt đầu xuất hiện. Thoạt đầu, anh tưởng nuôi dễ nhưng khi thực hiện mới thấy khó. Mới mua 4 con bò sữa giống được vài ngày thì chết 1 con. Lúc ấy, anh như vớ được cái phao cứu sinh. Xã nắm bắt tâm lý người đi XKLĐ về thường mở trang trại chăn nuôi, trồng trọt nên đã mở lớp tập huấn sơ cấp thú y và chăn nuôi. Thế là, anh đăng ký đi học để về chăm sóc cho đàn bò và heo nhà mình. Anh Dũng khoe: “Giờ, tôi có thể chăm sóc và nhận biết bệnh cho đàn bò và tự tay chích thuốc cho chúng”.
Rời trang trại chăn nuôi bò sữa của anh Dũng, chị Kim Dung dẫn chúng tôi thăm vườn lan của anh Trần Văn Thà (ấp Mỹ Khánh B) với số vốn đầu tư gần cả tỷ đồng. Vốn là bộ đội xuất ngũ, anh được tạo điều kiện đi XKLĐ. Trong năm đầu, anh quyết chí đầu tư chăn nuôi nên gửi tiền về cho vợ nuôi heo nhưng thất bại. Hai lần trắng tay với dịch bệnh tai xanh, gia đình đã mất số tiền khá lớn. Ba lần thất bại không làm anh Thà nản, anh tìm hiểu một số mô hình kinh doanh khác để học hỏi. Trong một lần thăm vườn lan một hộ dân ở xã bạn, anh bắt tay tìm hiểu mô hình này. Trồng lan cần số vốn rất lớn nên anh quyết định dồn gần hết số tiền tích cóp đầu tư vườn lan rộng 1.000m2. Nhờ có đất của ông bà để lại, anh quyết định đầu tư hơn 700 triệu đồng để mua 6.000 lan giống Thái Lan. Anh Thà kể: “Mất gần 200 triệu đồng nuôi heo, người thân sợ tiếp tục đầu tư trồng lan, tôi sẽ trắng tay nhưng tôi quyết làm bằng được. Lúc đầu, một vài cây giống chết vì bệnh. May mắn, đúng lúc đó, huyện tổ chức lớp dạy trồng lan cho nông dân nên tôi đăng ký học. Qua mày mò thêm, tôi tự chăm sóc và cho ra số hoa đầu tiên. Hiện nay, hàng tháng tôi đủ tiền trang trải cuộc sống cho gia đình. Giờ tôi đang chiết thêm 2.000 giống cây để mở rộng mô hình”.
Chị Kim Dung chia sẻ thêm, với mức lương từ 30 - 50 triệu đồng/tháng, người đi XKLĐ về thường dư khoảng 1 - 2 tỷ đồng. Vài năm gần đây, Hàn Quốc ngưng tuyển lao động nhưng lại có Nhật Bản, Malaysia tiếp nhận lao động Việt Nam. Có nhà đi XKLĐ hết, thậm chí cả phụ nữ cũng đi. Những người khi về mà còn trong độ tuổi lao động vẫn tiếp tục được đi XKLĐ. Con số hơn 95% người dân đi XKLĐ về có cuộc sống ổn định đã minh chứng cho sự lan tỏa của “chìa khóa” thoát nghèo ở Thái Mỹ.
THANH HẢI