Chia sẻ trách nhiệm?

Vấn đề nhập cư một lần nữa trở thành đề tài nóng, được nhắc đến như là nguyên nhân gây chia rẽ nội bộ Liên minh châu ÂU (EU) khi quả bóng trách nhiệm không tìm được điểm dừng. Đại diện EU và Italia mới đây đã lên tiếng chỉ trích nhau gay gắt vì không thể thống nhất cách giải quyết đối với những người nhập cư trái phép bằng đường biển.

Italia được biết đến là một trong những cửa ngõ chính để cư dân từ các nước nghèo đói hoặc bị xung đột hoành hành ở châu Phi, Trung Đông và các nước Nam Á nhập cư trái phép vào châu Âu. Trong 3 tháng đầu năm 2014, số người nhập cư trái phép bằng đường biển vào Italia gần 11.000 người, gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng ngại là các chiến binh của nhiều tổ chức cũng đã trà trộn vào những dòng người này. Đây chính là mầm mống đe dọa khủng bố cho toàn khu vực châu Âu. Italia đang thực hiện chương trình “Mare Nostrum” mà mỗi tháng chi 10 triệu EUR để đối phó với các tàu nhập cư trên biển.

Bộ trưởng Nội vụ Italia Angelino Alfano mới đây đã cảnh báo sẽ để những người nhập cư tự do tràn vào châu Âu nếu như EU không cùng nước này giải quyết tình trạng trên. Italia yêu cầu EU thực hiện việc tuần tra và cứu hộ trên biển thông qua Frontex - cơ quan về biên giới của khối. Chính quyền Italia cũng từng đề cập đến khả năng sẽ rút khỏi EU nếu khối này không tích cực hỗ trợ Italia. Đáp lại, Ủy ban Phụ trách vấn đề nhập cư của EU khẳng định, EU không thể thay thế Chính phủ Italia giải quyết khó khăn của họ.

Thật ra, Nghị viện châu Âu (EP) dường như bất lực trong nỗ lực gắn kết các thành viên EU để cùng chung tay chia sẻ gánh nặng người nhập cư. Pháp phớt lờ vì bản thân nước này cũng không gánh thêm nổi người nhập cư trong khi 50% trẻ em ở Pháp hiện nay không phải người gốc Pháp. Đức, quốc gia đầu tàu kinh tế của EU, cũng đã thẳng thừng tuyên bố vấn nạn nhập cư là chuyện riêng của Italia. Anh, quốc gia phản đối mạnh mẽ tình trạng ồ ạt dân nhập cư làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, chắc chắn sẽ nói không với việc hỗ trợ những đối tượng này.

Nhiều chuyên gia xã hội học trên toàn châu Âu đã nhận xét nhập cư tràn vào bất cứ quốc gia EU nào cũng sẽ đe dọa an ninh châu Âu. Họ hối thúc EU xem xét đưa ra chính sách nhập cư mới. Tuy nhiên, để một chính sách được thông qua thì cần sự đồng thuận của các quốc gia thành viên trên cơ sở tự nguyện. Trong khi đó, nhiều quốc gia vẫn chưa sẵn sàng. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở khu vực này còn quá cao. Bản thân chính quyền mỗi quốc gia vẫn phải củng cố niềm tin của người dân bằng việc làm và phúc lợi xã hội thì khả năng giang tay đón người nhập cư là điều khó xảy ra.

Thêm một thực tế khiến châu Âu còn loay hoay trong việc đối phó với tình trạng nhập cư là vì EU cũng rất cần người nhập cư. Hiện EU đang thiếu trầm trọng nhân công, bất kể có tay nghề cao hay không. Một báo cáo gần đây của tạp chí Financial Times cho thấy riêng ở Anh đã có khoảng 135.000 công việc đang bị bỏ trống. EU nếu muốn lợi cả đôi đường thì phải nghiêm túc xây dựng chính sách và một lộ trình cụ thể. Đó là lý do khối này vẫn đang tính toán để lựa chọn người nhập cư có lợi cho quốc gia mình. Tuy nhiên, tính toán kéo dài quá lâu sẽ càng khiến EU bị động.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục