Có lẽ hiếm gia đình nào như gia đình tôi vì bữa cơm hàng ngày vẫn được dọn ra trên chiếc mâm đồng. Khách đến nhà, ai bắt gặp bữa cơm có chiếc mâm đồng đều xuýt xoa ngạc nhiên…
Chiếc mâm đồng ấy là của hồi môn, ông bà ngoại cho mẹ tôi ngày về nhà chồng. Nó được chế tạo từ cái cát tút quả đạn pháo cao xạ 57 ly, nặng chình chịch. Năm 1987, gia đình tôi chuyển từ Bắc vào Nam sinh sống, gia tài bố mẹ tôi mang theo là hai chiếc xe đạp, cùng một mớ xoong nồi, bát đĩa và chiếc mâm đồng. Có nhiều người bảo đem theo cái mâm ấy làm gì, mẹ tôi chỉ cười, nhét nó vào bao đem theo.
Vào thành phố, đồng lương của bố mẹ tôi đủ nuôi hai đứa con với những bữa cơm đạm bạc. Nhiều bữa tôi bảo mẹ, thức ăn ít ỏi thế này, dọn ra mâm làm gì, nhưng mẹ tôi không chịu, cứ bắt mâm bát đàng hoàng. Cứ vài ngày một lần, mẹ tôi lại đánh cho nó sáng bóng, có thể soi gương được.
Dù ăn uống kham khổ, nhưng hai anh em tôi cứ phơi phới lớn lên, học hành tàm tạm giỏi giang. 5 năm trước, anh tôi tốt nghiệp đại học và được giữ lại trường giảng dạy. Còn tôi vào đại học Sư phạm, đã là cô giáo cấp phổ thông trung học ở một trường chuyên thành phố 4 năm rồi. Bữa cơm hàng ngày của gia đình tôi vẫn được dọn ra trên chiếc mâm đồng được mẹ đánh cho sáng choang ấy. Dù hiện nay cả bốn người nhà tôi đều đi làm, thu nhập hàng tháng cũng đôi phần dư dật, nhưng vật dụng gia đình từ ngày bố mẹ tôi mới lấy nhau vẫn còn hiện diện nhiều lắm. Ngoài chiếc mâm đồng thì chiếc ấm nấu nước, chiếc môi múc canh, chiếc bình thủy đựng nước sôi… có tuổi hơn tuổi anh em tôi vẫn được sử dụng hàng ngày.
Bảo mẹ bỏ ra vài triệu mua đồ mới về xài, mẹ chỉ cười trả lời: “Chúng vẫn đang còn dùng tốt mà con…”. Thi thoảng, tôi soi vào chiếc mâm đồng ấy để thấy lại những năm tháng khó khăn, vất vả của bố mẹ và cả tuổi thơ của mình.
Thanh Xuyên