Lần đầu tiên kể từ khi phát lộ, sáng ngày 2-10, khu khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu, nơi được các nhà khoa học ví như kho báu vật dưới lòng đất, thuộc Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã mở cửa đón người dân vào tham quan. Vì thế, ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân ở Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước đã đổ dồn về khu vực này với mong muốn tận mắt chiêm ngưỡng một Di sản Văn hóa thế giới.
Lần đầu tiên kể từ khi phát lộ, sáng ngày 2-10, khu khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu, nơi được các nhà khoa học ví như kho báu vật dưới lòng đất, thuộc Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã mở cửa đón người dân vào tham quan. Vì thế, ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân ở Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước đã đổ dồn về khu vực này với mong muốn tận mắt chiêm ngưỡng một Di sản Văn hóa thế giới.
Dấu tích ngàn năm
Chương trình ngày 3-10 - 7 giờ: Giải chạy truyền thống Báo Hà Nội mới Vì hòa bình, xung quanh hồ Hoàn Kiếm. - 8 giờ: Lễ thông xe dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc và gắn biển tên Đại lộ Thăng Long cho đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam. - 9 giờ: Khánh thành Tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất. - 20 giờ: Chương trình nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh tại Vườn hoa Lý Thái Tổ.
L.NGUYÊN
Từ sáng sớm, nhiều con đường dẫn tới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long luôn trong tình trạng quá tải, bởi dòng người nô nức đổ về nơi được coi là trung tâm quyền lực nối tiếp của Việt Nam trong hơn 1.000 năm lịch sử. Ai cũng mong muốn tận dụng cơ hội hiếm hoi này để tìm hiểu về lịch sử cha ông ngàn năm trước.
Lộ trình tham quan bắt đầu từ cổng 19C Hoàng Diệu, khách tham quan đi qua sân Quảng trường Đoan Môn, thăm lầu Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, di tích Cách mạng D67, lầu Hậu Lâu, tiếp đó đi bộ qua đoạn đường đã được lắp đặt hệ thống đèn đặc biệt để tham quan khu khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu.
Dù phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt, song ai cũng cố gắng để có cơ hội được vào thăm khu di chỉ khảo cổ trong dịp đặc biệt này.
Nguyễn Thu Lan, giáo viên dạy sử ở Sơn La đã cùng chồng đi xe máy suốt đêm hôm trước, để có thể có mặt tại Hà Nội, tận dụng dịp may được chiêm ngưỡng di sản Hoàng thành trong ngày mở cửa. Lan tâm sự, mặc dù cô đã đọc và tìm hiểu về di tích Hoàng thành Thăng Long qua nhiều sách, báo, nhưng khi được đặt chân tới nơi đây, tận mắt chứng kiến những di vật được trưng bày cô thực sự cảm thấy choáng ngợp trước những bí ẩn đã nằm ẩn chứa trong lớp đất đá ngàn năm.
Hòa trong dòng người tham quan trong ngày đặc biệt này, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài, người đã gắn bó với khu di chỉ khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long từ những ngày đầu tiên, cũng không dấu được cảm xúc đang dâng trào.
Tại mỗi ô khai quật, ông đều dừng lại rất lâu, quan sát rất tỉ mỉ những di vật. Nơi này ông đã được thăm và làm việc rất nhiều lần nhưng hôm nay, trong không khí rộn ràng của ngày đại lễ, nơi này càng trở nên linh thiêng hơn.
Từ trên cao nhìn xuống, toàn bộ những kiến trúc các triều đại Lý, Trần, Lê như được vẽ lại dưới từng lớp đất. Các phế tích kiến trúc phát lộ tại khu di tích Hoàng thành gồm nền móng, chân cột, từng đoạn đường gạch, trụ móng sỏi hoặc gạch ngói vụn có chức năng chống lún cho những chân cột lớn, hệ thống thoát nước, giếng nước, dòng sông, hồ cổ... hình ảnh của các đền đài, cung điện xưa như đang ào ào hiện về.
Nhiều trang sử vẫn chờ lật mở
GS Sử học Phan Huy Lê, người đã gắn bó và dày công nghiên cứu di chỉ khảo cổ học tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, từng ví đường Hoàng Diệu như gáy một cuốn quốc sử, trục Thần đạo với các công trình kiến trúc nổi giống như trang bìa cứng bằng vàng. Khu 18 Hoàng Diệu như những trang sách được mở ra với rất nhiều thông tin chính xác, đặc biệt quan trọng mà chúng ta chưa đủ sức hiểu ngay hết giá trị của chúng.
Đây là “bộ sử bằng di vật” của kinh thành Thăng Long, để từ đó ta hiểu được rất nhiều về kiến trúc, về bản sắc văn hóa, về sự kết hợp thiên nhiên (thích nghi và tận dụng), kết hợp triệt để giao thông đường thủy, xử lý không gian… Di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu đã đủ chứng tỏ những giá trị vô giá của kinh thành Thăng Long từ nghìn năm trước còn lại trong lòng đất. Nhờ vị trí của Cấm thành không thay đổi qua các triều đại, vì thế dù là “phế tích” nhưng giá trị còn rất rõ. Các chuyên gia quốc tế quý Hoàng Thành Thăng Long bởi qua bề dày cả ngàn năm mà còn bảo tồn được như vậy, là rất hiếm…
Giáo sư Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết: Hơn 1.000 di vật tiêu biểu đã được chọn lựa từ hàng vạn di vật khai quật được từ trong lòng đất để giới thiệu tới khách tham quan trong lần ra mắt. Trong thời gian tới, việc nghiên cứu, khảo cổ sẽ tiếp tục được triển khai để có thể lật giở thêm nhiều trang sử quý còn ẩn chứa trong lòng đất
THU HÀ
Tưng bừng Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội
Tối qua 2-10, Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội 2010 (kéo dài đến hết 5-10) đã khai mạc tại Khu du lịch Bảo Sơn (huyện Hoài Đức) với nhiều chủ điểm giao lưu du lịch văn hóa quốc tế đặc sắc, quy mô lớn nhất năm Du lịch quốc gia 2010. Tại đây sẽ khai trương hoạt động trao đổi, giao thương của 400 gian hàng triển lãm văn hóa du lịch trong nước và quốc tế. Trình diễn các loại hình di sản văn hóa bản địa đặc sắc. Điểm nhấn của lễ khai mạc tối qua, bên cạnh chương trình nghệ thuật đặc sắc là màn trình diễn nhạc nước đặc sắc và màn bắn pháo hoa ấn tượng.
Tối cùng ngày, Lễ hội Rồng diễn ra lúc 19 giờ 30 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Đây là món quà do Đại sứ quán Tây Ban Nha phối hợp cùng Bộ VH-TT-DL Việt Nam, UBND TP Hà Nội thực hiện mừng đại lễ. Xuất phát từ truyền thuyết rồng vàng bay lên khi đoàn thuyền rời Hoa Lư của vua Lý Công Uẩn vừa cập bến sông Hồng, cùng với những truyền thuyết của vùng Địa Trung Hải, nhóm Els Comediants (Tây Ban Nha) đã xây dựng kịch bản một lễ hội ngập tràn những hình ảnh của rồng.
P.THẢO
° Hôm qua 2-10, UBND TP Hà Nội, Bộ KH-CN đã công bố kết quả nghiên cứu của Chương trình khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu, phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử, văn hóa 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” (KX 09). KX 09 tập trung nêu lên những vấn đề có tính căn cốt nhất, chi phối nhất đến sự phát triển của thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH như: tiềm năng và thực trạng sử dụng nguồn nhân lực; những bài học lịch sử trong xác định đúng vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội; những thách thức, thời cơ và định hướng phát triển của Hà Nội trong tương lai… KX 09 được đánh giá là bộ “Bách khoa thư” mới về Hà Nội.
° Chiều 2-10, “Chiếu dời đô” khổng lồ được mạ vàng (kích thước 458cm x 385cm, nặng gần 5 tấn, được chế tác từ 7 tấn gỗ nguyên khối) được chế tác thủ công theo mẫu thiết kế của họa sĩ điêu khắc Trần Tuy và do nghệ nhân Vũ Quý (làng Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh), đã được trao tặng TP Hà Nội nhân đại lễ. Sau lễ rước và dâng hương tại vườn hoa trước tượng đài Lý Thái Tổ, “Chiếu dời đô” khổng lồ đã được chuyển tới Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội để trưng bày tại Triển lãm Thư pháp, chào mừng đại lễ từ ngày 4 đến 10-10. Sau đó, tác phẩm tiếp tục được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
° Sáng 2-10, tại Hà Nội, rạp Công Nhân được khánh thành, chào mừng đại lễ. Rạp Công Nhân được người Pháp xây dựng từ năm 1917, trong khu đất hơn 1.000m2 trên phố Tràng Tiền, ban đầu có tên là rạp chiếu phim Eden. Sau giải phóng thủ đô, rạp được đổi tên là rạp Công Nhân và dần xuống cấp. Tháng 10-2007, UBND TP Hà Nội đã quyết định đầu tư rạp thành một công trình đa năng, hiện đại, có ba tầng nổi, một tầng hầm, phòng biểu diễn hơn 500 chỗ ngồi, với kinh phí 72 tỷ đồng.
° Cùng ngày, lễ ra mắt tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” đã được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Với gần 100 đầu sách địa lý, văn học - nghệ thuật, kinh tế, văn hóa - xã hội, tủ sách đã hệ thống, tổng kết các giá trị mọi mặt của văn hiến Thăng Long- Hà Nội qua tiến trình 1.000 năm lịch sử, góp phần phục vụ nghiên cứu khoa học, nhu cầu tìm hiểu về văn hiến Thăng Long trước mắt cũng như lâu dài.