Chiến dịch “Nói không với túi ni lông”: Bảo vệ môi trường và sức khỏe

Ngày nay, túi ni lông đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của mọi người. Với ưu điểm bền, rẻ, tiện lợi, túi ni lông được sử dụng rất phổ biến. Tuy nhiên, ảnh hưởng của túi ni lông tới môi trường và sức khỏe là rất lớn nhưng hầu như rất ít được cộng đồng chú ý đến. Mặc dù chúng ta đã có nhiều biện pháp để hạn chế, thế nhưng việc sử dụng túi ni lông vẫn… tràn lan.

Ngày nay, túi ni lông đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của mọi người. Với ưu điểm bền, rẻ, tiện lợi, túi ni lông được sử dụng rất phổ biến. Tuy nhiên, ảnh hưởng của túi ni lông tới môi trường và sức khỏe là rất lớn nhưng hầu như rất ít được cộng đồng chú ý đến. Mặc dù chúng ta đã có nhiều biện pháp để hạn chế, thế nhưng việc sử dụng túi ni lông vẫn… tràn lan.

Đó là khẳng định Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo thống kê, trung bình một người Việt Nam sử dụng 30kg/năm các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Từ 2005 đến nay, con số lên tới 35kg/người/năm. Năm 2000, trung bình một ngày, Việt Nam xả khoảng 800 tấn rác nhựa ra môi trường. Đến nay, con số đó là 2.500 tấn/ngày và có thể còn hơn. Tính trung bình, mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng không dưới 10 túi ni lông các loại. Mặc dù chúng ta đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này, tuy nhiên, số lượng người sử dụng túi ni lông vẫn rất phổ biến, kể cả người mua lẫn người bán và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ những cửa hàng nhỏ đến các siêu thị và trung tâm lớn.

Ghi nhận của chúng tôi tại một sạp bán thịt ở chợ Thị Nghè quận Bình Thạnh TPHCM cho thấy, số túi ni lông dùng đựng hàng cho mỗi khách tối thiểu là hai chiếc, một đựng thịt và một bọc bên ngoài. Nhiều khi số túi ni lông có thể còn nhiều hơn hai. Chị bán hàng chặt thịt xong cho vào túi ni lông, cẩn thận bọc bên ngoài bằng một chiếc túi khác khá khô ráo rồi chìa tay đưa cho khách. Khoảng 5 phút sau, một khách hàng nữ lúc ghé vào tay không, nhưng khi rời sạp trên tay có đến 5 túi ni lông với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Theo quan sát của chúng tôi, rất ít người đi chợ mang theo túi nhựa hay túi vải mà chỉ đi tay không mua hàng. Chị Lê Thị Sen bán rau ở chợ Thị Nghè, cho biết, chị bán loại hàng này mỗi ngày cũng chỉ lời mấy chục ngàn đồng thôi, tiền đâu mà mình mua loại túi giấy, túi vải để đựng hàng cho khách.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại các tiệm, cửa hàng bán lẻ dọc các đường phố, thậm chí ở một số siêu thị. Hàng hóa chủ yếu được đóng gói bằng túi ni lông. Nhất là tại các gian hàng thực phẩm, rau quả, gần như mỗi món hàng khách mua đều được gói bằng một túi ni lông riêng, dù chỉ là củ hành, trái ớt. Những món hàng này khi ra quầy tính tiền còn được nhân viên thu ngân phân loại theo từng nhóm rồi cẩn thận cho chung vào một túi trước khi bọc tất cả bằng một túi khác.

Trong thời gian qua, TPHCM đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền khuyến khích người dân hãy hạn chế sử dụng túi ni lông. Chẳng hạn như “Tháng hành động không túi ni lông”, “Ngày hội tái chế chất thải”… Những chương trình này nhằm kêu gọi, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hợp lý túi ni lông, dần dần chuyển từ sử dụng túi ni lông thông thường sang các loại túi thân thiện với môi trường.

Gần đây nhất, trong ngày hội Tái chế chất thải lần thứ 5-2012 với chủ đề “3T trong sử dụng bao bì” đã thu hút khoảng 15.000 lượt người đến ngày hội, gấp gần 2 lần so với năm 2011. Lượng chất thải nguy hại được hộ gia đình thu gom trước và sau ngày hội tái chế 2012 cũng nhiều hơn so với mọi năm. Số lượng cụ thể là hơn 3 tấn, gấp 1,5 lần so với năm 2011. Điều này cho thấy, sức hút của ngày hội đối với người dân ngày càng gia tăng và như vậy cũng cho thấy được nhận thức của người người đối với việc bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động tái chế nói riêng đã được cải thiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng từ hiệu quả nhận thức đến thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông là không dễ.

Để giải quyết thói quen sử dụng túi ni lông, không nên chỉ dừng lại ở việc phát động tuyên truyền, mỗi năm một vài lần mà cần đi vào những giải pháp thực tế hơn. Nhất thiết phải đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường. Mặt khác, cần đánh thuế mạnh đối với túi ni lông gây hại cho môi trường. Và điều quan trọng hơn cả là mỗi người hãy tập thói quen hạn chế sử dụng túi ni lông khi không cần thiết, góp phần hạn chế số lượng túi ni lông thải ra môi trường hàng ngày.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục