Chiến khu Dương Hòa và cây cầu mơ ước

Chiến khu Dương Hòa thành lập năm 1948, là một trong những địa danh lịch sử cách mạng nổi tiếng của quân và dân Thừa Thiên - Huế. Dương Hòa hôm nay đã có nhiều đổi thay, phát triển, nhưng vẫn còn đó những lo toan của những người dân bám đất bám làng.
Chiến khu Dương Hòa và cây cầu mơ ước

Chiến khu Dương Hòa thành lập năm 1948, là một trong những địa danh lịch sử cách mạng nổi tiếng của quân và dân Thừa Thiên - Huế. Dương Hòa hôm nay đã có nhiều đổi thay, phát triển, nhưng vẫn còn đó những lo toan của những người dân bám đất bám làng.

  • Vùng đất lịch sử

Chiến khu Dương Hòa, thuộc xã Dương Hòa, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Dương Hòa là căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh Thừa Thiên - Huế, góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng quê hương.

Chúng tôi đã có chuyến đi ngược dòng sông Hương, đến Dương Hòa - nơi có công trình hồ thủy lợi Tả Trạch đang xây dựng. Càng lên phía thượng nguồn, dòng sông hẹp dần và phong cảnh núi non của Trường Sơn dần hiện ra thêm hiểm trở. Vị trí đang được ngăn đập chính của hồ Tả Trạch có tên Hai Nhánh. Đó là một gò đất nhỏ nổi lên giữa lòng sông chia dòng chảy thành hai nhánh.

Theo các bô lão địa phương, thời Gia Long, một miếu thờ đã được dựng ngay tại thôn Tân Ba (gần bến đò), trước đây triều Nguyễn có sắc phong cho sơn thần khu vực này là hộ quốc công thần. Bây giờ miếu thờ vẫn còn, nhưng đã được người dân tu sửa và làm biến dạng, không còn dấu vết di tích nữa. Tại Dương Hòa còn có một khu nghỉ mát và bến câu cá của vua Bảo Đại, tọa lạc tại khu vực sát bờ sông thuộc thôn Hộ.

Đường đến Dương Hòa phải dùng ghe hoặc thuyền máy.

Đường đến Dương Hòa phải dùng ghe hoặc thuyền máy.

Địa thế của vùng đất Dương Hòa thuận lợi cho việc xây dựng hậu cứ để phục vụ chiến đấu lâu dài. Chính vì vậy, tháng 5-1948, sau sự kiện chiến khu Hòa Mỹ (huyện Phong Điền) bị Pháp tấn công, càn quét, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế quyết định chọn Dương Hòa làm căn cứ địa cách mạng.

Vùng chiến khu Dương Hòa trước đây có vị thế giống như một “ốc đảo”, được bao bọc bởi hai nhánh sông Hương, nhánh Hữu Trạch (từ A Lưới) đổ về hội lưu với nhánh Tả Trạch tại vị trí ngã ba Bằng Lãng, tạo nên thế đất biệt lập.

Chiến khu Dương Hòa trong kháng chiến là nơi đóng quân của các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng của tỉnh gồm: Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến, Tỉnh đội, Công an và các tổ chức đoàn thể kháng chiến khác. Đây cũng là nơi ghi dấu những chiến công vang dội với những trận đánh của Trung đoàn 101 Trần Cao Vân tại Đồi Vồng, Đốc Bốm... Đặc biệt, ngày 20-6-1952, tại đây đã diễn ra trận diệt càn khiến quân Pháp và lính lê dương khiếp đảm. Quân Pháp dùng tàu đồng ngược sông Hương đổ bộ tiến đánh chiến khu đã bị quân dân cách mạng mai phục tiêu diệt gần hết.

Chiến khu Dương Hòa cũng được các đồng chí lãnh đạo Đảng nhà nước như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng... trên đường công tác chỉ đạo kháng chiến đã ghé thăm và làm việc. Nơi đây, ngày 17-4-1949 cũng vinh dự diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế, lần thứ nhất.

Suốt hai cuộc kháng chiến, người dân Dương Hòa vẫn bám đất bám làng cùng với dân quân Thừa Thiên - Huế chống giặc ngoại xâm và chính quyền chế độ cũ. Sau thất bại của chiến tranh cục bộ, Mỹ triển khai chiến tranh đặc biệt, dồn dân vào các ấp chiến lược nhằm bẻ gãy sức mạnh liên kết quân dân, tách người dân ra khỏi chính quyền và các lực lượng vũ trang cách mạng, lập vành đai trắng, sử dụng các loại vũ khí hạng nặng, tối tân và vũ khí hủy diệt để tiêu diệt quân giải phóng.

Tháng 11-1964, hai làng trong vùng chiến khu là Dương Hòa và Lương Miêu bị quân Mỹ dồn vào khu định cư Hòa Lương (khu vực làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng bây giờ). Thế nhưng, các gia đình trung kiên, các chị, các mẹ như: mẹ Đậu (người nuôi giấu đồng chí Hoàng Lanh), O Phong (nguyên cơ sở cách mạng) vẫn giữ liên lạc và tiếp tục làm đường dây giao liên, vận chuyển thông tin, nhu yếu phẩm, thuốc men... từ vùng địch lên với chiến khu. Họ đã âm thầm chiến đấu và hy sinh cho đến ngày toàn thắng (1975). Cách đây hơn 10 năm, Đảng bộ huyện Hương Thủy đã cho dựng một tấm bia chiến tích ngay tại chiến khu Dương Hòa, để ghi nhớ về một di tích cách mạng vẻ vang của quân và dân Thừa Thiên - Huế.

  • Ước mơ cây cầu nhỏ

Sau ngày giải phóng miền Nam, người dân chiến khu Dương Hòa lại hồ hởi trở về quê cũ để xây dựng lại quê hương. Cuộc sống ngày càng đổi thay theo từng thời kỳ đổi mới. Thế nhưng, chính lợi thế của vùng đất như “ốc đảo” khó xâm nhập trong chiến tranh, nay trở thành bất lợi, hạn chế cho phát triển của thời kỳ hòa bình.

Sau hơn 30 năm đất nước với bao đổi thay, Dương Hòa vẫn là một vùng đất bị cô lập bởi sông, suối. Dù chỉ cách thành phố Huế chưa đầy 12km đường chim bay, nhưng người dân Dương Hòa, làm ra trái bắp, nuôi được con heo, trồng được quả thanh trà... đều phải phụ thuộc vào thương lái. Đó là chưa kể lúc ốm đau, thai nghén... cách trở đò ngang.

Cửa ngõ đầu tiên để đặt chân đến Dương Hòa, đó là bến đò ngang Bà Lòn mà dường như từ thuở thành lập chiến khu đến nay vẫn không thay đổi nhiều. Trước đây, trong thời chiến tranh, vợ chồng bà Lòn đảm trách nhiệm vụ giữ mái chèo nối hai bờ dòng sông khói lửa. Sau khi chồng chết, bà Lòn vẫn tiếp tục chèo đò đưa người dân Dương Hòa qua sông suốt hơn 30 năm và mới đây khi tuổi tác đã cao, bà chuyển giao cho người con dâu nối nghiệp.

Vào cuối tháng 11-2005, người dân chiến khu Dương Hòa đã chứng kiến một sự kiện quan trọng: lễ khởi công công trình hồ Tả Trạch. Công trình được đầu tư xây dựng với mục đích chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương; cấp nước sinh hoạt và công nghiệp; bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường đầm phá… và phát điện.

Theo thiết kế, công trình có diện tích lưu vực 717km², dung tích trên 509 triệu m³; nhà máy thủy điện có công suất 18.000 kW, sản xuất điện lượng trung bình 60 triệu kWh/năm. Nhưng cùng niềm vui có một công trình lớn trên địa bàn, hơn 2/3 dân số của xã Dương Hòa phải di dời. Công trình sau khi hoàn thành hứa hẹn ngoài những lợi ích chính về thủy lợi, thủy điện, cấp nước, chống lũ... còn tạo cho Dương Hòa một kỳ quan mới, một điểm đến hấp dẫn du khách và mở ra nhiều cơ hội làm ăn sinh sống.

Mới đây Huyện ủy, UBND huyện Hương Thủy cũng đã chỉ đạo cho Phòng Văn hóa - Thể thao huyện phối hợp với Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên - Huế lập dự án khôi phục lại một phần của di tích chiến khu Dương Hòa để giáo dục truyền thống cách mạng và khai thác du lịch, với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.

Ông Bùi Ngọc Sang, một người dân Dương Hòa, cho hay: Dương Hòa hôm nay thực sự mở ra nhiều viễn cảnh xán lạn, tuy nhiên hiện tại chiến khu Dương Hòa vẫn là một ốc đảo biệt lập. Chiếc cầu nhỏ bắc qua sông vẫn là mơ ước của bao thế hệ người dân nơi chiến khu xưa cho đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực...

PHAN LÊ

Tin cùng chuyên mục