Chiến lược dầu khí của Mỹ

Từ nhiều thập niên qua, sự phụ thuộc về dầu khí của Mỹ tại Trung Đông khiến nước này áp đặt nhiều chính sách đối ngoại theo hướng chú trọng vào Trung Đông. Thế nhưng, với một Trung Đông đang lan rộng bất ổn, nguồn cung cấp dầu cho Mỹ trở nên lung lay hơn bao giờ hết. Sau sự kiện Mùa xuân Ảrập đẩy nhiều nước Trung Đông rơi vào tình trạng bất ổn, giờ đây đến lượt quan hệ Mỹ - Saudi Arabia căng thẳng, nguồn cung cấp dầu của Mỹ bị đe dọa. Mặt khác, kinh tế Mỹ đang thâm hụt mậu dịch, giảm nhập dầu sẽ giảm đi áp lực này.

Từ nhiều thập niên qua, sự phụ thuộc về dầu khí của Mỹ tại Trung Đông khiến nước này áp đặt nhiều chính sách đối ngoại theo hướng chú trọng vào Trung Đông. Thế nhưng, với một Trung Đông đang lan rộng bất ổn, nguồn cung cấp dầu cho Mỹ trở nên lung lay hơn bao giờ hết. Sau sự kiện Mùa xuân Ảrập đẩy nhiều nước Trung Đông rơi vào tình trạng bất ổn, giờ đây đến lượt quan hệ Mỹ - Saudi Arabia căng thẳng, nguồn cung cấp dầu của Mỹ bị đe dọa. Mặt khác, kinh tế Mỹ đang thâm hụt mậu dịch, giảm nhập dầu sẽ giảm đi áp lực này.

Từ thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, ông đã quyết định mở rộng chiến lược khai thác dầu trong nước. Đến tháng 3-2013, Tổng thống Obama quyết định tăng thêm các khu vực được quyền khai thác dầu. Theo tập đoàn năng lượng PIRA có trụ sở ở New York, lượng dầu và khí đốt Mỹ khai thác từ năm 2009 tới nay tăng 3,2 triệu thùng/ngày, dự kiến tổng số lượng dầu khai thác vào cuối năm 2013 là 12,1 triệu thùng/ngày, vượt qua cả Saudi Arabia với sản lượng 11,8 triệu thùng/ngày và Nga (10,5 triệu thùng/ngày) trở thành nước khai thác dầu nhiều nhất thế giới. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo rằng đến năm 2020, Mỹ giảm một nửa lượng dầu nhập khẩu từ Trung Đông. Do tăng lượng dầu khai thác và tăng hiệu quả sử dụng, Mỹ đã nhường lại vị trí tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới cho Trung Quốc. Phần lớn lượng dầu khai thác của Mỹ xuất phát từ các vùng mỏ đá phiến dầu phát hiện cách đây 10 năm.   

Trả lời phỏng vấn báo Le Monde, Walter Russell Mead, giáo sư khoa quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bard (New York), tổng biên tập tạp chí The American, cho rằng bằng việc khai thác nguồn đá phiến dầu trong nước, Mỹ sẽ giảm lệ thuộc vào các nước vùng Vịnh nhưng tăng nguy cơ làm cho Mỹ trở nên kiêu căng hơn. Theo giáo sư Mead, thực tế, khu vực Trung Đông không hẳn có vai trò quyết định đối với các nguồn cung dầu khí của Mỹ. Cho tới những năm 1950, Mỹ vẫn là quốc gia sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới, nhưng điều này vẫn không ngăn cản Mỹ dính líu nhiều đến Trung Đông. Khi đổ xô vào khí đá phiến, phần dầu lửa vùng Vịnh (Persia) trong tiêu thụ năng lượng của Mỹ đã bắt đầu giảm đi cùng với sự gia tăng nguồn dầu từ Tây Phi, Brazil và Venezuela.

Tuy nhiên, theo ông, Mỹ phụ thuộc vào dầu lửa Trung Đông theo một cơ chế khác. Nếu nguồn cung cấp dầu ở vùng Vịnh bị cắt đứt, các nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu chắc chắn sẽ sụp đổ, kéo theo hệ lụy đối với hệ thống tài chính Mỹ. Vì vậy, Washington mong muốn có cơ chế để bảo đảm một nguồn cung ứng tối ưu cho thế giới bằng dầu lửa ở Trung Đông. Ngoài ra, kiểm soát nguồn dầu Trung Đông cũng mang lại cho Mỹ một đòn bẩy to lớn trong trường hợp khủng hoảng. Giả sử Trung Quốc có chiến tranh với Mỹ, lập tức nguồn cung ứng dầu lửa cho nền kinh tế khổng lồ châu Á này sẽ bị cắt đứt vì đa số các nước trong khu vực là đồng minh của Mỹ. Đó là lý do giải thích tại sao có đá phiến dầu hay không thì Washington vẫn tiếp tục để mắt tới Trung Đông.

Rõ ràng là Mỹ đang ở thế chủ động trong việc quyết định nguồn cung cấp dầu cho chính đất nước họ khi nguồn cung cấp ở Trung Đông gặp khó khăn, nhưng đó chỉ là chiến lược ngắn hạn. Mối liên hệ giữa Mỹ với thị trường dầu lửa thế giới vẫn cực kỳ chặt chẽ và đó chính là điểm mấu chốt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Kiểm soát cả nguồn cung cấp dầu của thế giới cũng quan trọng không kém và mang tính chiến lược lâu dài hơn.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục