Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vừa cho công bố kế hoạch chiến lược quốc phòng mới của Mỹ trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”. Theo dự kiến, ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ cắt giảm ít nhất 450 tỷ USD (gần 8% GDP) trong thập kỷ tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E.Panetta cho hay số binh sĩ có thể giảm xuống còn 490.000 thay vì 570.000 người hiện nay. Mục tiêu Mỹ nhắm đến là tinh gọn quân đội; tập trung tài chính để phát triển phòng thủ - tấn công trên không gian mạng, các lực lượng đặc nhiệm và hoạt động tình báo, giám sát.
Trong kế hoạch được đưa ra, Mỹ lần đầu tiên thừa nhận không thể duy trì nổi lực lượng quân đội cùng lúc tham chiến thành công nhiều hơn một mặt trận và cần phải thay đổi chiến lược. Theo đó, nước này sẽ chỉ tham gia toàn diện một cuộc chiến quan trọng trong khi bảo đảm khả năng ngăn chặn các nguy cơ tại những nơi khác.
Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa khẳng định Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực mà Mỹ xem là hết sức quan trọng. Tờ Washington Post dẫn lời các chuyên gia chính trị cho rằng việc Chính phủ Mỹ tăng cường sức mạnh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương không nằm ngoài mục đích đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ tập trung vào vấn đề chi tiêu quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Gần đây nhất, một báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết quân đội Trung Quốc đã triển khai kế hoạch xây dựng một lực lượng vũ trang hiện đại vào năm 2020. Năm 2011, Trung Quốc đã tiến hành 2 cuộc thử nghiệm quan trọng đối với máy bay tàng hình và một tàu sân bay mới. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, Michael Schiffer, cho rằng thông điệp gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đối với lực lượng hải quân của nước này là “tăng cường sức mạnh chuẩn bị cho chiến tranh” đã khiến Mỹ không khỏi lo lắng.
Một biểu đồ của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy, chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong giai đoạn 2001 - 2010 vượt xa bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, kể cả đối với tổng chi tiêu quân sự trong khu vực châu Á và châu Đại Dương. Tuy nhiên, kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng đáng kinh ngạc và kéo theo chi tiêu quân sự cũng liên tiếp tăng lên.
Tháng 3-2011, Trung Quốc cho biết đã tăng chi tiêu quân sự trong năm 2011 lên đến 12,7%. Chi tiêu quân sự luôn phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Về mặt lý thuyết, rất có thể đến năm 2025, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ. Và không thể biết đến thời điểm đó quân đội Trung Quốc sẽ như thế nào.
Ông Obama tuyên bố quân đội Mỹ sẽ tinh gọn “nhưng thế giới cần phải biết rằng Mỹ tiếp tục duy trì các lực lượng vũ trang mạnh sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống”. Lâu nay, Mỹ không hề giấu giếm mong muốn bá quyền về quân sự của mình. Bất kỳ sự trỗi dậy về quân sự của một quốc gia nào cũng bị xem là mối đe dọa đối với Mỹ.
Trước đây, khi tiềm lực quân sự của khối SNG hùng mạnh, Mỹ đã tìm mọi cách để chia rẽ, làm suy yếu khối này. Giờ đây, khi một số nước trong khối SNG trở thành đồng minh của Mỹ, Washington thay đổi chiến lược quân sự nhằm kiềm chế Trung Quốc âu cũng là điều dễ hiểu.
Đỗ Văn