Chiến lược ngoại giao linh hoạt

Diễn ra tại Nairobi (Kenya), Hội nghị quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD) VI đang chứng tỏ sức hút của thị trường châu Phi đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên TICAD được tổ chức tại châu Phi, trong khi 5 lần trước đều diễn ra tại Nhật Bản, có thể thấy rõ sự dịch chuyển trong chiến lược của Tokyo. TICAD VI không chỉ có sự tham dự của các nhà ngoại giao và chính trị gia, mà còn có cả lãnh đạo các doanh nghiệp của Nhật Bản và các nước châu Phi.

Tại TICAD VI, Thủ tướng Nhật Bản Abe cam kết sẽ đầu tư 30 tỷ USD cho châu Phi trong 3 năm tới, bao gồm 10 tỷ USD dành cho phát triển hạ tầng. Ngoài kinh tế, phía Nhật Bản cũng cam kết sẽ đào tạo khoảng 20.000 chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách nhằm giúp châu Phi đối phó với bệnh dịch trong vòng 3 năm tới. Kể từ khi trở lại nắm quyền năm 2012, Thủ tướng Abe đã nâng cao đáng kể vị thế của châu Phi trong chiến lược ngoại giao toàn cầu của mình. Chuyến thăm tới Kenya lần này là dịp mà Thủ tướng Abe mang theo chính sách viện trợ và đầu tư quy mô lớn nhất từ trước đến nay để triển khai thế đối đầu với nguồn vốn khổng lồ mà Trung Quốc đổ vào châu Phi - châu lục vốn được coi là “sân nhà” của Trung Quốc.

Dù điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn nhưng với nguồn tài nguyên dồi dào, các quốc gia châu Phi đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Phía Tokyo đã đưa ra cam kết rằng công nghệ chất lượng cao của Nhật Bản sẽ hỗ trợ các quốc gia châu Phi trong quá trình công nghiệp hóa, gồm cả trong lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng Abe cho rằng, chìa khóa để phát triển kinh tế đó là công nghiệp hóa. Nhật Bản đã duy trì được sự hiện diện ổn định tại châu Phi trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ tài chính của Tokyo cho các quốc gia ở châu lục này từ lâu đã bị Trung Quốc lấn át - quốc gia vốn rất “khát” các loại tài nguyên để phục vụ phát triển, có tổng mức giao dịch thương mại với châu Phi đạt 179 tỷ USD trong năm 2015, cao hơn nhiều so với mức 24 tỷ USD của Nhật Bản.

Cảm nhận được sức ép từ Trung Quốc, Nhật Bản đã chuyển hướng tập trung vào chất lượng của các dự án đi cùng với sự phát triển tại địa phương. Đây vốn là yếu tố mà Trung Quốc đang bị chỉ trích rất nhiều tại châu Phi. Các dự án của Trung Quốc tại châu lục này luôn gây tranh cãi vì tạo ra sự lệ thuộc tại các nước châu Phi mà không cung cấp một sự giúp đỡ thực tế nào đối với cộng đồng người dân địa phương. Việc bóc lột lao động, bảo hộ các kỹ thuật công nghệ và sự khác biệt trong lợi ích của những hoạt động của Trung Quốc tại châu Phi đã khiến gia tăng những nghi ngờ về ý định thật sự từ cường quốc châu Á này.

Giới phân tích cho rằng, TICAD VI diễn ra tại thời điểm nhiều quốc gia châu Phi đang đối mặt với những thách thức kinh tế khắc nghiệt nhất. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mức tăng trưởng của tiểu vùng Sahara châu Phi sẽ giảm xuống còn 1,6% trong năm nay, từ mức 3,5% trong năm 2015. Đón nhận làn sóng đầu tư cùng với công nghệ cao từ Nhật Bản thật sự là một cơ hội để châu Phi có thêm động lực tăng trưởng. Đây còn là bước đệm để thúc đẩy thương mại hai chiều.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục