Giàu chưa chắc đã có chất lượng sống tốt
Cụm từ “chất lượng cuộc sống” đã được nhắc đến từ lâu. Khi thế giới còn đang say sưa với tỷ lệ tăng GDP bằng mọi giá thì năm 2005, GS Michael Douglass đã đưa ra những khái niệm “chất lượng cuộc sống - quality of life”. Người ta nhận thấy GDP với chất lượng cuộc sống không phải lúc nào cũng là mối quan hệ tỷ lệ thuận. Trên thế giới, có nhiều TP rất giàu có nhưng chất lượng cuộc sống không cao. Vấn đề ở đây, giàu để làm gì khi chất lượng cuộc sống không cao? Một câu hỏi đặt ra mục tiêu và trả lời nó cũng là cách thể hiện quan điểm, triết lý phát triển.
Người cao tuổi tập thể dục tại Công viên Lê Văn Tám Ảnh: VIỆT DŨNG
Cũng trong khoảng thời gian này, Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực Mercer (Mercer Human Resource Consulting) thường công bố bảng xếp hạng kết quả khảo sát chất lượng cuộc sống ở hơn 200 TP trên khắp thế giới, dựa trên 39 tiêu chí. Hà Nội và TPHCM xuất hiện trong danh sách này với vị trí không khả quan. Năm 2006, Hà Nội được 60 điểm, xếp thứ 155/215 TP; TPHCM đứng thứ 148. 9 năm sau, vị trí của TPHCM là 153/230 TP và Hà Nội ở vị trí 154. Vì sao trong nhiều năm trở lại đây, chúng ta phát triển kinh tế với tốc độ cao mà điểm xếp hạng chất lượng cuộc sống ở TPHCM lại không tăng lên? Phải chăng kinh tế đi lên nhưng chất lượng cuộc sống lại có vấn đề? Thực tế đó đã được lãnh đạo TPHCM quan tâm và đề nghị nghiên cứu. Sau đó, Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM đã có báo cáo khoa học về “TP sống tốt” và “TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Những nghiên cứu của viện góp phần tạo cơ sở để thảo luận trong quá trình chuẩn bị đại hội, trong đại hội và cả trong nghị quyết, văn kiện của đại hội. Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đặt mục tiêu “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Thật ra, kinh tế chỉ là một trong hàng loạt tiêu chí để đảm bảo chất lượng cuộc sống con người. Theo Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực Mercer, chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (39 tiêu chí), dựa trên sự tổng hòa của mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người từ chính trị, kinh tế, xã hội đến môi trường, hệ thống giao thông, chăm sóc sức khỏe, an ninh, giáo dục... Dù cho đời sống vật chất của người dân được nâng lên rõ rệt, nhưng rõ ràng, hàng ngày, hàng giờ cư dân TPHCM đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, ngập lụt, y tế, an sinh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn giao thông… Hàng loạt yếu tố “phi kinh tế” như thế đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta.
Thạc sĩ LÊ VĂN THÀNH Trước những bộn bề trong cuộc sống thường ngày hôm nay, câu hỏi đặt ra là, liệu việc xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có phải là một điều xa xỉ và hoang tưởng? Chúng ta phải bắt đầu từ đâu, làm thế nào để TPHCM trở thành TP có chất lượng sống tốt? Câu trả lời là: Hãy bắt đầu từ con người. Mục tiêu đó chính là phản ánh nguyện vọng của nhân dân và được Đảng bộ TPHCM thể hiện trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vì con người. Xây dựng TP có chất lượng sống tốt, xét cho cùng là vì hạnh phúc, vì sự phát triển toàn diện của con người. Đến lượt mình, con người lại làm cho xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp hơn. |
“Thành phố sống tốt” là để phục vụ người dân
Thật may mắn cho chúng ta, các TP trên thế giới đã có nhiều kinh nghiệm, cả về lý thuyết và thực tiễn xây dựng một TP sống tốt, trong đó có khái niệm “TP sống tốt” của GS Michael Douglass. Tất cả là cơ sở tham khảo để TPHCM có thể đề ra một triết lý phát triển “TP có chất lượng sống tốt” phù hợp với đặc điểm của thực tiễn Việt Nam, thực tiễn TP.
Với tính đa dạng, muôn hình muôn vẻ của một đô thị lớn như TPHCM, chúng ta cần phải tìm ra các mục tiêu phát triển là các điểm chung nhất của hệ thống đô thị thế giới. Đó là mục tiêu con người, điều kiện tự nhiên và xu hướng phát triển để định ra tôn chỉ (triết lý) của TP, đây là những mục tiêu cơ bản và lâu dài nhất của một TP và được xem là điểm quy chiếu cụ thể của TP đó.
Để giải quyết vấn đề phát triển TP theo quan điểm “sống tốt” cho toàn bộ TPHCM, cũng cần lưu ý 3 vùng địa lý kinh tế - xã hội (nội thành, quận mới và ngoại thành) có những đặc điểm khá khác biệt. Chính sự khác biệt giữa 3 vùng này đề ra phải có những tiêu chí đặc thù cho từng vùng. Một số tiêu chí ở khu vực nội thành có thể cao hơn vùng các quận mới và vùng ngoại thành và ngược lại. Ví dụ: tiêu chí m2 nhà ở bình quân ở nội thành phải thấp hơn ngoại thành, tiêu chí mật độ cây xanh ở vùng ngoại thành phải cao hơn…
Người dân TPHCM và du khách nước ngoài vui chơi ở Công viên 30-4. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong điều kiện của TPHCM, vấn đề cơ bản nhất để trở thành TP có chất lượng sống tốt là cuộc sống người dân phải được ổn định - có công ăn việc làm chất lượng; sinh hoạt, học hành, khám chữa bệnh thuận lợi; ăn uống an toàn; có nhà ở tương đối; giao thông đi lại thuận tiện, ít kẹt xe, ngập nước… Hàng loạt vấn đề đặt ra đều lấy con người làm trọng tâm để phục vụ, khi nào cư dân TP thấy hài lòng thì TPHCM có chất lượng sống tốt. Người dân TP vừa là chủ thể thụ hưởng, vừa là chủ thể đóng vai trò quan trọng nhất của việc tạo dựng nên chất lượng sống tốt. Điều quan trọng là tuyên truyền để người dân hiểu rõ, hiểu đúng thế nào là cuộc sống có chất lượng tốt. Trên cơ sở đó, mỗi cư dân đô thị sẽ hiểu rõ hơn vai trò của mình trong việc xây dựng, gìn giữ chất lượng cuộc sống.
Để đo lường, đánh giá được “chất lượng sống tốt” ở TPHCM, chúng ta rất cần một hệ thống các tiêu chí. Các tiêu chí này cần được xây dựng trên một hệ thống chung nhằm thuận tiện cho việc so sánh, đối chiếu với các TP khác trên thế giới, hẳn nhiên phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của TPHCM. TP của chúng ta có quy mô dân số lớn, hiện nay là 10 triệu dân, là trung tâm kinh tế tài chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Chính những đặc điểm chức năng này quyết định mô hình phát triển đô thị và hệ thống tiêu chí “TP sống tốt” (livable cities). Các tiêu chí của “TP sống tốt ” bao trùm nhiều khía cạnh, trong đó có một số đã được các ngành kinh tế - xã hội lấy làm chỉ tiêu kế hoạch thống kê của ngành mình. Như số học sinh bỏ học, số y bác sĩ trên 1.000 dân... có thể đưa vào nhóm các chỉ tiêu về vốn con người. Nhiều tiêu chí khác phải có kế hoạch theo dõi, điều tra thu thập. Ngoài các tiêu chí định lượng, đo lường được còn có những tiêu chí định tính. Việc có thể đo lường được mức độ “sống tốt” giúp cho việc so sánh với các TP khác và tự đánh giá mức độ của bản thân TPHCM cũng như tiến trình biến đổi theo thời gian và những mục tiêu định hướng phấn đấu cho tương lai.
Có thể đo lường được “chất lượng sống tốt”?
VÂN ANH - ĐƯỜNG LOAN (ghi)
Bài vở cho chuyên trang “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt” xin gửi về email: thanhphosongtot@sggp.org.vn hoặc địa chỉ 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM (xin ghi rõ: Bài tham gia chương trình “Đồng hành xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt”). Chúng tôi sẽ chọn lọc, biên tập và lần lượt đăng tải các bài viết có chất lượng trên chuyên trang ra vào thứ năm hàng tuần.