Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn quốc tế

Điện Biên Phủ là “một mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử Việt Nam mà còn góp phần làm thay đổi cục diện thế giới, mở đường cho phong trào giành độc lập dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Dấu mốc mở ra thời đại mới

Đúng 22 giờ ngày 7-5, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại đã thu được toàn thắng. Ngày 11-5-1954, Hội đồng Chính phủ Pháp đã họp một phiên bi thảm nhất của nước Pháp, kể từ tháng 5-1940. Henri Navarre, Tổng Tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương, trong quyển “Đông Dương hấp hối 1953 - 1954” cay đắng thừa nhận: “Sự thất thủ của tập đoàn cứ điểm (Điện Biên Phủ) đã gây ra một sự choáng váng sâu sắc không có lợi cho chúng ta”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, như W.Phoxtơ, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ chỉ rõ “đã lộ rõ sự phá sản chính sách của Phố Wall hòng chinh phục các nước ở Đông Nam Á”. Hơn thế nữa, AFP ngày 7-5-1984, cho rằng nó “đã thúc đẩy và làm tăng cường sự phản kháng các chính sách khống chế tàn bạo của Mỹ ở các nước tư bản khác”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn quốc tế ảnh 1 Kéo pháo vượt rừng sâu, núi cao vào Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Nhấn mạnh về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), tờ Guardian (Anh) năm 2014 nhận định rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đơn thuần là biểu tượng thất bại của Pháp, biểu tượng thắng lợi của Việt Nam mà đó là “dấu mốc mở ra một thời đại mới trên toàn thế giới - thời đại giải phóng dân tộc”. Hãng tin Pháp AFP khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ đã “thổi bùng phong trào độc lập tại nhiều quốc gia thuộc địa trên khắp thế giới”. 

Sử gia Anh Martin Windrow cho rằng: “Lần đầu tiên một phong trào độc lập ngoài châu Âu phát triển từ lực lượng du kích đã đánh bại một quốc gia xâm lược châu Âu trong một trận chiến”. Báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) khẳng định: “Điện Biên Phủ là biểu tượng của tinh thần quyết tâm tự lực, tự cường, chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam”.

Còn nhà nghiên cứu người Anh Peter Hunt thuộc Đại học King’s College London nhận định: “Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cả châu Á và ảnh hưởng của nó còn kéo dài tới ngày nay”. 

Năm 1960 được đánh dấu là “Năm châu Phi” khi 17 nước ở châu Phi đã tuyên bố độc lập dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Như một phản ứng dây chuyền lan đi khắp thế giới, Algeria và một loạt các nước thuộc địa khác của Pháp ở châu Phi như: Morocco, Tunisia, Guinea, Mali, Madagascar, Cameroon... đã nổi dậy một cách mạnh mẽ, ào ạt và nhanh chóng, buộc thực dân Pháp không còn con đường nào khác là phải trao trả nền độc lập cho các nước này.

Nguồn cảm hứng cho khát vọng độc lập, tự do 

Tờ Tin tức, số ra ngày 11-5-1954 ở Indonesia nhận thấy rằng, việc giải phóng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của Việt Nam mà còn “chứng minh nhân dân châu Á có đủ khả năng kết thúc lịch sử của thực dân âm mưu dùng lực lượng vũ trang để thực hiện tham vọng của mình”.

Tờ Sao đỏ (Liên Xô) ngày 8-5-1954 viết: “Việc giải phóng cứ điểm (Điện Biên Phủ) chứng tỏ lực lượng của quân đội nhân dân Việt Nam, ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình”. 

Nhân dân các thuộc địa ý thức rõ, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”. 

Năm 1993, Francois Mitterrand là Tổng thống Pháp đầu tiên đến Việt Nam. Ông đến Hà Nội và tuyên bố: “Tôi ở đây để đóng lại một trang sử và cũng để mở ra một trang khác”. Georges Saunier đánh giá chuyến thăm Điện Biên Phủ năm 1993 của Tổng thống Francois Mitterrand là một hành động dũng cảm: “Điện Biên Phủ là một điểm lịch sử ngoại lệ. Một điểm nợ chết chóc, thất bại mà cũng là điểm quay lại và tĩnh tâm. Các dấu vết khổ đau ở đây rất nhiều. Nó cũng là biểu tượng của một thất bại nào đó của thực dân và việc mất niềm tin của người Pháp... Chuyến đi cũng là để “hòa giải hoàn toàn giữa dân tộc Pháp và Việt Nam”. 

Thực tế, Francois Mitterrand đã trả lời câu hỏi của báo chí về tinh thần đến thăm Điện Biên Phủ, cái tên gợi trang bi thảm của lịch sử Pháp như sau: “Tôi có thể đến Điện Biên Phủ để suy nghĩ lại, để cảm nhận lại tất cả những gì mà một người Pháp có thể cảm thấy trước sự hy sinh của binh lính để tất nhiên không quên những người khác”.

Trong bài phát biểu tại UBND TPHCM năm 1993, ông nói: “Chúng ta đã sống xa nhau và bây giờ chúng ta lại gặp lại nhau”.

Cho đến nay và mãi mãi sau này, nhân dân thế giới vẫn ghi nhớ “Điện Biên Phủ anh dũng, vinh quang đời đời sáng mãi”, nó sẽ “không bao giờ phai trong ký ức của mọi người”. Từ góc độ quốc tế, Điện Biên Phủ là biểu tượng của lòng quả cảm của một dân tộc, nguồn cảm hứng bất tận cho khát vọng độc lập, tự do, chính nghĩa của các dân tộc bị đô hộ, áp bức, bóc lột.

Tin cùng chuyên mục