Đó là câu hỏi về một cuộc chiến tranh nóng theo nghĩa thông thường, nghĩa là có bom rơi, đạn nổ. Trên thực tế, một cuộc chiến tranh không tiếng súng đang diễn ra quyết liệt giữa Iran với Mỹ, Israel và các nước phương Tây.
Cuộc đối đầu đã diễn ra từ nhiều năm nay. Có thời điểm, người ta cứ tưởng là chiến tranh nóng nổ ra đến nơi. Nhưng cuối cùng vẫn là những cuộc khẩu chiến, sự đe dọa và các cuộc chiến tranh tâm lý, chiến tranh kinh tế và cuộc chiến ngoại giao.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, cứ quan sát việc động binh kèm những tuyên bố cứng rắn của các bên liên quan thì dường như một cuộc chiến tranh nóng thực sự có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Nguyên cớ để mở màn quân sự đối kháng công khai giữa Iran với Mỹ và phương Tây rất có thể là vấn đề lưu thông của eo biển Hormuz, hành lang biển chủ đạo để chuyên chở dầu mỏ từ khu vực vịnh Persic ra thị trường quốc tế đang bị Tehran ngăn chặn.
Lịch sử các cuộc chiến tranh ở Trung Đông và các cuộc chiến khác cho thấy có thể vin vào những cái cớ để khai chiến. Vấn đề quan trọng nhất là khi phát động chiến tranh, bên tấn công có cảm thấy giành được phần thắng hay không thì mới nổ súng.
Hiện nay, Mỹ đã điều động một lực lượng quân đội khá lớn rút từ Iraq sang các căn cứ tại một số đồng minh ở vùng Vịnh. Anh và Pháp bắt đầu điều quân đến khu vực vùng vịnh Persic. Mỹ cũng tăng cường quân ở Israel và Kuwait. Israel thì đã và đang gấp rút chuẩn bị cho một cuộc chiến. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhận định “rất có khả năng” Israel sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân Iran trong mùa xuân này.
Về phía Iran, cuộc tập trận mới trên bộ đang được tiến hành sau cuộc tập trận hải quân dài ngày với một lượng binh sĩ và vũ khí lớn chưa từng có. Iran cũng không quên lặp lại cảnh báo cắt nguồn dầu mỏ xuất khẩu sang các nước châu Âu giữa tình hình căng thẳng leo thang. Các cuộc diễn tập hải quân tiếp theo ở ngoài khơi vịnh Persic cũng đang được chuẩn bị. Cùng với việc tập trận, giới chức và các nghị sĩ Iran đã lặp lại lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với ngành xuất khẩu dầu mỏ của nước này.
Sự tập trung lực lượng quân sự của các bên đẩy căng thẳng dần lên tới cực điểm. Người ta có cảm giác chỉ cần một phát súng vô tình nổ ra cũng đủ để hai bên khai hỏa. Đã có một kịch bản về cuộc chiến tranh hạn chế là Israel cùng Mỹ sẽ bất ngờ tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran. Điều này chỉ xảy ra nếu Mỹ và Israel chắc chắn vô hiệu hóa được lực lượng quân sự Iran, vốn không thể coi thường như Iraq và Libya.
Tuy nhiên, ở khía cạnh chính trị, các bên liên quan chắc chắn muốn tránh một cuộc chiến vào lúc này. Trên thực tế, các quốc gia có thể góp mặt tham chiến hiện đang phải giải quyết những mục tiêu nội bộ lớn hơn những mục tiêu đối ngoại. Tại Mỹ, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đã bắt đầu. Ở Pháp, cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Châu Âu đang quan tâm đến vấn đề kinh tế nhiều hơn là chiến tranh. Ngay chính Iran, ngày 2-3 tới sẽ bầu cử quốc hội và năm 2013 sẽ bầu cử tổng thống… Đó là chưa kể đến chiến tranh có thể ảnh hưởng đến giá dầu cũng như phản đối từ Nga và Trung Quốc.
Một cuộc chiến, dù với bất cứ lý do gì và dưới hình thức nào cũng sẽ dẫn tới những thiệt hại. Vì vậy, dư luận quốc tế mong muốn các bên không hành động sai lầm vì ngoài những hệ lụy liên quan tới an ninh khu vực, mâu thuẫn nội bộ các nước cũng như quan hệ đối ngoại các bên, dù bất cứ kịch bản nào xảy ra thì chiến tranh Iran sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu vốn đang gồng mình chống đỡ khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính.
NGUYỄN KHẮC ĐỨC