(SGGPO).- Sáng 21-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, dự thảo luật này đã được Chính phủ trình lên Quốc hội gồm có 5 chương, 77 điều, trong đó ngoài những quy định chung, có quy định về phòng chống sinh vật gây hại thực vật, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật...
Theo dự thảo, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền công bố dịch và công bố hết dịch trên địa bàn xã, huyện hoặc toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu một số tỉnh- thành trực thuộc Trung ương trong vùng có dịch thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện công bố dịch tại từng địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ thực hiện công bố dịch khi có dịch từ 2 tỉnh trở lên và khi phát hiện có sinh vật gây hại lạ, sinh vật gây hại nguy hiểm.
Dự thảo Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nhấn mạnh các hành vi nghiêm cấm nhập khẩu và nhân nuôi sinh vật gây hại; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trái quy định; bỏ lại bao bì thuốc, thuốc bảo vệ thực vật thừa sau khi sử dụng không đúng nơi quy định. Về kiểm dịch thực vật, dự luật quy định về điều kiện hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, trước khi nhập khẩu phải phân tích nguy cơ dịch hại (thiết lập hàng rào kỹ thuật). Căn cứ vào kết quả phân tích nguy cơ dịch hại mới quyết định cho phép hoặc không cho phép nhập khẩu.
Thảo luận về dự thảo luật này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình nâng Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật lên thành Luật để điều chỉnh thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất nguy hại hiện nay. Luật đã quy định về phòng chống sinh vật gây hại, đó là một nội dung mới. Làm rõ thêm về một số vấn đề, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, luật cần kiên quyết cấm việc đưa sinh vật gây hại vào Việt Nam.
Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) dẫn giải, mỗi năm, Việt Nam sử dụng gần 50.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật với hơn 1.000 loại thuốc có độc tính cao. Công tác quản lý việc sử dụng thuốc rất khó khăn, trong khi ý thức trách nhiệm của người sử dụng đối với sức khỏe cộng đồng rất kém. Trong đó có một lượng lớn bao bì, vỏ thuốc đã qua sử dụng vị vứt bỏ bừa bãi. Vì thế, đại biểu đồng tình Luật đã quy định việc thu gom bao bì, vỏ thuốc đã qua sử dụng, nhưng nếu giao cho cấp xã thì rất khó có hiệu quả.
Vì vậy, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề xuất phải thực hiện nghiêm việc chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm kinh phí tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật bị tiêu hủy. Nhiều đại biểu đồng ý với điều này vì cho rằng, sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật là siêu lợi nhuận, vì thế nhà sản xuất, chủ sở hữu phải chịu một phần trách nhiệm thu gom.
Còn theo đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), nhân dân cả nước hiện đang rất bức xúc về tình trạng sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật hiện nay. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt các hành vi này chưa nghiêm, mới chỉ dừng ở xử phạt hành chính, chưa bị truy tố hình sự để đủ sức răn đe.
Cho rằng Luật đã được chuẩn bị chu đáo, tuy nhiên đại biểu Hùng cho rằng, cần có khảo nghiệm các loại thuốc bảo vệ thực vật trước khi đưa vào sử dụng. Nếu không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có nguy cơ gây hại thì kiên quyết không đưa vào danh mục được sử dụng ở Việt Nam. “Bảo vệ sức khỏe cộng đồng là quan trọng nhất, vì thế cần có quy định rõ về khoảng cách đối với các cơ sở sản xuất, bảo quản thuốc bảo vệ thực vật với khu dân cư”, đại biểu Hùng đề nghị.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị phải siết chặt trong quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật.
| |
PHAN THẢO