Chiếu phim cho trẻ khiếm thị

Trong khi người sáng mắt có biết bao loại hình giải trí, sinh hoạt hấp dẫn thì những người khiếm thị - đặc biệt là các em ở độ tuổi đi học, lứa tuổi khao khát được khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh, các phương tiện vui chơi, giải trí lại hầu như không có gì.
Chiếu phim cho trẻ khiếm thị

Trong khi người sáng mắt có biết bao loại hình giải trí, sinh hoạt hấp dẫn thì những người khiếm thị - đặc biệt là các em ở độ tuổi đi học, lứa tuổi khao khát được khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh, các phương tiện vui chơi, giải trí lại hầu như không có gì.

Hiểu được điều này nên Công ty cổ phần Giải trí - Phát hành phim - Rạp chiếu phim Ngôi sao (CINESTAR) đã tổ chức buổi chiếu phim phục vụ miễn phí gần 200 học sinh của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TPHCM, Trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú) và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp vào ngày 6-4 vừa qua (ảnh).

Buổi chiếu phim đặc biệt…

Với các em học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, dù đây là buổi xem phim lần thứ hai, tâm trạng các em cũng háo hức, phấn khởi như lần đầu vì sắp được xem bộ phim Kung Fu Panda 3 mà các em yêu thích. Còn các em học sinh Trường chuyên biệt Bình Minh và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp lần đầu tiên được đi xem phim, hẳn còn háo hức hơn nữa. Để phù hợp với khán giả đặc biệt này, ngoài việc lựa chọn bộ phim phù hợp, lồng tiếng hay, rạp chiếu phim còn mời thêm diễn viên lồng tiếng Nhất Duy tham gia lồng tiếng tại chỗ, mô tả sinh động các cảnh quay, hình ảnh, trang phục và cả cảnh đấu võ của chú gấu trúc Po và các bạn đồng môn, làm không khí trong rạp trở nên náo nhiệt, sinh động. Ngoài ra, phần thoại trên phim hài hước, dí dỏm làm các em phấn khích, vỗ tay và cười hết cỡ với những cảnh vui nhộn mà diễn viên lồng tiếng Nhất Duy đặc tả chi tiết. Đối với người sáng mắt thì việc cảm nhận bộ phim có lẽ sẽ dễ hơn rất nhiều, nhưng đối với người khiếm thị, khuyết tật thì phải cố gắng rất nhiều mới có thể cảm nhận tương đối về nội dung phim. Ngoài việc được xem phim, các em còn được phục vụ nước uống và bắp rang bơ thơm lừng.

Những cảm xúc đầu tiên

Kết thúc buổi chiếu phim là những tràng pháo tay giòn giã thể hiện sự thích thú của các em. Sau khi xem phim về, các em còn viết những cảm nhận dễ thương gửi cho các cô chú ở rạp chiếu phim để bày tỏ sự biết ơn khi lần đầu tiên được xem một bộ phim hay, ý nghĩa. Em Trương Phước Huy, lớp 8A Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, chia sẻ: “Em vẫn nhớ mãi buổi chiếu phim đầu tiên, sáng hôm đó em vừa học vừa mong thời gian trôi qua thật nhanh để đến giờ đi xem phim. Điều tạo ấn tượng đầu tiên khi em bước vào rạp phim là mùi thơm phức của bắp rang bơ xông vào mũi, khiến em và các bạn đều phải hít hà. Vào đến phòng chiếu phim, chúng em nhận được sự tiếp đón nồng hậu của toàn thể nhân viên rạp hát”. Còn em Hoàng Mai Hoa, học sinh lớp 12A cùng trường Nguyễn Đình Chiểu, thì viết như sau: “Con cảm ơn các cô chú nhiều vì đã cho chúng con xem một bộ phim vô cùng ý nghĩa, qua đó con rút ra được những bài học bổ ích cho mình”.

Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết các cháu khiếm thị cảm nhận về âm thanh nhạy hơn người bình thường rất nhiều. Các cháu có thể dễ dàng phân biệt được tiếng nước chảy từ con suối, tiếng thác nước đổ. Trong những buổi đi xem phim như thế này sẽ tạo điều kiện cho các cháu có thể tự tin, hòa nhập với cộng đồng. Ngoài các hoạt động vui chơi, giải trí thường xuyên ở trường như đá bóng, chơi cờ, học âm nhạc…, trường cũng vừa tổ chức cho các cháu đi ra vùng biển Cần Giờ để các cháu khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh bằng việc tự mình lội xuống rừng đước bắt còng, tìm hiểu cách làm muối và tự tay làm để cảm nhận được cách làm muối của các diêm dân.

Theo ông Trần Văn Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị CINESTAR, ông đã ấp ủ từ lâu dự án chiếu phim cho người khiếm thị nhưng nay mới bắt đầu thực hiện. Ông mong muốn mọi người ủng hộ việc làm mang tính nhân văn này, để các rạp phim đều có những suất chiếu phục vụ cho những người khiếm thị, khuyết tật, giúp họ có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng. Để dự án này được thực hiện tốt, cần sự chung tay của toàn xã hội về kinh phí và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về chuyên môn, để có nhiều hơn nữa những bộ phim phù hợp với đặc điểm khuyết tật của các em. Ví dụ, việc lồng tiếng cần chú trọng gợi mở sự tưởng tượng nhiều hơn, để các em cảm nhận trọn vẹn hơn nội dung bộ phim. Không cảm nhận được bằng mắt các em sẽ cảm nhận sâu sắc hơn bằng trái tim của mình.

ĐẶNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục