• Không mở rộng loại phương tiện thủy được miễn đăng ký
(SGGPO).- Chiều 13-1, dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội(UBTVQH) xem xét, cho ý kiến.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu tiếp thu, bổ sung 01 chương về quá cảnh gồm 03 điều; đồng thời bổ sung 09 điều khác; bỏ 01 điều và chỉnh sửa 40 điều trên tổng số 46 điều. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình UBTVQH lần này có 09 chương, 57 điều.
Đáng lưu ý, đối với vấn đề miễn thị thực của người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt hiện đang thực hiện theo các Nghị định và Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến chủ quyền quốc gia nên đề nghị bổ sung thẩm quyền của UBTVQH quy định vấn đề này trong Luật.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống dịch bệnh..., cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam được phép hạn chế việc tạm trú, đi lại của người nước ngoài ở những khu vực và vào những thời điểm nhất định; Thường trực Ủy ban đã đề nghị bổ sung vào Luật quy định Chính phủ có quyền quyết định hạn chế người nước ngoài tạm trú, đi lại ở những khu vực và thời điểm nhất định vào điểm d, khoản 1 Điều 37 của dự thảo Luật (thể hiện tại Phụ lục 5 kèm theo).
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ), các ý kiến đặc biệt lưu ý đến vấn đề đăng ký, đăng kiểm và điều kiện hoạt động của phương tiện GTĐTNĐ.
Nhiều ý kiến đồng tình với quy định theo hướng không mở rộng loại phương tiện được miễn đăng ký so với Luật hiện hành, đồng thời giao Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy định giao UBND cấp xã tổ chức đăng ký các phương tiện này vào các văn bản dưới luật.
“Về kiến nghị cần quy định các điều kiện của phương tiện để đảm bảo an toàn giao thông, Dự thảo Luật đã được bổ sung, chỉnh sửa tại khoản 3 Điều 26 về “vùng hoạt động”, khoản 1 Điều 24 điều kiện phương tiện phải “đủ thiết bị an toàn, thiết bị hỗ trợ hành trình, thiết bị thông tin, định vị, dẫn đường theo quy định”; bổ sung về niên hạn sử dụng của phương tiện tại khoản 5 Điều 24 và giao Chính phủ quy định chi tiết về loại phương tiện và niên hạn sử dụng tương ứng”, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh.
ANH PHƯƠNG