Chính quyền và cấp ủy Đảng các cấp cần biết chính xác nhân dân có hài lòng không

Chính quyền và cấp ủy Đảng các cấp cần biết chính xác nhân dân có hài lòng không

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân:

(SGGPO).- Hôm nay 23-9, tại TP Ninh Bình diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, dự và chỉ đạo đại hội.

Quang cảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình ngày 23-9-2015

Theo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ do ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Ninh Bình, trình bày, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nhiệm kỳ đạt 11,7%/năm, so với năm 2010, quy mô GDP gấp 2,1 lần. Đáng chú ý, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản giảm xuống còn 12%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng lên 40%.

Đặc biệt, Ninh Bình có lợi thế là du lịch phát triển mạnh, toàn diện vì có quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới. Năm 2015, khách tham quan các điểm du lịch đạt 6 triệu lượt (gấp 2 lần so với năm 2010), trong đó khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt, khách lưu trú đạt 1 triệu lượt; doanh thu từ du lịch đạt 1.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận những hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách và GDP bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu đề ra; hiệu quả thu hút đầu tư còn hạn chế. Nhận thức, tư duy về kinh tế thị trường còn hạn chế. Về mục tiêu nhiệm kỳ 2015-2020, Ninh Bình phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 8% trở lên. Trong số các giải pháp, đáng chú ý, tỉnh Ninh Bình khẳng định sẽ phát huy thế mạnh về tài nguyên du lịch. Phấn đấu để thành phố Ninh Bình từng bước trở thành thành phố du lịch. Đến năm 2020, doanh thu du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng, tổng giá trị gia tăng của các ngành dịch vụ đạt trên 33.000 tỷ đồng, đóng góp 42% trong tổng GDP của tỉnh.

Tại đại hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao mức tăng trưởng kinh tế của Ninh Bình, bình quân cả nhiệm kỳ đạt 11,7%/năm. Là địa phương thu ngân sách còn thấp nhưng Đảng bộ rất chú trọng giáo dục đào tạo và an sinh xã hội. Ninh Bình luôn thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chất lượng giáo dục trong cả nước.

Tuy nhiên, để đưa Ninh Bình cùng cả nước bước vào một giai đoạn phát triển mới về chất, trong 5 năm và 10 năm tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ninh Bình phải trả lời được câu hỏi: vì sao tổng đầu tư toàn xã hội 5 năm qua của Ninh Bình đạt trên 20.700 tỷ đồng, vượt 38% so với chỉ tiêu 15.000 tỷ đồng, song tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 11,7%, bằng 84% so với chỉ tiêu (14%/năm)?

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã xác định đổi mới mô hình tăng trưởng là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh và bền vững. Theo quan niệm lâu nay, tăng trưởng của một ngành kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng vốn, tăng trưởng đất và lao động được sử dụng ở ngành kinh tế đó. Đó là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng. Thêm vốn, thêm đất, thêm người là tăng trưởng kinh tế thêm. Tuy nhiên cả 3 yếu tố: vốn, đất, lao động đều có hạn, do phải cạnh tranh trong nước và nước ngoài. Vì vậy thực tế đã chỉ ra rằng, có thể tăng trưởng một ngành theo chiều sâu, thông qua nâng cao chất lượng nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới mô hình đơn vị kinh tế cơ bản, và đổi mới chính sách, cơ chế quản lý. 

Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị quan tâm nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp bằng việc thay đổi mô hình sản xuất cơ bản của nông nghiệp. Giải pháp căn bản là phải hình thành các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012, làm cho sản xuất của các hộ và liên kết với doanh nghiệp hiệu quả hơn, từ đó nâng cao thu nhập bền vững cho bà con nông dân.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, dự và chỉ đạo đại hội

Trong việc xây dựng hệ thống Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mỗi cơ quan quản lý nhà nước, mỗi cấp ủy xã phường, quận huyện và tỉnh phải đảm bảo đòi hỏi của Hiến pháp 2013: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. Trong cơ chế hiện nay, chính quyền và cấp ủy Đảng các cấp cần biết chính xác: nhân dân đồng tình và không đồng tình thế nào với hoạt động quản lý và lãnh đạo của mình? Vì vậy, cần tiếp tục thể chế hóa đòi hỏi của Hiến pháp 2013: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục