Chính sách cần sát thực tế

Lòng vòng với kiểm tra chuyên ngành
Chính sách cần sát thực tế

Nghị quyết 35 về việc tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp (DN) đã được ban hành. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng DN bị hành vẫn đang diễn ra. Nhiều DN, DN vừa và nhỏ là đối tượng đang hứng chịu những tổn thương nhiều nhất. Các cơ chế chính sách của nhà nước ban hành và sửa đổi liên tục, làm cho DN gặp khó khăn trong việc cập nhập thông tin cũng như đáp ứng các quy định của pháp luật.

Hầu hết doanh nghiệp nhựa trong nước đều mong muốn được hỗ trợ vốn cải tiến công nghệ, mở rộng sản xuất. Ảnh: CAO THĂNG

Lòng vòng với kiểm tra chuyên ngành

Kiểm tra chuyên ngành vẫn là một trong những vấn đề gây bức xúc lớn nhất trong DN. Bất chấp nhiều cuộc họp lấy ý kiến các DN, hiệp hội đã diễn ra ráo riết gần đây, nhưng cho đến nay, các bộ, ngành chuyên môn vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể và cải cách theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho các DN. Vướng mắc phổ biến nhất vẫn là kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu là hàng loạt mặt hàng chịu sự quản lý, cấp giấy phép, kiểm tra; xin cấp chứng thư của 2 - 3 cơ quan thuộc cùng một bộ hoặc thuộc 2 - 3 bộ, ngành khác nhau như kiểm dịch thực vật, động vật, chất lượng, an toàn thực phẩm... Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TPHCM cho biết, cùng là sản phẩm dệt may nhưng hiện DN đang phải chịu sự quản lý của ít nhất là 3 bộ. Bộ Công thương thì kiểm định hàm lượng hóa chất có trong vải, Bộ Quốc phòng quản lý những đơn hàng xuất khẩu liên quan đến gia công trang phục quân nhân và Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý in ấn hoa văn trên sản phẩm vải. Bà Mai nhấn mạnh, rất nhiều DN may đã rất bức xúc khi cho biết rằng, để đáp ứng với tất cả các tiêu chí, điều kiện của các bộ, ngành đưa ra, cũng đồng nghĩa với việc DN may mất luôn cơ hội để gia tăng sản xuất, xuất khẩu.

Không dừng lại đó, các vấn đề về chứng nhận chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ... đóng vai trò quan trọng trong việc hưởng các ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do, nhưng tại Việt Nam chưa có nhiều đơn vị có thể thực hiện và cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ... được thị trường quốc tế công nhận, nên hầu hết DN sản xuất, kinh doanh đều phải mang sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài để chứng nhận. Sự yếu kém trong tổ chức chứng nhận đã khiến chi phí sản xuất của DN luôn bị đội cao. Chưa hết, việc không áp dụng giải pháp đồng chứng nhận còn khiến DN nhập khẩu trong nước lao đao. Trường hợp nhập khẩu thiết bị có liên quan đến dán nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công thương chứng nhận là một điển hình. Đại diện Hiệp hội Cơ khí cho biết, một số DN thành viên của hiệp hội nhập khẩu thiết bị là motor điện từ Nhật Bản nhưng hải quan không cho thông quan vì được yêu cầu dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Công ty đã tìm đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 để được chứng nhận nhưng trung tâm trả lời là không có thẩm quyền chứng nhận cho loại sản phẩm này. Sau đó, DN phải tự bỏ chi phí để tự trưng cầu giám định sản phẩm nhưng kết quả vẫn không được hải quan chấp nhận… DN phải lòng vòng qua nhiều bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng kết quả vẫn không thể giải quyết được. Cuối cùng, công ty được hải quan cho thông quan nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm khi lưu thông hàng hóa trên thị trường. Nhìn chung, nhiều DN cho biết, có những thiết bị máy móc, nhất là những thiết bị chế tạo nhập khẩu từ các nước tiên tiến như Nhật Bản hoặc châu Âu, các trung tâm kiểm định chất lượng tại Việt Nam không có đủ trang thiết bị để kiểm định nhưng các cơ quan chức năng cũng không áp dụng chính sách đồng chứng nhận. Điều này khiến DN phải chạy lòng vòng, tiêu tốn nhiều chi phí không hợp lý và chính thống. Thậm chí, một số cơ quan chức năng còn lợi dụng việc không rõ ràng trong quy định để nhũng nhiễu DN.

Nhiều hỗ trợ nhưng khó tiếp cận

Với tỷ lệ chiếm hơn 95% - 97% tổng số DN Việt Nam, nhưng các DN vừa và nhỏ không thể lớn lên được và đang đối mặt với nhiều thách thức trong hội nhập kinh tế. Theo khảo sát của Viện Quản trị DN vừa và nhỏ, hiện chỉ có khoảng 30% DN vừa và nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao. Đại diện Hiệp hội Nhựa TPHCM cho biết thêm, đơn cử trong hiệp hội đang có khoảng 600 công ty nội địa, 200 công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt còn có hơn 2.000 đơn vị sản xuất gia đình thực hiện gia công cho các công ty lớn. Hầu hết các DN đều có mong muốn được hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất, cải tiến trang thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh DN nhựa Thái Lan đang tràn sang thị trường Việt Nam. Vừa qua, nhiều chính sách hỗ trợ DN phát triển của Chính phủ đã được ban hành nhưng thực tế đến được tay của DN lại không được bao nhiêu. Trong những năm qua, Hiệp hội Nhựa TPHCM đã nỗ lực kết nối DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong chương trình hỗ trợ lãi suất kích cầu vốn, phát triển công nghiệp hỗ trợ... nhưng không hiệu quả do thông tin hạn chế, thủ tục phức tạp... Có thể thấy, cải cách thủ tục hành chính cần được ưu tiên hàng đầu, vì luật hiện hành có rất nhiều quy định phức tạp đối với DN vừa và nhỏ. Điển hình, DN vừa và nhỏ cần có bộ hồ sơ về kế toán đơn giản hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tham gia đấu thầu các dự án đầu tư, vay vốn ở các tổ chức tín dụng… Đồng thời, luật nên loại bỏ các quy định và cắt giảm những loại phí, lệ phí giảm gánh nặng cho DN trong sản xuất, kinh doanh.

Theo GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, để tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ phải nhanh chóng gỡ bỏ những rào cản được gọi là kiểm tra chuyên ngành. Việc gỡ bỏ rào cản này phải xuất phát từ ý kiến, nguyện vọng và đề xuất của những DN đã và đang phải đối mặt hàng ngày. Bên cạnh đó, cần hiện thực hóa các chính sách bằng những chương trình giảm thuế, hỗ trợ vốn… để đơn vị sản xuất, kinh doanh nội địa tích cực đầu tư khoa học - kỹ thuật, nghiên cứu công nghệ mới. Về phía DN cần nghiên cứu và sử dụng công nghệ sản xuất trong nước bởi việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và công nghệ nước ngoài giúp hạn chế rủi ro và đạt hiệu quả cao, nhưng khó cải thiện được năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường quốc. Vấn đề cốt lõi hiện nay là DN và nhà nước vẫn còn khoảng cách, nên giải pháp cần nhất là không chỉ dừng lại ở đồng hành mà phải “bám sát” DN để có những cơ chế chính sách hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển và cạnh tranh trên thị trường.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục