Chính trường Mỹ rối ren

Củng cố việc thực thi sắc lệnh
Chính trường Mỹ rối ren

Kết thúc phiên giao dịch vào sáng 31-1 giờ Việt Nam, sắc đỏ đã bao phủ thị trường chứng khoán New York với việc chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới hơn 100 điểm và các cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 cũng đều mất điểm. Đây là ngày tồi tệ nhất đối với Phố Wall kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái. Theo một số nhà phân tích và đầu tư, quyết định của Tổng thống Donald Trump tạm thời ngừng cấp thị thực nhập cảnh đối với 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số là thủ phạm làm tiêu tan sự lạc quan trên thị trường chứng khoán Phố Wall. Còn chính trường Mỹ cũng bắt đầu những ngày rối ren trong “tuần trăng mật” của tân Tổng thống.

Củng cố việc thực thi sắc lệnh

Sắc lệnh hành pháp về vấn đề nhập cư mà ông Trump đưa ra hôm 27-1 đã làm dấy lên một loạt tranh cãi pháp lý, làn sóng chỉ trích tại Quốc hội Mỹ và làm lan rộng các cuộc biểu tình phản đối trong và ngoài nước Mỹ. Bên cạnh đó, khả năng Washington thực thi các biện pháp bảo hộ có thể phủ bóng đen tiến trình thực hiện những sáng kiến nhằm khuyến khích giới kinh doanh, như cải tổ thuế đánh vào các công ty và những chi tiêu tài chính mà các nhà đầu tư vốn đã đặt nhiều kỳ vọng kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi cuối năm ngoái.

Ngày 31-1, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bổ nhiệm ông Thomas D. Homan làm quyền Giám đốc Cơ quan thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE).  Ông Homan sẽ dẫn dắt các nỗ lực của ICE trong việc xác định, bắt giữ, và loại bỏ các đối tượng nước ngoài bất hợp pháp, trong đó có những đối tượng đe dọa an ninh quốc gia hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sự an toàn của cộng đồng, cũng như những người nhập cảnh Mỹ một cách bất hợp pháp.

Liên quan đến sắc lệnh hành chính siết chặt chính sách cấp thị thực nhập cảnh và tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ,  Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30-1 đã sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, bà Sally Yates sau khi bà ra lệnh cho các đại diện pháp lý của bộ này không thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ mà ông Trump đã ký. Mặc dù động thái này thực chất chỉ mang tính tượng trưng vì Tổng thống Trump đã bổ nhiệm ông Jeff Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp và đang chờ được Quốc hội thông qua, nhưng giới quan sát cho rằng đây là đòn dằn mặt vì trước đó, bà Sally Yates không tin rằng sắc lệnh của ông Trump mang tính đạo đức và hợp pháp và việc bà ra lệnh cho các đại diện pháp lý của bộ này không thực thi sắc lệnh trên là vì muốn bảo vệ vị thế của Bộ Tư pháp. Quyết định của bà Yates có nghĩa trước mắt, Chính phủ Mỹ sẽ không có các đại diện pháp lý tại các phiên tòa chống lại sắc lệnh của Tổng thống Trump. Cho đến nay, thẩm phán tại ít nhất 5 bang đã có các động thái ngăn cản việc thực thi sắc lệnh trên.

Phản ứng của các nước

Ngày 31-1, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thông báo các công dân Australia mang hai hộ chiếu (trong đó có hộ chiếu từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) sẽ có thể nhập cảnh Mỹ bất chấp sắc lệnh hành chính trước đó của Tổng thống Donald Trump cấm công dân của 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số nhập cảnh Mỹ. Ông cho biết Đại sứ Australia tại Mỹ đã nhận được sự đảm bảo của Nhà trắng.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết sẽ vận động hành lang để những người Iraq ủng hộ quân đội Mỹ được nhập cảnh Mỹ. Tuy nhiên, trong một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Iraq ngày 30-1, đa số nghị sĩ đã ủng hộ kêu gọi chính phủ nước này ban hành một lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Mỹ nhằm đáp trả việc công dân Iraq bị cấm nhập cảnh Mỹ. Bộ Ngoại giao Iraq ra tuyên bố cho biết nước này đã đề nghị chính quyền mới ở Mỹ “xem xét lại quyết định sai trái” nói trên.

Trong khi đó, phát biểu cùng ngày tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi ở thủ đô Addis Ababa của Etiopia, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã chỉ trích việc các nước đóng cửa biên giới, “thậm chí cả những nước phát triển nhất thế giới”. Phản ứng về sắc lệnh trên của Tổng thống Mỹ, người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, ông Margaritis Schimas cho biết các luật sư của cơ quan này đang liên lạc với các đối tác trong EU cũng như các đối tác khác để đảm bảo các công dân EU không bị ảnh hưởng bởi quyết định trên.

Một cách người dân Anh phản đối sắc lệnh của Tổng thống Mỹ

Tại Anh, trong khi hàng chục ngàn người tại ít nhất 30 thành phố trên khắp nước Anh tiếp tục xuống đường biểu tình để phản đối sắc lệnh chống người nhập cư của Tổng thống Mỹ thì Chính phủ Anh ngày 30-1 khẳng định vẫn giữ lời mời Tổng thống D.Trump thăm cấp nhà nước. Tuyên bố được đưa ra bất chấp bản kiến nghị đòi Anh hủy chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ D.Trump đến Anh để phản đối sắc lệnh trên đã vượt ngưỡng 1 triệu chữ ký, mà theo luật pháp Anh, nếu thu thập được trên 1 triệu chữ ký sẽ được các nghị sĩ xem xét. Tuy nhiên, theo BBC, Chính phủ Anh khẳng định lời mời thăm đã được chấp nhận và việc hủy bỏ sẽ hủy hoại mọi thứ.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục