Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa VII

Thiếu giải pháp cho vấn đề dân sinh

Hôm qua (8-12), dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa VII khai mạc. Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TPHCM; cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành, quận huyện và đại biểu HĐND TP.
Thiếu giải pháp cho vấn đề dân sinh

Hôm qua (8-12), dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa VII khai mạc. Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TPHCM; cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành, quận huyện và đại biểu HĐND TP.

Buổi sáng các đại biểu (ĐB) đã nghe Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài báo cáo tình hình KT-XH của TPHCM năm 2009, (thu chi ngân sách TP, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách TP…), Phó Chánh án TAND TP Hà Thúy Yến báo cáo công tác của TAND TP, Viện Phó VKSND TP Phạm Văn Gòn báo cáo hoạt động của Viện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Dương Quan Hà thông báo hoạt động tham gia xây dựng chính quyền, Phó Chủ tịch HĐND TP Huỳnh Thành Lập báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của HĐND TP năm 2009, dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2010…

Tại phiên thảo luận tổ buổi chiều, các ĐB mổ xẻ các tồn tại của TP, đóng góp nhiều ý kiến trong hoạt động điều hành của UBND TPHCM cũng như đề ra giải pháp trọng tâm thực hiện năm 2010.
 
“Nóng” với tồn tại cũ

Ông Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP đọc bản tổng hợp các bức xúc của người dân gửi mặt trận, trong đó vẫn là những bức xúc cũ. Trong đó, ông nhấn mạnh việc bán nhà sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61 có nơi còn tiêu cực, có nơi thì người dân bị hành lên hành xuống, đây là vấn đề mà HĐND TP cần vào cuộc, giám sát.

Tình trạng ngập nước, kẹt xe càng ám ảnh người dân hơn vì mức độ gia tăng của nó đến chóng mặt nhưng biện pháp xử lý dứt điểm hoặc kéo giảm vẫn chưa hiệu quả. ĐB Nguyễn Thị Lệ lo lắng: “Hiện nay chúng ta cứ nói đi nói lại về chất lượng cuộc sống giảm sút. Tuy nhiên, giải bài toán này chính là trách nhiệm của lãnh đạo TP. Lãnh đạo TP phải có những giải pháp cụ thể!”.

Các đại biểu HĐND trao đổi tại thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu HĐND trao đổi tại thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Lâm Đình Chiến thẳng thắn nhận xét: Cải cách hành chính ở TP có hiệu quả nhưng rõ ràng vẫn còn tình trạng níu kéo, hành nhau nhiều, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Ông Chiến dẫn chứng: Dự án chung cư Thành Thái đến nay đã hơn 3 năm vẫn chưa xong thủ tục. Đồng tình với ý kiến ĐB Chiến, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nói thêm: Dự án cơ quan Hội LHPN cũng đã vất vả 3 năm nay chưa xong thủ tục! Còn ĐB Nguyễn Văn Ngai thì không giấu bức xúc, nói ngay: Cần phải xem lại thủ tục xây dựng cơ bản, nhất là trong xây dựng trường học. Có nhiều dự án trường học mà thời gian kéo dài từ khi làm xong thủ tục đã có người lấy chồng, sinh con rồi mà trường vẫn chưa xây xong!

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) - một trong những vấn đề nóng bỏng gây bức xúc trong dư luận hiện nay cũng được mổ xẻ khá sâu tại phiên thảo luận. Theo các đại biểu, quán hàng rong ở TP còn nhiều vô kể, việc bày bán thức ăn trên lòng lề đường gây mất trật tự, không đảm bảo vệ sinh vẫn diễn ra nhan nhản. Vô hình chung lại rơi vào một vòng luẩn quẩn: ăn thức ăn nhiễm khuẩn – ngộ độc thực phẩm – vào bệnh viện – bệnh viện quá tải…

“Khi giao việc quản lý hàng rong về cho địa phương thì địa phương than không có người để làm. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp để việc đảm bảo VSATTP hiệu quả. TP cần mạnh tay hơn để hạn chế tình trạng vi phạm VSATTP điển hình như các vụ chế biến mỡ thối, da heo thối mà báo chí phản ánh thời gian gần đây” - ĐB Phạm Văn Hải nhấn mạnh.

Phát triển chưa bền vững

Vì sao hàng loạt vấn đề nói trên cứ tồn tại, thậm chí diễn biến xấu hơn? Nguyên nhân, ĐB Phạm Minh Trí cho rằng: “Hoạt động điều hành của UBND TPHCM còn nặng tính phong trào. Quản lý xã hội phải bằng cơ chế, luật pháp chứ phong trào chỉ là giải pháp bổ sung. Cũng không thể đổ thừa do thiếu cơ chế, chính sách. Theo tôi công cụ không thiếu, chỉ thiếu biện pháp hoặc làm chưa tới. Đơn cử như việc xử lý hành vi xả rác thì nhiều địa phương nói mức xử phạt 25.000 đồng/lần là quá thấp, chưa đủ sức răn đe nhưng chúng ta đã phạt được bao nhiêu trường hợp? Nếu phạt liên tục, người vi phạm cũng phải sợ chứ”.

ĐB Đặng Văn Khoa khẳng định: Nhiều vấn đề dân sinh gây bức xúc trong nhân dân do nhiều nguyên nhân nhưng TP chỉ đưa ra một vài giải pháp, có giải pháp không mang tính khả thi như xử lý kẹt xe, ngập nước nên hiệu quả chẳng tới đâu. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng vai trò “nhạc trưởng” của UBND TP còn mờ nhạt, chưa quyết liệt. “Trong hoạt động điều hành của mình, tôi nhận thấy lãnh đạo TP chỉ quyết liệt khi phát biểu tại các cuộc họp, trên văn bản, nghị quyết mà chưa quyết liệt trong thực tế. Do vậy, tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường của TP không giảm mà ngược lại cứ ngày càng tăng” - ĐB Phạm Minh Trí nhận xét.

Bàn về chỉ tiêu tăng trưởng, hầu hết các ĐB nhận định: Tình hình kinh tế khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của TPHCM năm 2009 đạt từ 7,5% đến 8% là tốt nhưng vẫn còn nhiều điều UBND TP cần rút kinh nghiệm. ĐB Phạm Minh Trí nói: “Tại kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm 2008, khi bàn về kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2009, nhiều ĐB nhận định không thể đạt mức tăng trưởng 10% nhưng UBND TPHCM quyết định không điều chỉnh chỉ tiêu này. Lãnh đạo TP khẳng định rằng sẽ quyết tâm thực hiện. Nhưng nếu chỉ dựa vào quyết tâm chính trị thôi thì không đủ mà phải dựa vào thực lực của TP và các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài…”. Đồng tình với ý kiến này, ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa nói: Trong 20 chỉ tiêu KT-XH, có 2 chỉ tiêu TP không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Kỳ họp năm rồi, tôi có đề nghị UBND TPHCM cho biết cơ sở, giải pháp nào để TP đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 10% vào năm 2009 nhưng chúng tôi không nhận được câu trả lời!

Các ĐB cũng cho rằng, kinh tế có tăng trưởng nhưng chất lượng sống lại không cao nên sự tăng trưởng không bền vững!

VÂN ANH – HỒNG HIỆP

  • Đề nghị Thanh tra Chính phủ làm rõ khuất tất ở Khu xử lý rác Đa Phước

Bức xúc về Khu xử lý rác Đa Phước, ĐB Lê Thượng Mãn cho rằng, cần phải xem lại tính trung thực bản báo cáo của Sở TN-MT.

Dẫn chứng cụ thể, đại biểu Mãn cho biết: “Báo cáo mới nhất của Sở TN-MT, hầu hết các vấn đề về môi trường của TP đều tốt nhưng chỉ tính riêng bãi rác Đa Phước đã thấy không ổn. Theo tôi biết, mới đây, báo cáo của Công ty Môi trường Đô thị TP cho rằng tình hình tiếp nhận rác tại bãi rác Đa Phước hiện đang gặp khó khăn vì bãi bị lầy, lún, có nhiều rác ứ đọng nên nước rác văng lên đầy xe chở, gây ra tình trạng hôi thối dẫn đến việc người dân ném đá vào xe. Ngoài ra, xe chở rác còn bị cảnh sát môi trường xử phạt. Trong khi đó, theo văn bản trả lời của chủ đầu tư bãi rác Đa Phước - Công ty VietNam Waste Solutions (VWS) thì có vẻ họ đã phủ nhận tất cả những gì đã từng hứa với HĐND khi chúng ta đi giám sát bãi rác này. Một trong số những “lời hứa” của VWS là sẽ làm sàn trung chuyển rác nhưng giờ vẫn không làm”.

Theo ĐB Mãn: “Phải đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc để làm rõ những khuất tất xung quanh dự án. Rất xót khi số tiền bỏ ra quá lớn, trong khoảng thời gian 20 năm nữa chúng ta vẫn sử dụng bãi rác này nhưng để người dân chịu đựng như thế là quá sức”.

Xung quanh vai trò của Sở TN-MT, ĐB Mãn tiếp tục đặt câu hỏi: “Theo Nghị định số 13 của Chính phủ thì việc quản lý chất thải rắn thuộc ngành xây dựng nhưng ở TPHCM thì việc này được giao cho Sở TN-MT. Bộ Xây dựng đã nhắc nhở TP 3 lần rồi nhưng hiện nay vẫn giao việc này cho Sở TN-MT, như thế chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi” vì Sở này đảm nhiệm hết tất cả các khâu, làm sao hiệu quả được? Chưa kể sắp tới đây, khi quốc tế tài trợ các chương trình về biến đổi khí hậu cho TP, mà những chương trình này kinh phí nhiều, khi ấy, Sở TN-MT có đảm bảo quản lý, thực thi hiệu quả?”.

Ngoài ra, theo ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa, qua báo cáo, UBND TPHCM cho rằng tỷ lệ KCX, KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100% nhưng hệ thống xử lý nước thải này có vận hành 100% không hay là chỉ để đối phó? “Tôi nghi ngờ tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế, nước thải y tế!” - ông Nghĩa đặt vấn đề.

 Một số ý kiến góp ý cho hoạt động điều hành của HĐND TPHCM năm 2010

ĐB Dương Minh Quang: Các ban của HĐND TP thời gian qua làm việc cật lực, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Nhiều người phản ánh với tôi là hiện nay việc họp HĐND như… chuẩn bị cho 30 Tết! Khi chuẩn bị thì chộn rộn, xong rồi thì đâu lại vào đấy!

ĐB Phạm Minh Trí: Tôi nghĩ sau mỗi kỳ họp, HĐND TP cần có nghị quyết về vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn. Nếu không, đến kỳ họp đại biểu cứ chất vấn và UBND TP, các sở ngành cứ trả lời chất vấn nhưng sau chất vấn, kết quả thực hiện tới đâu, trách nhiệm của ai, như thế nào không có sự giám sát.

ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa: Tôi đề nghị năm 2010, HĐND TP tập trung giám sát 3 nội dung lớn: Tốc độ tăng trưởng GDP có bền vững không, các công trình trọng điểm và VSATTP.

Tin cùng chuyên mục