Ngày đầu tiên kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VII

“Mổ xẻ” chuyện lãng phí, chỉ tiêu GDP, an toàn thực phẩm…

* Hôm nay 8-7, dự kiến các sở: Giao thông Vận tải, Tài nguyên - Môi trường và Y tế trả lời chất vấn
“Mổ xẻ” chuyện lãng phí, chỉ tiêu GDP, an toàn thực phẩm…

* Hôm nay 8-7, dự kiến các sở: Giao thông Vận tải, Tài nguyên - Môi trường và Y tế trả lời chất vấn

Hôm qua (7-7), kỳ họp lần thứ 16 HĐND TPHCM khóa VII đã khai mạc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo. Tham dự kỳ họp có Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBMTTQ TP Dương Quan Hà. Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã báo cáo tình hình kinh tế-xã hội TP 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2009; Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Nguyễn Minh Hoàng báo cáo về tình hình giám sát 6 tháng đầu năm…

Tại thảo luận tổ buổi chiều, các vấn đề về điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, quảng cáo trên xe buýt, quy hoạch “treo”, vệ sinh an toàn thực phẩm… được các đại biểu (ĐB) đưa ra mổ xẻ.

Các đại biểu thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phải điều chỉnh GDP!

ĐB Đặng Văn Khoa cho biết: Tôi và nhiều đại biểu khác cứ băn khoăn việc UBND TPHCM cho rằng không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. Sáu tháng đầu năm 2009, tình hình kinh tế khó khăn, chỉ tiêu tăng trưởng của TP chỉ đạt 4,6%. Theo Nghị quyết, tính cả năm tốc độ tăng trưởng GDP phải là 10%. Như vậy, trong 6 tháng còn lại TP phải phấn đấu tăng trưởng GDP đến hơn 15% nên cần phải có một sự tăng trưởng dữ dội, thần kỳ. Trong tình hình kinh tế khó khăn, nếu cứ giữ chỉ tiêu này liệu có khả thi?

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thế Thanh trăn trở: “Căn cứ vào tình hình thực tế, Quốc hội đã điều chỉnh GDP từ 6% đến 6,5% xuống 5%. Mấy ngày nay tôi cứ theo dõi báo đài xem có dòng chữ nào thông tin TPHCM điều chỉnh GDP không nhưng không thấy”. Bà ví von: “Trừ khi có ai “độ” cho TP thì mới đạt được tốc độ này” khiến cả hội trường cười ồ lên!

ĐB Nguyễn Thế Thanh phân tích thêm: “Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu giảm 18% so với cùng kỳ; ước thu ngân sách giảm 26%; vốn đăng ký đầu tư trong nước giảm 49%. Như vậy, không biết cơ sở nào TP không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng?”.

ĐB Dương Văn Nhân thì khẳng định: GDP là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng, nó là căn cứ để xây dựng hàng loạt các chỉ tiêu và chính sách có liên quan khác, từ phân bổ vốn đầu tư, chính sách lãi suất đến các chính sách khác. Vì thế, chỉ tiêu GDP được xây dựng sát với thực tế là vô cùng cần thiết. Nhất thiết trong tình hình hiện nay thì TPHCM phải tính toán lại các chỉ tiêu này sao cho phù hợp.

Riêng ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa thẳng thắn đề nghị: TP điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống còn 7% đến 7,5%. Không nhất thiết cứ phải đeo bám tốc độ tăng trưởng 10% vì khi nghị quyết đã đề ra mà không đạt được sẽ ảnh hưởng uy tín của TP.

Xây dựng cơ bản: vẫn lãng phí

>> ĐB Phạm Văn Hải: Hiện nay, còn nhiều kho bãi lãng phí trên địa bàn TPHCM do các tổng công ty quản lý. Xử lý vấn đề này thuộc thẩm quyền xử lý của UBND TPHCM nhưng không hiểu sao đến nay các doanh nghiệp này vẫn không chịu bàn giao? UBND TP giải thích như thế nào về vấn đề này?

>> ĐB Võ Văn Sen: Phương tiện xe cá nhân đang tăng chóng mặt, chỉ trong 6 tháng đầu năm đã tăng hơn 150.000 chiếc, bình quân một ngày có gần 1.000 chiếc xe máy đưa vào lưu hành. Trong khi đó, toàn TP có hơn 280 “lô cốt” bao vây các tuyến đường, diện tích đi lại eo hẹp khiến tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông diễn ra liên miên. Đường sá sau khi thi công xong thì bị băm nát. Chính sự tắc trách ấy đã khiến TP chúng ta trả giá quá đắt!

Đề cập đến công trình xây dựng cơ bản chậm tiến độ, ĐB Lê Văn Trung cho rằng: Cần xác định rõ tiến độ các công trình xây dựng cơ bản chậm là do đâu, đầu tư dàn trải, thiếu vốn, thủ tục rườm rà hay do giải phóng mặt bằng trì trệ. Xác định được rõ nguyên nhân thì từ đó mới có giải pháp thiết thực.

Trong 6 tháng cuối năm, TP đang đối mặt với nguy cơ thiếu vốn trầm trọng, nhất là cho các công trình trọng điểm, vì thế cần nhanh chóng xác định nguyên nhân để mạnh tay giải quyết.

Chúng ta đã có quá nhiều con số “ấn tượng”: Năm 2008 có 88 dự án chậm tiến độ, trong đó có 69 dự án “đội vốn” tăng đến 2.856 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách của TP chỉ có 20.000 tỷ đồng. Như vậy là quá lãng phí.

Chia sẻ câu hỏi của ĐB Lê Văn Trung, ĐB Đặng Xuân Dũng cho rằng: Hơn 10 năm nay chúng tôi nghe các cử tri ở quận 8 than phiền quá nhiều về cầu đường Tạ Quang Bửu mà không biết phải giải thích thế nào khiến người dân rất bức xúc. Trong khi đó, ở nhiều quận trung tâm TP thì hàng loạt vỉa hè đang được đào xới tung lên để làm lại. Việc này là quá lãng phí.

Một vấn đề nữa được nhiều ĐB nhắc đi nhắc lại nhiều lần là vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa nhận định: Liên quan đến công tác quản lý VSATTP có gần 80 văn bản của trung ương và địa phương. Văn bản thì nhiều nhưng hiệu quả quản lý lại chưa cao.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu HĐND TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu HĐND TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

ĐB Nghĩa dẫn chứng: Chỉ nói về rau xanh thì tỷ lệ rau an toàn cả nước mới khoảng 8%. Như vậy, còn hơn 90% rau có nguy cơ ngộ độc? Hay nước uống tinh khiết còn bị ô nhiễm thì những thực phẩm khác đáng lo ngại đến chừng nào? ĐB Nguyễn Thế Dũng cho rằng: Lực lượng thanh tra có vai trò quan trọng trong kiểm tra, giám sát VSATTP nhưng chất lượng đội ngũ này cần phải xem lại, trong đó yếu tố đạo đức cần phải được xem trọng. 

Mỗi ngày thất thoát gần 500.000m³ nước sạch!  

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo: Giải quyết những mặt trì trệ gây bức xúc trong dân

Tuy nền kinh tế chưa rơi vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nhưng mức suy giảm là khá nặng. Tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, chưa có sự chuyển động mạnh theo hướng tái cơ cấu nền kinh tế- doanh nghiệp và lao động. Hiệu quả kinh tế chưa cao, quản lý đô thị còn bất cập, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đai, tiến độ các công trình giao thông, xử lý môi trường còn nhiều bức xúc.

Đứng trước thực trạng này, tôi mong muốn các đại biểu HĐND TP nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung phân tích tình hình, hiến kế giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội với tốc độ tăng trưởng hợp lý, tạo ra sự chuyển biến về chất của nền kinh tế, giải quyết triệt để mặt còn trì trệ và bức xúc trong dân.

Nhiều ĐB bức xúc: Tỷ lệ thất thoát nước hiện nay 42% là quá cao, trong khi vấn đề thất thoát nước đã được HĐND TP đặt ra từ 8-9 năm trước, khi đó tỷ lệ này chỉ khoảng 30%. Mỗi ngày, TP sản xuất khoảng 1,2 triệu m³ nước sạch. Với tỷ lệ thất thoát nước hiện nay thì mỗi ngày TP mất đi gần 500.000m³ nước sinh hoạt, gấp 5 năm công suất phát nước của Nhà máy BOO nước Thủ Đức hiện nay. Điều này cho thấy, UBND TP đã thiếu quan tâm giải quyết vấn đề này.

ĐB Đặng Văn Khoa cho rằng: Khi tỷ lệ thất thoát nước còn quá cao, nếu UBND TP tính đến chuyện tăng giá nước thì người dân khó đồng tình.

ĐB Phạm Văn Hải cũng đồng tình: “Ngành cấp nước đã từng nêu ra rất nhiều giải pháp để kéo giảm thất thoát nước nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Nếu thời gian tới không thực hiện quyết liệt thì tình trạng thất thoát nước sẽ tiếp tục tăng cao nữa”.

Theo ĐB Nguyễn Văn Hiệp: Hiện nay theo ngành cấp nước thì đã cơ bản gần 90% người dân được sử dụng nước sạch, thế nhưng số 10% số người dân còn lại đó phần lớn là những người nghèo. Họ phải “gánh” chi phí cho nước sạch lớn hơn những người khác là điều phi lý.

Tại sao không cho quảng cáo trên xe buýt?

Một vấn đề khác khá “nóng” tại các tổ thảo luận là việc UBND TP chủ trương không cho phép quảng cáo trên xe buýt.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa bày tỏ: “TP chúng ta đang tốn một nguồn ngân sách không nhỏ cho xe buýt. Trong khi đó, trong điều kiện khó khăn hiện nay việc quảng cáo trên xe buýt tạo một nguồn thu không nhỏ cho hoạt động này nhưng TP lại chủ trương không cho phép, tôi thấy tiếc lắm! Tại sao một số tỉnh bạn cho phép còn TPHCM thì không cho? TP cần xem xét lại vấn đề này”.

ĐB Nguyễn Thế Thanh tiếp lời: “TP đang thất thu nên nguồn thu nào hợp lý phải tính tới. Việc quảng cáo trên xe buýt luật pháp không cấm! Nếu không đồng ý, UBND TP phải cho biết lý do cụ thể, chúng tôi sẵn sàng đối thoại về vấn đề này”.

Vân Anh – Hồng Hiệp

Triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội
Đầu tư sớm và thích đáng cho công tác chuẩn bị xây dựng pháp luật

(SGGP).- Ngày 7-7, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã chủ trì Hội nghị triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội 6 tháng cuối năm 2009 và năm 2010.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, nét mới trong công tác này là thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH của năm sau ngay từ giữa năm trước (thay vì cuối năm như trước đây), nhằm có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, hoàn thiện các văn bản luật, pháp lệnh.

Theo nhiều đại biểu dự hội nghị, để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chất lượng xây dựng luật, một trong những yếu tố quan trọng là cần thay đổi phương thức phân bổ kinh phí để ban soạn thảo luật có thể tiến hành sớm hoạt động đánh giá tình hình thực thi pháp luật, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo luật cũng như lượng định tác động toàn diện của văn bản pháp luật sẽ ban hành đối với đời sống xã hội.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đã yêu cầu các cơ quan trình dự án, cơ quan soạn thảo nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong quá trình chuẩn bị dự án; bảo đảm tiến độ chuẩn bị, thời hạn gửi hồ sơ... 

Được biết, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) vừa được Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 của Quốc hội gồm 62 dự án luật, pháp lệnh, trong đó 42 dự án trong chương trình chính thức và 20 dự án trong chương trình chuẩn bị.

A.Phương

Tin cùng chuyên mục