Ngày làm việc thứ hai của HĐND TPHCM: Trăn trở với các chỉ tiêu phát triển

* Chủ đề năm 2011: Năm Vì trẻ em
Ngày làm việc thứ hai của HĐND TPHCM: Trăn trở với các chỉ tiêu phát triển

* Chủ đề năm 2011: Năm Vì trẻ em

“Làm thế nào để TPHCM phát triển bền vững?” đã trở thành chủ đề chính được các đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM phân tích, mổ xẻ, tìm giải pháp trong ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 19 HĐND TP khóa VII.

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chúc mừng đồng chí Trương Văn Hai được bầu làm Ủy viên UBND TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chúc mừng đồng chí Trương Văn Hai được bầu làm Ủy viên UBND TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Quy hoạch đô thị đang chệch hướng...”
 
“Thành tích về kinh tế của TP đem lại kết quả gì? Đạt được điều đó chúng ta phải trả giá gì? Ai hưởng lợi từ thành tích đó?…”, ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt ra hàng loạt câu hỏi. Ông nói tiếp: Cái được lớn nhất là giải quyết công ăn việc làm nhưng nếu lấy kết quả đạt được trừ đi hậu quả mà TP đang gánh chịu thì thành tích không cao. Ngân sách chi đầu tư công quá lớn; nợ nhiều; quy hoạch TP dở dang; TP khó có thể xanh, sạch đẹp khi ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm, sụt lún ngày một gia tăng.

ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị HĐND TPHCM cần có nghị quyết riêng kiến nghị Quốc hội giữ nguyên mức phân bổ ngân sách cho TPHCM như 5 năm qua là 26%. Vì sao việc phân bổ ngân sách Trung ương cho TP bị giảm từ 26% xuống còn 23% cần được làm rõ. Lâu nay ai cũng biết TPHCM đóng góp cho ngân sách nhiều nhất cả nước, là đầu tàu kinh tế tác động đến cả nước. Giờ phân bổ ngân sách giảm có thể dẫn đến TP giậm chân tại chỗ, không đủ ngân sách đầu tư để giải quyết hàng loạt vấn đề bức xúc. Người dân có quyền được biết lý do để không bị sốc bởi chính họ là những người đang trực tiếp tham gia, làm ra những giá trị vật chất để đóng góp nhiều nhất cho ngân sách cả nước.  

Cần uốn nắn công tác quản lý, quy hoạch đô thị vì chúng ta đang chệch hướng, quy hoạch mà không chừa chỗ cho không gian công cộng. Trong khi đó, mô hình xe buýt đang thất bại khi không nâng được tỷ lệ vận chuyển khách lên hơn 6%/tổng số dân, trong khi hệ thống xe buýt đang hư hỏng nặng, doanh nghiệp không có đủ tiền đầu tư, thay mới; kích cỡ xe buýt góp phần gây kẹt xe...

Kinh tế tăng trưởng nhưng văn hóa xã hội lại tụt hậu. Cụ thể, cả TP chỉ có một nhà hát. Di tích lịch sử không được bảo tồn đúng mức. 30 năm qua, chúng ta chưa xây dựng nổi một công trình văn hóa đáng kể để có thể “khoe” với bạn bè quốc tế. TP cũng phải xem lại chương trình đào tạo nhân tài có còn hiệu quả không? Để giải quyết tất cả những tồn tại này, TP cần đột phá về phương thức, nội dung phát triển và đặc biệt là đột phá về nguồn nhân lực phát triển cho TPHCM.
 
ĐB Trương Vĩ Kiến đề nghị TP tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển vì những tháng gần đây, DN phải đi vay với lãi suất trên 20%/năm, mức lãi suất như vậy khó có thể có lợi nhuận. Do lãi suất cao, nhiều dự án ngừng triển khai. ĐB Kiến đề xuất TP kiến nghị Chính phủ triển khai ổn định tỷ giá đồng Việt Nam và USD; giảm lãi suất đối với các khoản vay đầu tư sản xuất; nới lỏng các khoản vay tín dụng cho DN; có những chính sách giúp DN giảm áp lực tài chính; ngăn chặn đầu cơ tăng giá; xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại… “Nếu tết này TP không kìm giá được thì đời sống người lao động nghèo, công chức ăn lương sẽ rất khó khăn”- ĐB Kiến nói.

Đối với các giải pháp tăng trưởng kinh tế, các ĐB đề nghị UBND TP phải đổi mới công tác điều hành, chỉ đạo sao cho cụ thể và sâu sát hơn để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. TP cần xác định rõ thế mạnh hàng hóa của mình để từng bước nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng tính cạnh tranh. Công nghệ phụ trợ của TP cũng chưa có, chưa có sản phẩm có thương hiệu của TP nên nhất thiết phải rà soát lại và chọn ngành kinh tế mũi nhọn cho TP. Trong quản lý các mức chi ngân sách, cần có biện pháp, có định mức khoán chi cụ thể hơn.

Quan trọng hơn, TP phải làm tốt công tác dự báo, phân công rõ trách nhiệm của các sở ngành trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là các chỉ tiêu về xã hội và môi trường, đồng thời phân bổ nguồn lực bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu này. TP cần đánh giá đúng thực chất vai trò và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tổng công ty; tổ chức, sắp xếp lại các DN nhà nước theo hướng tập trung sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực tư nhân không đầu tư, nhà nước cần chi phối…

Lập lại kỷ cương, trật tự

ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng chống ùn tắc giao thông, ngập lụt và ô nhiễm môi trường là 3 mục tiêu nằm trong những mục tiêu lớn của TPHCM năm 2011, TP cũng đã đề ra nhiều giải pháp nhưng chưa có giải pháp khả thi nhất. ĐB Nghĩa đề xuất trước mắt thực hiện 3 giải pháp: Quản lý vỉa hè, tăng cường CSGT ở các tuyến đường và chấn chỉnh toàn diện hệ thống xe buýt.

Về vỉa hè, ĐB Nguyễn Đăng Trừng cho rằng hiện nay có một lực lượng “vô hình” đang thu phí và phí này vào tay ai thì không ai rõ. Các hè phố bị lấn chiếm tràn lan, lực lượng thanh tra xây dựng địa phương đều biết hết nhưng không thể dẹp vì đôi khi… lỡ thu phí rồi! TP phải quyết tâm lập lại trật tự lòng lề đường vì đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá một TP văn minh. Để tình trạng lộn xộn trên đường phố giảm dần và chấm dứt, cách tốt nhất là tăng cường đội ngũ CSGT chốt các tuyến đường. Về hệ thống xe buýt, cần được đánh giá lại toàn diện bởi hiện nay chính xe buýt đang góp phần làm kẹt xe, trong khi số người đi còn hạn chế, xe xuống cấp cũng chưa có kinh phí sữa chữa...

Ngoài ra, ĐB Nghĩa yêu cầu làm rõ số lượng 70% chất thải hầm cầu trên toàn địa bàn TP đi về đâu vì theo thống kê, hiện chỉ có 30% lượng chất thải này được đổ đúng chỗ. Số còn lại bị các xe chở hầm cầu trút lén xuống các kênh rạch, sông ngòi nhưng các cơ quan chức năng không phát hiện được. “Kỷ cương ở đâu khi có xe mới bị phạt đổ phân hầm cầu tháng trước, tháng sau lại tái phạm và bị phạt tiếp?” - ĐB Nghĩa bức xúc.

Nói về kỷ cương, ông còn yêu cầu làm rõ việc vì sao đến giờ vẫn còn 41 cơ sở ô nhiễm chưa di dời khi chương trình này đã kết thúc từ năm 2006?
 
ĐB Lê Quang Trung yêu cầu các đơn vị giám sát cần quyết liệt phát hiện sớm và chấn chỉnh tình trạng các đơn vị thi công gây sụt lún đường. “Để sụt lún ở các công trình giao thông chủ yếu là do đạo đức nghề nghiệp của các đơn vị thi công (làm ẩu, ăn bớt vật tư…). Nếu không chấn chỉnh sớm, mùa mưa năm tới, chắc chắn việc sụt lún lại tiếp tục xuất hiện ở các công trình thi công mới” - ĐB Trung lo lắng.

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Buổi chiều, các ĐB đã thống nhất biểu quyết thông qua 13 nghị quyết, trong đó, đáng chú ý có: Việc điều chỉnh bổ sung một số chế độ cho đối tượng bảo trợ xã hội và cai nghiện ma túy, mại dâm; phương án điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt giai đoạn 2010-2015; điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn TP (dự kiến công bố ngày 1-1-2011); điều chỉnh mức thu phí qua các bến phà Thủ Thiêm, Cát Lái và Bình Khánh; đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn ngân sách… Các ĐB cũng đã thống nhất chọn chủ đề năm 2011 là năm Vì trẻ em.

Hôm nay 9-12, ngày thứ 3 kỳ họp thứ 19 HĐND TP khóa VII sẽ diễn ra phiên chất vấn. Theo kế hoạch, Sở GT-VT trả lời 3 vấn đề: tiến độ, chất lượng các dự án; lún sụt; vận chuyển khách công cộng. Sở KH-ĐT tập trung 3 vấn đề: Đầu tư ở TP có dàn trải không?; cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư; nơi đăng ký kinh doanh quá tải chưa được khắc phục. Sở GD-ĐT trả lời 2 nội dung: Giáo dục mầm non - các cơ sở ngoài công lập; bạo lực học đường. Giám đốc Công an TP trả lời về phòng chống tội phạm và ngăn ngừa đua xe trái phép. Thường trực UBND TP trả lời các nội dung thuộc thẩm quyền.

VÂN ANH - HỒNG HIỆP

Các ĐB đã biểu quyết miễn nhiệm hai chức danh Ủy viên UBND TP (nhiệm kỳ 2004-2011) đối với ông Nguyễn Chí Dũng, nguyên Giám đốc Công an TP được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Bộ Công an và ông Phan Tấn Tài, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 7. Sau đó, các ĐB đã bầu bổ sung ông Trương Văn Hai (sinh năm 1958), Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP và ông Nguyễn Chí Thành (sinh năm 1956), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP vào chức danh Ủy viên UBND TP nhiệm kỳ 2004-2011.

Thông tin liên quan

>> Khai mạc kỳ họp thứ 19, Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa VII - Cần nhìn thẳng yếu kém chủ quan

>> Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo: Bàn sâu giải pháp các vấn đề bức xúc
 

Tin cùng chuyên mục