Ngày thứ 3 kỳ họp thứ 19 Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa VII - Chất vấn thẳng thắn, trả lời loanh quanh

Quẩn quanh trách nhiệm sụp lún!
Ngày thứ 3 kỳ họp thứ 19 Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa VII - Chất vấn thẳng thắn, trả lời loanh quanh

Ngày 9-12, nghị trường kỳ họp thứ 19 Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa VII nóng ran bởi hàng loạt câu chất vấn hóc búa của đại biểu (ĐB) truy trách nhiệm về các vấn đề bức xúc đối với nhiều sở ngành: GT-VT, TN-MT, KH-ĐT, GD-ĐT, Công an TP, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước… Trong khi các ĐB chất vấn thẳng thắn, phần lớn lãnh đạo sở, ngành lại trả lời lòng vòng và đổ trách nhiệm cho… cơ chế!

Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt: “Khai thác nước ngầm không thể lún cục bộ những cái hố như vậy được”

Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt: “Khai thác nước ngầm không thể lún cục bộ những cái hố như vậy được”

Giám đốc Sở GT-VT Trần Quang Phượng: “Khai thác nước ngầm gây ra sụp lún”

Giám đốc Sở GT-VT Trần Quang Phượng: “Khai thác nước ngầm gây ra sụp lún”

Quẩn quanh trách nhiệm sụp lún!

Đăng đàn trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GT-VT TPHCM Trần Quang Phượng thống kê: Trong 57 vụ xảy ra thì sụp lún không do thi công chiếm 36 vụ (63,2%), chỉ có 21 vụ (36,8%) do việc thi công. Nguyên nhân dẫn đến các vụ sụp lún này là do các công trình hạ tầng kỹ thuật xuống cấp (hiện TP có khoảng 1.000km đường ống nước đã xuống cấp nhưng chưa được thay mới); do khai thác nước ngầm tràn lan; do biến đổi khí hậu; do thi công ẩu, do tải trọng của nhiều phương tiện giao thông tăng… Tuy nhiên, ông Phượng vẫn khẳng định: “Tái lập mặt đường không phải là nguyên gây sụp lún mặt đường. Mà không chỉ có Sở GT-VT, còn 7 đơn vị khác cũng phải chịu trách nhiệm về 57 vụ sụp lún xuất hiện trong thời gian qua”.

Ngay lập tức, nhiều ĐB đề nghị được chất vấn ông Phượng. ĐB Võ Văn Sen nói thẳng: “Tôi khá bất ngờ và thất vọng trước câu trả lời của giám đốc Sở GT-VT. Giải trình của đồng chí dài, nhưng không giải thích được nguyên nhân chính cũng như trách nhiệm để xảy ra các vụ sụp lún nói trên”.

Ông Sen phân tích: “Ngay cả 21 vụ sở nhận là do thi công thì cũng không chỉ rõ được do thi công ẩu hay vì sao? Đơn vị thi công đã bị xử phạt chưa? Bảng đánh giá của này của sở chưa thuyết phục và chưa thỏa đáng. Tôi cho rằng cần một cơ quan khoa học nghiên cứu đánh giá độc lập, toàn diện về vấn đề này để tìm ra nguyên nhân cũng như trách nhiệm và biện pháp khắc phục. Việc này phải được làm nhanh để trả lời cho người dân biết” - ĐB Sen đề nghị.

Nhiều ĐB khác cũng có cùng nhận định là câu trả lời của Giám đốc Sở GT-VT về trách nhiệm để xảy ra lún sụp chưa thuyết phục. ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa phân tích thêm: “Chính Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã cho biết, việc tái lập mặt đường thường diễn ra vào ban đêm. Mà ban đêm thì việc giám sát cộng đồng không có, việc tái lập có chất lượng hay không phó thác vào cái tâm của nhà thầu. Nếu đã như vậy thì đồng chí Phượng lấy cơ sở nào để khẳng định việc tái lập này không phải là nguyên nhân xảy ra sụp lún? Ngoài ra, để xác định được nguyên nhân, các nhà chuyên môn cần thời gian để đo đạc nghiên cứu, nhưng khi các hố vừa xuất hiện sở cho lấp ngay thì làm sao xác định được nguyên nhân?”.

ĐB Dương Văn Nhân truy tiếp: “Trong chương trình “Nói và làm” vừa rồi, khi giám đốc Phượng nói rằng, khai thác nước ngầm gây ra sụp lún, Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt lại không thừa nhận điều này. Vậy ai đúng? Đề nghị cho hai sở cùng giải trình để so sánh”.

Trước hàng loạt câu hỏi chất vấn, ông Phượng thanh minh: “Tất cả 57 vụ sụp lún đều được lập biên bản chi tiết, biên bản gồm nhiều bên như: đơn vị thi công, chính quyền đại phương, trung tâm điều hành chống ngập, công ty thoát nước đô thị… Sau khi lập biên bản, sở xác định trách nhiệm thuộc thuộc đơn vị nào, đơn vị đó phải bỏ tiền ra để khắc phục chứ không lấy tiền ngân sách!”.

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo mời ngay Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt. Khá bất ngờ, ông Kiệt nói ngay: “Khai thác nước ngầm không thể lún cục bộ những cái hố như vậy được. Chúng tôi đã có nghiên cứu tại 5 vùng. Trong đó 2 vùng có nhiều hoạt động khai thác nước ngầm. Tại vùng này chúng tôi đã khoan và đưa ra kết luận chắc chắn không có quan hệ nhân - quả giữa khai thác nước ngầm và lún sụp!”. Riêng Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp xác định: “Gần 60 lỗ lún sụp do vài nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do quy trình hoàn thiện mặt bằng có vấn đề về mặt kỹ thuật!”. Ông Hiệp cam kết sẽ phối hợp với các sở ngành chức năng trong vòng 6 tháng sẽ có câu trả lời dứt dạt về việc xác định nguyên nhân, trách nhiệm cũng như có tiếp tục xảy ra sụp lún nữa hay không.

“Chúng tôi thất vọng”

Báo cáo về chất lượng đầu tư tại TPHCM, GĐ Sở KH-ĐT Thái Văn Rê cho biết: “Qua 5 năm (2006 - 2010), 116 công trình, 134km đường; 151 công trình y tế, 121 công trình giáo dục được TP đưa vào sử dụng; nhiều công trình chống ngập lớn như Tân Hóa - Lò Gốm, Nhà máy nước BOO Thủ Đức cũng đã hoàn thành… Theo đánh giá, hệ số hiệu quả đầu tư các công trình của TPHCM cao hơn hiệu quả đầu tư của cả nước”.

Ông Rê nói thêm: “Đầu tư chung của TP không dàn trải, nhưng khi kinh phí đưa về quận, huyện có thể dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải”. Để chấn chỉnh, theo ông Rê, UBND TP sẽ kiểm tra lại năng lực triển khai đầu tư cũng như phải tăng cường năng lực ban quản lý dự án của quận, huyện. Hiệu quả đầu tư của TPHCM cao hơn của cả nước và góp phần phát triển kinh tế, xã hội TP, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đang ngày càng xuống cấp, nhất là công trình giao thông, chống ngập, giáo dục, y tế...

Đại biểu Đặng Văn Khoa tranh luận cùng Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Thái Văn Rê ngoài giờ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu Đặng Văn Khoa tranh luận cùng Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Thái Văn Rê ngoài giờ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sau phần báo cáo của ông Rê, ĐB Khoa thể hiện ngay thái độ: “Tôi thất vọng với trả lời của đồng chí Rê với tư cách người đứng đầu Sở KH-ĐT. Hiệu quả đầu tư không thể liệt kê bằng các danh mục được đưa vào sử dụng, bởi như thế là không công bằng!”. Ông viện dẫn cụ thể: “Cầu Hoàng Hoa Thám 12 năm mới hoàn thành, cầu Nguyễn Văn Cừ “nổi tiếng” khắp nước vì trì trệ. Cả hai công trình này đội vốn lên gấp nhiều lần làm sao gọi là hiệu quả? Cầu Văn Thánh đã phải bỏ vốn 200 tỷ đồng để xây dựng, vừa xong tiền sửa chữa lại mất thêm 100 tỷ đồng. Bây giờ cây cầu này đang phải tính toán sẽ mất thêm mấy trăm tỷ đồng nữa để tiếp tục sửa chữa mà chưa biết tiền đó có lấy lại được hay không. Hay cầu vượt Gò Dưa, dây dưa mấy năm nay vẫn chưa có xe chạy, lãng phí vô cùng mà hiệu quả ở chỗ nào? Chưa kể, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Bình Chánh, xây xong không thể sử dụng được sao có thể gọi là hiệu quả?”.

Đồng tình với ý kiến ông Khoa, đại biểu Phạm Minh Trí nói thẳng: “Tôi không thỏa mãn với câu trả lời của anh Rê về hiệu quả đầu tư các công trình. Theo báo cáo của Sở KH-ĐT mới đây, chính sở cũng thừa nhận việc đầu tư dàn trải đang được khắc phục. Đến hôm nay anh Rê lại nói đầu tư không dàn trải là sao?”. Các ĐB đề nghị, đo hiệu quả đầu tư của TP phải đánh giá về hiệu quả kinh tế xã hội, TP bỏ vốn ra bao nhiêu và thu lại được bao nhiêu chứ không chỉ liệt kê công trình.

Chậm xử lý nạn đua xe

Trước khi trả lời chất vấn, Phó Giám đốc Công an TPHCM Phan Anh Minh trình bày: “Bắt đầu từ năm 2010, tình hình đua xe trái phép có dấu hiệu gia tăng về số lượng, quy mô và thời gian kéo dài thậm chí đến 5 - 6 giờ sáng. Xử lý của Công an TP có chậm. Tình hình gia tăng do nhiều nguyên nhân: mức phạt không đủ răn đe, gia đình thờ ơ… trong khi việc xử lý tình trạng này phải đảm bảo an toàn người vi phạm, người thi hành công vụ, người tham gia giao thông… Thật sự thành tích bắt xe tại quận Bình Thạnh vừa qua chúng tôi không muốn lập lại vì vi phạm quy mô quá lớn. Năm 2010 xảy ra 40 vụ giết người do nguyên nhân xã hội, tăng 2 vụ so với năm 2009. Tính bạo lực, tàn bạo cao; chết, bị thương cùng lúc nhiều người. Tất cả giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao dân trí là để giải quyết nguyên nhân này”. Phần trình bày trên của ông Minh nhận được sự đồng tình của hầu hết đại biểu.

ĐB Đặng Văn Khoa hỏi: “Từ năm 1999, nạn đua xe đã “nóng” lên tại nghị trường HĐND TP, gây nhức nhối trong dư luận. Mười mấy năm qua ngành công an đã thực hiện giải pháp gì mà đến giờ vấn đề này vẫn nhức nhối?”. ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa chất vấn tiếp: “Có thực tế lực lượng CSGT buổi sáng đông đảo, thực hiện tốt nhiệm vụ nhưng buổi chiều giảm số lượng. Có những CSGT giờ cao điểm vẫn đứng nhắn tin, điện thoại nói chuyện riêng. Có hay không tệ nạn “mãi lộ” trên các quốc lộ ngoại thành? Biện pháp nào để hạn chế? Thái độ, hành vi ứng xử của công an đối với người phạm lỗi chưa có văn hóa, giải pháp nào để khắc phục, để không làm ảnh hưởng đến uy tín ngành công an?”. ĐB Phạm Minh Trí khẳng định: “Mãi lộ ngành giao thông nhắm mắt cũng thấy có không cần phải hỏi, nhất là tình trạng công an cưa đôi với người vi phạm để bỏ túi riêng, ngăn chặn tình trạng này như thế nào?”.

Trước hàng loạt câu hỏi đặt ra, Phó GĐ Công an TP Phan Anh Minh trả lời: Đua xe không chỉ phát sinh từ mười năm gần đây mà từ trước giải phóng. Khi giải quyết lớp trẻ này thì lớp trẻ khác nổi lên, vấn đề này không thể xử lý ngay lập tức. Để giải quyết vấn đề phải có sự vào cuộc của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể; trong đó phải tiếp cận, quan tâm, có chính sách chăm lo tốt hơn nữa cho người nhập cư. “Tất cả giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao dân trí là để giải quyết vấn đề này”, ông Minh nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Minh thừa nhận: “Có mãi lộ, có tiêu cực, chúng tôi vẫn nghĩ rằng lực lượng CSGT không trong sạch hết nên chúng tôi phải kiểm tra, giáo dục, xử lý”. Theo ông Minh, quan điểm của lãnh đạo Công an TP là có thông tin cụ thể sẽ xử lý đến nơi đến chốn, chứ không thể xử lý qua công luận chung chung và cũng không thể “quơ đũa cả nắm” được”.

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo: Lãnh đạo TP cần điều hành hiệu quả hơn

Nhìn lại những kỳ chất vấn qua, có những lần chúng ta chất vấn như một đợt sát hạch, có lần như một cuộc “khám tổng quát”, nhưng đến hôm nay chúng ta “cắt lớp” rất sâu từng vấn đề người dân TP quan tâm, gửi gắm. Với tất cả tâm huyết, năng lực, sâu sát và cố gắng, ĐB HĐND TP khi giám sát, nắm tình hình, thu thập chứng cứ, tham gia chương trình “Nói và làm”, chất vấn… với mong muốn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề còn tồn tại, bức xúc để thúc đẩy sự phát triển của TP. Những bất cập đã được ĐB HĐND nêu ra, có cái do nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do cơ chế, nhưng chủ quan là do chính sự điều hành của chúng ta thiếu tập trung. Bởi, có những vấn đề được tập trung, đã xoay chuyển được tình hình, điển hình như vụ quản lý trò chơi điện tử. Chỉ trong 4 tháng nhưng TP đã xử lý được 20 trò chơi mang tính bạo lực bằng nhiều biện pháp (thuyết phục những nhà cung cấp, hành chính xử phạt, biện pháp kỹ thuật…). Trả lời chất vấn, lãnh đạo các sở, ngành cũng có sự chuẩn bị, nắm vấn đề nhưng có nhiều trả lời chưa đi thẳng vào vấn đề, còn lúng túng, nhất là khi đề cập đến cơ chế và thậm chí có cả những câu trả lời chưa thỏa đáng.

Vấn đề đặt ra cho UBND TP chính là cần điều hành tập trung, hiệu quả, kiên quyết hơn nữa, nhất là trong các chính sách đất đai, đền bù giải tỏa. Nếu chính sách đền bù giải tỏa đã có thì không nên để công trình kéo dài quá lâu, làm giảm hiệu quả đầu tư. Cũng có những vấn đề đòi hỏi chính quyền cần xử lý nhanh hơn nữa. Bên cạnh đó, cần phải phối hợp tốt hơn nữa giữa các sở ngành, cùng cộng đồng trách nhiệm, trong đó vai trò của UBND TP rất quan trọng, cần có “nhạc trưởng” để phối hợp xử lý những vấn đề bức xúc của người dân. Đối với những kiến nghị với Trung ương, TP nên nhanh chóng thực hiện, nhất là những kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách cho một TP lớn như TPHCM. Cái gì đúng, nhận được sự ủng hộ của người dân TP, chính quyền phải quyết liệt làm, bởi hơn ai hết, người dân TP cũng có chung mong muốn là cùng nhau xây dựng, phát triển, bảo vệ TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại hơn.

Vân Anh – Hồng Hiệp

Thông tin liên quan

- Ngày làm việc thứ hai của HĐND TPHCM: Trăn trở với các chỉ tiêu phát triển

- Khai mạc kỳ họp thứ 19, Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa VII - Cần nhìn thẳng yếu kém chủ quan

- Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo: Bàn sâu giải pháp các vấn đề bức xúc

Tin cùng chuyên mục