Tham luận tại Hội thảo "Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh"

Đạo Phật và mùa xuân 1975

Nói đến mùa Xuân 1975 là nói đến sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nói đến Hồ Chủ tịch, Người rất thân thương, gần gũi với dân tộc chúng ta, cũng là mẫu người đáng kính nể thể hiện nổi bật một con người đầy trí tuệ; vì Người đã vận dụng được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để đưa con thuyền Việt Nam đến bến bờ vinh quang là đại thắng mùa Xuân 1975.

Riêng đối với Tăng ni và Phật tử Việt Nam, Hồ Chủ tịch là tấm gương sáng luôn được tôn trọng quý kính. Sinh thời cố Hòa thượng Thích Thiện Châu đã bày tỏ niềm trân quý với Người như sau: “Trong tôi, Bác Hồ là Bồ tát, là vị La Hán, bởi vì Người đã dành tất cả cho mọi người, không giữ gì riêng cho mình cả. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ như đóa sen giữa rừng hoa dân tộc Việt Nam, hội tụ đức tài của đất nước” (Theo Báo Nhân Dân ngày 22-11-1997, tr.4)

Để tưởng nhớ công ơn vĩ đại của Người và nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trình bày đôi nét về sự tham gia tích cực, cùng sự hy sinh gian khổ và sự đóng góp bền bỉ, tốt đẹp của giới Phật giáo vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, góp phần cho công cuộc toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thưa quý vị,

Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này vì một mục đích duy nhất là mang lại hạnh phúc cho số đông, mang an lạc cho chư Thiên và loài người. Vì vậy, các tu sĩ Phật giáo đi đến nơi nào cũng tiếp nối được thành quả tốt đẹp này của Đức Phật là mang lại hạnh phúc cho số đông. Số đông nhằm chỉ cho giai cấp nông dân và công nhân. Hai giai cấp này chiếm hơn 80% dân số trên thế giới, nhưng họ lại phải cam chịu cuộc sống nghèo khổ, bất an và luôn luôn bị tầng lớp khác của xã hội thống trị.

Cũng chính vì vậy mà Hồ Chủ tịch với ý chí cách mạng triệt để, chẳng những Người mưu cầu hạnh phúc, độc lập cho dân tộc chúng ta, mà Người còn tranh đấu cho tầng lớp bị thống trị, bị bóc lột ở các nước thuộc địa khác. Cho nên Hồ Chủ tịch được xem là người phất ngọn cờ đầu tiên trên mặt trận giải phóng các dân tộc thuộc địa.

Riêng giới Phật giáo, trong suốt dòng lịch sử dài xa từ thời kỳ du nhập cho đến ngày nay, đã luôn thực hiện được những việc làm nhằm mục tiêu mang lợi ích cho số đông. Thật vậy, khi Phật giáo Việt Nam có ảnh hưởng trong xã hội thì cũng vì tinh thần phục vụ cho số đông mà các bậc chân tu đã xây dựng được nhiều vị minh quân nổi tiếng là thuần từ và hết lòng lo cho dân. Điển hình là hai triều đại Lý Trần được sử sách ta ca ngợi, thì trong thời kỳ đó, Phật giáo Việt Nam đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tầng lớp trong xã hội, tập họp được quần chúng và  xây dựng được xã hội an lạc thạnh trị theo mô hình Phật giáo.

Nhưng sau đó do ảnh hưởng của các luồng tư tưởng bên ngoài rồi bị thực dân Pháp đô hộ cho nên nhân dân Việt Nam vào những thời kỳ này đã bị đặt dưới sự cai trị tàn ác và tất nhiên giai cấp nông dân và công nhân cũng bị các địa chủ, các chủ đồn điền bóc lột một cách dã man. Vì vậy, họ phải gánh chịu đời sống hết sức cơ cực lầm than.

Nhưng may mắn thay cho dân tộc Việt Nam, đã có Bác Hồ hiện hữu trên đất nước chúng ta. Ngài có tấm lòng thương nhân dân một cách sâu sắc, cho nên Ngài đã đi tìm đường cứu nước và đưa học thuyết Mác Lê nin vào phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đã sẵn sàng tham gia vào các phong trào này, vì Phật giáo cũng có chủ trương thể hiện lòng từ bi để cảm hóa con người là chính yếu. Tuy nhiên, khi lâm vào hoàn cảnh không thể dùng lòng từ bi để hóa giải được, thì Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đã bắt gặp được sức mạnh đại đoàn kết do Bác Hồ chủ trương. Vì vậy, giới Phật giáo đã tích cực tham gia các phong trào đoàn kết, yêu nước để tự cứu lấy mình, để bảo vệ đoàn thể mình và đồng thời cùng với số đông giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ.

Tinh thần gắn bó sâu xa của Phật giáo với người dân Việt được thể hiện qua câu thơ của Thiền sư Mãn Giác:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống bao đời của tổ tiên

Thật vậy, những ngôi chùa thanh tịnh ẩn mình dưới rặng cây trong xóm làng, với sự hiện hữu của các bậc chân tu đã là nơi chữa lành thân bệnh và tâm bệnh cho dân chúng, đã là nơi nương tựa cho những người bất an, khổ đau, giúp họ vơi bớt mệt nhọc, lo âu trong cuộc sống. Và hơn thế nữa, mái chùa cũng chính là nơi tập họp những người mang chí lớn không cúi đầu cam chịu những việc làm tàn ác của thế lực ngoại bang dày xéo lên cuộc sống người dân. Có thể khẳng định rằng nhiều phong trào cách mạng đã được hình thành từ sự tụ họp dưới mái chùa những tâm hồn vì đại nghĩa.

Mối quan hệ mật thiết giữa đạo Phật với dân tộc cũng đã được Bác Hồ khẳng định khi Người đến thăm chùa Quán Sứ vào năm 1945, sau khi Người đọc Tuyên ngôn độc lập. Trong buổi nói chuyện với các nhà  lãnh đạo Phật giáo, Người đã nói rằng: “… Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, Tăng Ni và Phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần Từ bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. (Theo Hòa thượng Thích Đức Nghiệp. “Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, Đạo Phật Việt Nam, NXB TPHCM, tr 321)

Và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, đuổi Mỹ, một lần nữa thực tế đã cho thấy chùa là nơi chôn giấu vũ khí và tài liệu quan trọng của cách mạng. Chùa cũng là nơi hội họp bí mật của các nhà lãnh đạo cách mạng, là nơi tiếp tế lương thực và tiền bạc cho bộ đội. Với tấm lòng yêu nước của tăng ni, Phật tử đã từng che giấu rất nhiều cán bộ nằm vùng và là nơi trú ẩn của những nhà cách mạng nổi tiếng, điển hình như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt đã một thời ẩn thân ở chùa, thoát khỏi sự truy nã của giặc một cách an toàn.

Ngay từ thời kỳ đầu khi giới sĩ phu yêu nước gần như bị tan rã dưới sự đàn áp của thực dân Pháp, đã có sự xuất hiện của các tu sĩ Phật giáo yêu nước ở rải rác trong các ngôi chùa trên khắp đất nước. Đặc biệt nhất là ở miền Nam, phải nhắc đến Tổ Huệ Đăng, một bậc chân tu tài đức nổi tiếng ở Bà Rịa, Vũng Tàu và Tổ Chí Thiền ở tỉnh Châu Đốc. Hai bậc chân tu này hoạt động nơi vùng đất khá hẻo lánh, nhưng với tài đức đặc biệt của các Ngài đã thu hút được rất nhiều tu sĩ và nhân dân yêu nước thời ấy tập trung về chùa để tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, kêu gọi toàn dân kề vai sát cánh tổ chức lực lượng đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, giành chủ quyền về tay nhân dân. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, các bậc chân tu tiền bối của giới Phật giáo đã tích cực tham gia hoạt động bí mật, như Hòa thượng Thiện Chiếu, Hòa thượng Trí Thượng, Hòa thượng Trí Thiền ở chùa Tam Bảo, Rạch Giá, Hòa thượng Pháp Linh, Hòa thượng Pháp Trí ở chùa Thiên Thai, Bà Rịa, Hòa thượng Thái Không ở Trà Vinh… Các Ngài đã vận động Tăng Ni và Phật tử góp của để xây dựng phong trào và làm mọi việc mà Đảng cần trong thời kỳ đó.

Đến năm 1945, Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền trên cả nước và chín năm kháng chiến chống Pháp, các vị Hòa thượng tôn túc đã cởi áo cà sa, mặc chiến bào, thoát ly vào chiến khu, tham gia kháng chiến, như Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Pháp Tràng ở Mỹ Tho, Hòa thượng Bửu Đăng, Hòa thượng Pháp Dõng ở Gia Định, Hòa thượng Pháp Hoa ở Gò Công, Hòa thượng Trí Độ ở Bình Định, Hòa thượng Thế Long ở Nam Định, Hòa thượng Thiện Hào ở Saigon.

Tiếp theo, đến thời kỳ Mặt trận Việt Minh được thành lập, rồi đến Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Giải phóng miền Nam, cũng đã có rất nhiều tu sĩ Phật giáo và Phật tử tham gia tích cực vào các hoạt động kháng chiến, không hề nao núng sờn lòng trước cảnh tù đày, tra tấn, chết chóc.

Trong số các bậc chân tu Phật giáo đã bị địch giam cầm ở Côn Đảo, có Hòa thượng Minh Nguyệt phải sống lưu đày như một tử tù ở ngoài đảo lâu nhất, hoặc Hòa thượng Trí Thiền đã không bao giờ trở về đất liền, vì Ngài đã hy sinh ngoài Côn Đảo. Hoặc có vị tu sĩ yêu nước là Đại đức Hạnh Tuệ đã thể hiện lòng dũng cảm cao độ đến mức trước khi bị thực dân bắn chết, vẫn bình thản chắp tay niệm Nam Mô Hồ Chí Minh Bồ tát. Hoặc Hòa thượng Bửu Đăng cũng đã can đảm hy sinh dưới lằn đạn của quân Pháp ngay cầu Tham Lương thuộc quận 12, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Ngoài ra còn biết bao nhiêu tấm gương hy sinh của nhiều Tăng Ni và Phật tử trong thời kỳ kháng Pháp chống Mỹ, họ đã góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa Xuân 1975.

Ngoài việc che giấu cán bộ, tiếp tế cho cách mạng, hoặc tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến, một điểm đặc sắc khác của giới Phật giáo trong việc góp phần đáng kể vào phong trào đại đoàn kết toàn dân, đó là giới Phật giáo đã vận động được quần chúng ủng hộ cách mạng một cách tích cực và có hiệu quả rõ rệt.

Thật vậy, vì đại đa số quần chúng theo đạo Phật, cho nên nhiều Tăng Ni đã nhân những buổi lễ ma chay, cầu an, cầu siêu mà thực hiện thành công những công tác giao liên, binh vận, hoặc thuyết pháp để cảm hóa thành phần sĩ quan, binh lính, công chức của chế độ cũ, khiến họ phải thay đổi suy nghĩ, thay đổi thái độ sống. Chẳng những không còn ý chí chống lại cách mạng, mà họ còn âm thầm hỗ trợ, tuyên truyền cho cách mạng. Những kết quả này đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Hồ Chủ tịch kết hợp chủ nghĩa yêu nước chống ngoại xâm với chủ trương chống giai cấp bóc lột, đã tạo được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân đưa đến đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước. Trong khi đó, hưởng ứng các phong trào đại đoàn kết của Hồ Chủ tịch, giới Phật giáo cũng tiến đến đỉnh cao qua phong trào tranh đấu năm 1963.

Thật vậy, giới Phật giáo vừa đoàn kết được 12 hệ phái Phật giáo, thành lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo để tranh đấu cho sự bình đẳng tôn giáo, mà đặc biệt cũng vừa đoàn kết được với các phong trào quần chúng và hòa hợp với mặt trận giai cấp công nông, tức bảo vệ quyền lợi số đông. Nếu các phong trào này đứng riêng lẻ thì không thể nào đấu tranh được, vì sẽ bị địch dập tắt ngay từ trong trứng nước.

Có thể khẳng định rằng nhờ sự sát nhập nhuần nhuyễn của giới Phật giáo với các phong trào quần chúng và tạo thành phong trào tranh đấu cao độ vào năm 1963, đã xây dựng được sức mạnh thật sự trong việc lật đổ chính quyền cũ. Đặc biệt là ngọn lửa từ bi ngời sáng của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã làm rung động trái tim của nhân dân Việt Nam và cả nhân dân thế giới; đồng thời cũng góp phần làm suy yếu lực lượng thống trị của chính quyền thời bấy giờ, dẫn đến việc kết thúc chế độ độc tài Nhu Diệm. Kể từ đó, cuộc tham gia đấu tranh của giới Phật giáo vẫn được tiếp tục và sau cùng, con đường đấu tranh giải phóng dân tộc đạt đến đỉnh cao trong lịch sử nước nhà vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã kết thúc công cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân Việt Nam, thống nhất đất nước hoàn toàn.

Sau ngày đất nước độc lập, Tăng Ni và Phật tử một lần nữa lại tích cực tham gia các phong trào xây dựng đất nước và an sinh xã hội. Giới Phật giáo đã tham gia vào Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng Nhân dân các cấp và Quốc Hội, đồng thời nhiệt tình phục vụ đồng bào trong cả nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những vị tu sĩ và Phật tử nguyện sống chung với những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS để an ủi, chăm sóc họ và nuôi dạy những trẻ em khuyết tật mồ côi như Hòa thượng Từ Giang ở quận 4, TPHCM, Hòa thượng Thiện Chiếu ở Gò Vấp. Có nhiều vị tu sĩ đi tận vùng sâu vùng xa để tài trợ cho việc mổ mắt, đem lại ánh sáng cho người mù, hoặc đem lại nụ cười cho các trẻ thơ bị sứt môi; điển hình như cố Hòa thượng Thích Tôn Thật. Những thành quả đóng góp của các vị này đều được Nhà nước công nhận và tặng thưởng Huân chương Lao động.

Và còn rất nhiều Tăng Ni, Phật tử đã tham gia vào các phong trào đền ơn đáp nghĩa, các phong trào ích nước lợi dân, mua công trái, trái phiếu xây dựng Tổ quốc, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xây cầu, mở phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí, mở lớp học tình thương, mở trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, thành lập cơ sở nuôi dưỡng người già neo đơn, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt trong và ngoài nước, v.v…

Riêng Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp về từ thiện, xã hội, y tế, văn hóa… góp phần chia sẻ gánh nặng cho xã hội và phát triển đất nước. Tổng cộng số tiền đóng góp của 24 quận huyện thuộc Thành hội Phật giáo TPHCM trong năm 2009 là một trăm bảy mươi mốt tỷ, tám trăm ba mươi hai triệu, sáu trăm bốn mươi hai ngàn đồng và 12,5 tấn gạo, 30 ca hiến máu, 15 căn nhà tình thương và 100 phần quà. (Theo báo cáo tổng kết của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh năm 2009)

***

Có thể khẳng định rằng tất cả mọi việc làm hữu ích cho cộng đồng xã hội của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam từ thời kỳ dựng nước cho đến ngày nay đã thật sự nói lên sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân của giới Phật giáo đúng theo tinh thần Phật dạy vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.

Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai, đặt trên nền tảng của những thành quả tốt đẹp mà các bậc tiền nhân đã tạo dựng được, cùng với mối thiện cảm sâu xa của nhân dân dành cho đạo Phật từ nghìn xưa cho đến ngày nay, giới Phật giáo sẽ ngày càng đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước và mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân Việt Nam.

Kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp và cám ơn sự lắng nghe của quý vị.


 Hòa thượng Thích Trí Quảng - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM 

Tin cùng chuyên mục