Nóng nghị trường với chất vấn thiếu điện, đường sắt cao tốc

° Sẽ xử lý những sai phạm cho thuê đất rừng
Nóng nghị trường với chất vấn thiếu điện, đường sắt cao tốc

° Sẽ xử lý những sai phạm cho thuê đất rừng

Ngày 12-6, buổi chất vấn thứ 5, cũng là buổi chất vấn cuối cùng tại kỳ họp QH lần này, QH tiến hành chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng. Các ĐB “xoáy” vào 3 điểm chính: thiếu điện; đường sắt cao tốc và bài toán vay ODA; cho thuê đất rừng.

Cùng đó, hàng loạt các vấn đề khác cũng đã được chất vấn, trong đó có vấn đề lương tại SCIC; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; giải pháp bảo đảm nông dân không bị rớt giá khi được mùa; xử lý các vụ xâm hại môi trường... 

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: “3 điểm yếu của chúng ta có 2 cái nhanh và 1 cái chậm. Nhập khẩu tăng nhanh, giá và lãi suất tăng nhanh. Nhưng điện giải quyết chậm. Chính phủ không nuông chiều EVN”. Ảnh: MINH ĐIỀN

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: “3 điểm yếu của chúng ta có 2 cái nhanh và 1 cái chậm. Nhập khẩu tăng nhanh, giá và lãi suất tăng nhanh. Nhưng điện giải quyết chậm. Chính phủ không nuông chiều EVN”. Ảnh: MINH ĐIỀN

  • Thiếu điện, cắt điện: Trách nhiệm của ai?

Người đầu tiên chất vấn - ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) bức xúc, việc thiếu điện nêu ra từ nhiều kỳ họp trước, nhưng tình hình ngày càng căng thẳng. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi thêm thiếu điện ảnh hưởng đến GDP như thế nào? 20 năm nữa đất nước vẫn thiếu điện, đâu là nguyên nhân cơ bản?

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn: muốn hết thiếu điện, phải đầu tư phát triển ngành điện, vừa đổi mới thiết bị, vừa sử dụng tiết kiệm. Để xảy ra tình trạng thiếu điện, trách nhiệm đương nhiên là của Chính phủ, Thủ tướng và những người giúp việc cho Thủ tướng, trong đó có các phó thủ tướng, trực tiếp là của EVN.

 ĐB Lê Văn Cuông nói: Điều hành của Chính phủ đối với EVN có quyết liệt không, hay vẫn nuông chiều như dư luận lo ngại. “Dư luận nói sao EVN không bị phạt khi gây thiệt hại cho dân? Khi cần tăng giá điện thì EVN báo lỗ, khi cần thưởng thì báo lãi”. ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) tiếp lời, kinh tế tăng trưởng, ngành điện cũng tăng trưởng, nhưng người dân không thể chấp nhận mất điện luân phiên. Ngành điện hiện nay một mình một chợ. Việc tiết giảm điện phải làm lại. Dưới góc độ doanh nghiệp (DN), ĐB Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) bức xúc: Cắt điện gây tổn thất vô cùng lớn cho DN, vì vậy nếu cắt điện phải thông báo trước cho DN. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cũng đưa ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư vào ngành điện? Tại sao EVN trả lại 13 dự án điện? Tại sao ngành điện chưa phát triển theo cơ chế thị trường?

Trước các chất vấn của ĐBQH, đã đến giờ giải lao, song Phó Thủ tướng xin phép trả lời ngay. Theo ông, điện là 1 trong 3 điểm yếu mà Chính phủ nêu ra và ưu tiên giải quyết. “3 điểm yếu của chúng ta có 2 cái nhanh và 1 cái chậm. Nhập khẩu tăng nhanh, giá và lãi suất tăng nhanh. Nhưng điện giải quyết chậm. Chính phủ không nuông chiều EVN. Thủ tướng thường xuyên họp kiểm điểm”, ông nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã vào ngành điện. Nhìn nhận việc EVN trả 13 dự án điện, ông cho biết, đó là điều tốt, để các DN khác cùng đầu tư cho ngành điện. “Chúng ta đang tổ chức lại ngành điện, chuyển dần sang cơ chế thị trường, để các nhà đầu tư họ tính toán, tiến tới bảo đảm nhu cầu điện cho quốc gia. Đó là cả một chiến lược dài, một quá trình chuyển đổi chung của các thành phần kinh tế, của các DN năng lượng và của chính EVN” - Phó Thủ tướng đáp.

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) chất vấn.

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) chất vấn.

  • Đường sắt cao tốc: Còn cân lên đặt xuống nhiều

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Tính đối thoại cao hơn

Sau 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng kết luận: phiên chất vấn kỳ này nghiêm túc và chất lượng. 94% ĐBQH tham dự phiên chất vấn. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ trưởng nếu không đi công tác đều tham dự đầy đủ. Những chất vấn đề cập đến tất cả các vấn đề mà xã hội đang bức xúc, nhân dân đang quan tâm.

Nét mới của kỳ chất vấn lần này là tập trung hơn, nổi lên một số trọng điểm như quản lý điều hành giá cả, nợ quốc gia, cho thuê đất rừng, SCIC, thiếu điện, bảo đảm nông dân trồng lúa lãi 30%, mặt trái lễ hội, tác hại của game online. Những chất vấn là tiếp tục thảo luận báo cáo kinh tế-xã hội, để sâu hơn, rõ hơn những vấn đề tới đây phải tập trung tháo gỡ. Thông tin địa phương ít hơn, tập trung cho cái chung. Chủ tịch QH cho rằng, phiên chất vấn kỳ này tính đối thoại cao hơn, nhiều trưởng ngành đã tham gia làm rõ những vấn đề được chất vấn.

Tuy chưa trọn vẹn, nhưng việc truy vấn đã tốt hơn, ý thức đeo bám của ĐBQH tốt hơn. Nhiều ĐB trao đi đổi lại nhiều lần. Các câu hỏi ngắn gọn, rõ hơn. Trả lời súc tích, thắng thắn và không né tránh. Chuẩn bị tài liệu của Chính phủ cũng đầy đủ hơn. Nhiều bộ không phải trả lời chất vấn nhưng vẫn có tài liệu báo cáo việc trả lời chất vấn kỳ trước. Tuy thế, vẫn còn ĐB hỏi dài, hỏi quá nhiều vấn đề, cần rút kinh nghiệm. Chủ tịch QH một lần nữa lưu ý, vấn đề đặt ra là “hậu chất vấn”. Chính phủ, các bộ ngành cần tập trung giải quyết các kiến nghị của cử tri. “Một kỳ chất vấn có chất lượng, có đổi mới, tinh thần trách nhiệm cao”, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng kết luận.

P.THẢO

Không nằm ngoài dự đoán, dù chọn cách nói gần hay nói xa, các ĐBQH cũng đề cập đến vấn đề đầu tư siêu dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) 56 tỷ USD - vấn đề rất nóng tại kỳ họp QH lần này. “Tôi muốn biết Phó Thủ tướng có yên tâm với dự án này hay không. Trong khi nhiều cái nhỏ ta chưa làm được, đầu tư cái lớn sẽ ra sao?”, ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) chất vấn.

“Tôi yên tâm. Yên tâm rằng phải làm. Yên tâm là Quốc hội và Chính phủ tính được bài để làm”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu thẳng quan điểm của mình. Sau khi lý giải vì sao phải chọn làm ĐSCT với đoạn dài suốt Bắc-Nam, ông đề cập sâu đến vấn đề nhạy cảm nhất: tiền làm dự án.

“GDP của Việt Nam năm nay ước đạt 106 tỷ USD. Với đà tăng trưởng hiện nay, đến 2020, GDP sẽ đạt gần 300 tỷ USD; 2030 là 700 tỷ USD; 2040 đạt 1.200-1.400 tỷ USD và đến 2050 sẽ gấp đôi số đó. GDP bình quân đầu người đến 2050 dự kiến lên 20.000 USD, thay vì mức 1.200 USD hiện nay. Nếu cứ lấy ngưỡng an toàn vay nợ là 50% GDP, đến 2020, Việt Nam có thể vay 150 tỷ USD mà vẫn an toàn”, Phó Thủ tướng quả quyết.

Và cho rằng, với mức vay nợ như vậy, chúng ta có thể làm được. Ông cũng trấn an, ĐSCT không phải làm ngay ngày mai. Chính phủ còn tính toán, cân lên đặt xuống và xin ý kiến Quốc hội nhiều lần nữa trước khi triển khai.

 ĐB Dương Trung Quốc không đề cập thẳng đến dự án ĐSCT, nhưng ông đề cập đến thể diện quốc gia về việc vay vốn ODA. “Việc vay vốn ODA là cần thiết, nhưng chỉ nên coi nhất thời. Các nước đều nỗ lực giảm vay ODA, giống như đứa trẻ cứng cáp cần cai sữa mẹ. Chính phủ đã có kế hoạch cai ODA hay chưa?”, ĐB Dương Trung Quốc hỏi đầy ẩn ý.

Phó Thủ tướng khẳng định: Chưa có dự án nào chúng ta vay mà phải cam kết về chính trị. “Chúng ta vay thực tế có chịu ràng buộc và có thiệt về kinh tế. Song tính chung lại, đánh giá các mặt cho thấy sử dụng vốn ODA là có hiệu quả. Năm vừa rồi mặc dù thế giới khó khăn mà họ vẫn cam kết cho mình vay với mức kỷ lục”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam vẫn phải tranh thủ nguồn ODA càng dài càng tốt. Vay ODA, bao giờ Chính phủ cũng tính bài toán trả nợ. Đó là lý do dự án ĐSCT vì sao làm dài thế, là do phải tính bài toán trả nợ

PHAN THẢO

Cho thuê đất rừng: Cần đọc lại bài học “Mỵ Châu - Trọng Thủy”!

Vấn đề cho thuê đất rừng tiếp tục được các đại biểu chất vấn, dù đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT trả lời khá rõ vào chiều 11-6. ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, việc các địa phương cho thuê đất rừng ở những vùng trọng yếu về an ninh quốc phòng là mất cảnh giác, cần đọc lại bài học “Mỵ Châu - Trọng Thủy”. Việc cho thuê đất rừng chỉ được đưa ra khi cán bộ lão thành phát hiện, báo chí vào cuộc. Công tác phát hiện, xử lý chậm trễ, ngoài trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, là ai? Sau khi vỡ lở, nếu rút giấy phép như Chính phủ đã cam kết, sẽ phải bồi thường, ai chịu trách nhiệm? Phó Thủ tướng nói ngay, đây là bài học về sự phân cấp cho các địa phương nhưng bộ ngành thiếu kiểm soát. Sau khi rà soát, trách nhiệm làm sai ở khâu nào sẽ xử lý khâu đó. Việc rút giấy phép sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. “Dĩ nhiên, sai thì phải xử, xử lý đến mức nào sẽ tùy vi phạm cụ thể. Hiện chưa thể nói ngay là cách chức hay cảnh cáo. Nhưng tinh thần chung Chính phủ rất nghiêm túc trong vấn đề này” - Phó Thủ tướng khẳng định. “Đúng là có một số khâu phân cấp mạnh quá, khi rà lại thì có vấn đề. Nếu đã có quy hoạch rõ nên phân cấp. Nhưng nếu chưa có quy hoạch phải trao đổi thêm, bổ sung quy hoạch mới được phân cấp”, ông nhấn mạnh.

ĐB HUỲNH NGỌC ĐÁNG: Giải pháp cần cụ thể hơn

Phó Thủ tướng đã đề cập rất trúng vào các vấn đề mà cử tri quan tâm. Tôi cũng đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính, tôi không am hiểu lắm về tài chính, nhưng cho rằng bộ trưởng đã trả lời rành rọt, thẳng thắn về chuyện lương của lãnh đạo SCIC. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch nắm được tình hình, trả lời chân thành, nhiệt tình nhưng chưa rõ giải pháp. Tôi hỏi về bánh chưng và chai rượu “kỷ lục” và vai trò của bộ trưởng trong việc xem xét kiểm tra, xử lý như thế nào, tất cả những việc đó đều đã xảy ra nhưng bộ trưởng chỉ nói phải rút kinh nghiệm.

ĐB DƯƠNG TRUNG QUỐC: Chưa bằng lòng

Tôi đã 3 lần đăng ký chất vấn, cuối cùng cũng có cơ hội phát biểu, nhưng còn quá ít thời gian. Và tôi vẫn chưa bằng lòng với tất cả những lời giải thích về việc cho nước ngoài thuê đất rừng. Tôi không nói đến khía cạnh kinh tế mà muốn nhấn mạnh đến yếu tố con người ở đây. Cán bộ lãnh đạo của ta từ trung cấp trở lên đều đã được đào tạo về an ninh quốc phòng, tại sao có thể khinh suất cấp giấy phép như vậy? Ta rút giấy phép đã cấp sai cho nhà đầu tư, đúng rồi, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Phải xử lý kỷ luật nghiêm minh những người có trách nhiệm trong việc đó chứ không thể cứ đổ lỗi cho “khe hở của pháp luật”, hay biện minh là do cấp phép phân tán ở các địa phương nên không có con số tổng thể…

A.PHƯƠNG ghi

Tin cùng chuyên mục