Đồng chí Nguyễn Văn Linh với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh

LTS:
Đồng chí Nguyễn Văn Linh với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh

LTS: Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 – 1-7-2010), đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh có bài viết: “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh”. Bài viết khẳng định, đồng chí Nguyễn Văn Linh là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng ta, là người học trò xuất sắc của Bác Hồ và đã dành hơn một nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình gắn bó máu thịt với chiến trường Nam bộ, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh. Sau năm 1975, trong thời gian giữ trọng trách Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng với Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực ổn định và phát triển thành phố trong giai đoạn cách mạng mới. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, nửa đầu thập niên 1980 là những năm Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh có bước trưởng thành về nhận thức, nổi bật là đã tìm ra được những mô hình tháo gỡ, làm cho sản xuất “bung ra” đúng hướng…

Báo Sài Gòn Giải Phóng xin trân trọng giới thiệu và mời quý bạn đọc xem toàn văn bài viết “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh” trên trang 2 số báo ra ngày hôm nay.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng ta, là người học trò xuất sắc của Bác Hồ, người đã được đồng chí và đồng bào Nam bộ quen gọi bằng các tên trìu mến, thân thương: Anh Mười, anh Út, chú Mười, chú Út. Là người đã từng lăn lộn hoạt động trong nhiều vùng của đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã dành hơn một nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình gắn bó máu thịt với chiến trường Nam bộ, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Linh thăm Xí nghiệp Liên hợp máy công cụ (20-1-1984).

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Linh thăm Xí nghiệp Liên hợp máy công cụ (20-1-1984).

Biến nhà tù thành trường học

Trong 15 năm đầu của Đảng, trải qua hai cao trào cách mạng 1930 - 1931 và 1936 - 1939, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã từng làm công tác xây dựng Đảng, vận động giai cấp công nhân và phát động phong trào đấu tranh của quần chúng tại những thành phố lớn: Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn - Chợ Lớn, Vinh. Mười năm còn lại, là thời gian của hai lần vào tù ra tội tại đảo Côn Lôn, “biến nhà tù thành trường học”.

Năm 1939, sau ba năm thoát khỏi nhà tù Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Linh trở về hoạt động cách mạng tại miền Bắc, rồi được Trung ương phái vào Nam bộ công tác ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, nơi thiết lập “Vành đai đỏ” của cơ quan lãnh đạo đầu não Đảng ta thuở ấy. Hòa mình trong phong trào đấu tranh sôi nổi của các tầng lớp nhân dân đòi các quyền dân chủ, dân sinh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trở thành một cán bộ lãnh đạo cốt cán trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai làm Bí thư.

Cuối 1939, đồng chí Nguyễn Văn Linh được phân công tham gia lập lại Xứ ủy Trung kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí lại bị địch bắt ở Vinh, chúng đưa về Sài Gòn xử án tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Mùa Thu năm 1945, sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Văn Linh được đón về miền Tây Nam bộ, rồi được Xứ ủy phái lên Sài Gòn - Chợ Lớn để phụ trách công tác đô thị. Trong cuộc Hội nghị Xứ ủy Nam bộ (mở rộng) tháng 11 năm 1946 tại chiến khu Đồng Tháp Mười, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Xứ ủy lâm thời thống nhất và được phân công phụ trách thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Vào giữa năm 1947, tại cuộc Hội nghị cán bộ mở rộng của Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn ở Bà Vụ (Vườn Thơm), đồng chí Lê Duẩn thay mặt Xứ ủy đã tới dự. Hội nghị tập trung thảo luận về việc xây dựng lực lượng và phương hướng hoạt động. Hội nghị cử ra Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 15 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư. Trung tuần tháng 12 năm 1947, trong Đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam bộ lần thứ nhất khai mạc tại Kinh Năm Ngàn, xã Nhơn Ninh, quận Mộc Hóa (nay thuộc tỉnh Long An), đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Xứ ủy viên.

Kết quả hoạt động nổi bật trong nhiệm kỳ đầu của Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn trong những năm 1947 - 1948, là tập hợp và mở rộng được tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cứu quốc từ cấp thành phố đến cơ sở. Hầu hết các đơn vị vũ trang đều có tổ chức Đảng. Quân dân thành phố đã từng bước xây dựng lực lượng lớn mạnh về mọi mặt, đẩy mạnh cuộc kháng chiến phát triển toàn diện cả về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa.

Bước sang năm 1950, được sự chi viện của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp ra sức bình định Nam bộ, trọng tâm là thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Đảng bộ và nhân dân thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đã trải qua thời kỳ gay go, gian khổ nhất. Qua hai đợt đánh phá ác liệt của địch vào giữa năm 1950 - đầu năm 1951, cơ sở Đảng, chính quyền, lực lượng kháng chiến ở nội thành có lúc hầu như tan rã hết. Trong thời điểm lịch sử ấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam bộ được bầu làm Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn vào tháng 8 năm 1950, trong cuộc hội nghị cán bộ mở rộng của Đảng bộ thành phố tại căn cứ Tân Long (Thủ Dầu Một).

Cùng với Đặc khu ủy, đồng chí Nguyễn Văn Linh ra sức tổ chức lại chiến trường, giữ vững và phát triển phong trào, tạo điều kiện cho quân và dân ta trên chiến trường Nam bộ đẩy mạnh hoạt động hưởng ứng chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, phối hợp với cả nước đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Sát cánh cùng quân, dân Sài Gòn -  Chợ Lớn - Gia Định

Sau khi Hiệp định Geneve năm 1954 kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp trên đất nước ta, tháng 10 năm 1954, Trung ương Cục miền Nam của thời kỳ kháng chiến chống Pháp được giải thể, Xứ ủy Nam bộ trong giai đoạn đấu tranh chống Mỹ đã ra đời tại vùng Kinh Xáng Chắc Băng (xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, kiêm Bí thư Khu ủy khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo Hội nghị Bộ Chính trị tháng 9 năm 1954 và Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa II) năm 1955, đồng chí Nguyễn Văn Linh và Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn đã kịp thời chuyển sang phương thức đấu tranh mới, gây nên cao trào đấu tranh chính trị từ tháng 8 năm 1954 đến cuối năm 1956 bằng sự phát triển của các cuộc vận động chính trị lớn: “đấu tranh bảo vệ hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn”, “phong trào cứu tế nạn nhân, bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng bào”, “phong trào đấu tranh đòi Hiệp thương và tổ chức tổng tuyển cử”, “Phong trào đấu tranh cho các quyền dân sinh, dân chủ”.

Cuối năm 1956, đồng chí Nguyễn Văn Linh được điều lên công tác ở cơ quan Xứ ủy. Từ năm 1957 đến năm 1960, đồng chí là quyền Bí thư, rồi Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Từ tháng 3 năm 1965, sau thất bại của “chiến lược chiến tranh đặc biệt”, trong tình thế bị động, Mỹ buộc phải chuyển sang “chiến lược chiến tranh cục bộ”, đưa quân vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam. Trong thời kỳ này, đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Nắm vững đường lối, chủ trương và phương châm đấu tranh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Khu ủy đề ra phương thức tổ chức và hình thức đấu tranh cụ thể nên đã huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia vào mặt trận đấu tranh chống Mỹ và bọn tay sai, đưa phong trào cách mạng lên thế chủ động tấn công địch, góp phần làm khủng hoảng sâu sắc thêm chế độ ngụy quyền.

Giữa năm 1965, Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược chiến tranh, ào ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ. Quân và dân Sài Gòn - Gia Định xác định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, hình thành mặt trận chống Mỹ cứu nước ngày càng rộng lớn, đã góp phần làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966 - 1967 của Mỹ - ngụy.

Chấp hành chủ trương của Trung ương, hạ tuần tháng 10 năm 1967, Trung ương Cục đã họp ra Nghị quyết về tiến hành Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa, mang mật danh là Nghị quyết Quang Trung. Thực hiện Nghị quyết Quang Trung, khu trọng điểm được thành lập bao gồm khu Sài Gòn - Gia Định và một phần của các tỉnh tiếp giáp với Sài Gòn. Khu trọng điểm đặt dưới sự lãnh đạo của một Đảng ủy do đồng chí Nguyễn Văn Linh - Phó Bí thư Trung ương Cục làm Bí thư Đảng ủy.

Bước sang năm 1968, giữa lòng sào huyệt địch, các lực lượng Sài Gòn - Gia Định đã tích cực thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, đánh vào những mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu, góp phần cùng cả nước làm suy sụp ý chí xâm lược của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris.

Sau đợt 2 Tết Mậu Thân 1968, tuy quân dân ta đã giành được thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, nhưng đã không đạt được mục tiêu đánh đổ ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân. Nhưng đối với chúng ta, đó là những bài học kinh nghiệm rất quý giá trên những chặng đường tiếp theo dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, và cho chặng đường kết thúc chiến tranh bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng trong mùa Xuân năm 1975.

Tại cuộc Hội nghị Bình Giã 5 của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định họp tại vùng biên giới Campuchia từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Phó Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã có bài phát biểu quan trọng về việc xây dựng Đảng bộ thành phố vững mạnh cả về chính trị, về tư tưởng và về tổ chức. Đồng chí đã tập trung nêu lên những lĩnh vực công tác quan trọng sau đây: “Phải củng cố và tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng bộ. Phải nâng cao chất lượng công tác của Đảng ở đô thị. Phải khôi phục thế và lực cách mạng ở vùng nông thôn ngoại thành. Phải quan tâm đầy đủ sự lãnh đạo của Thành ủy trên mặt trận báo chí”.

Ngày 27-1-1973 với việc ký kết Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”, nhân dân ta đã giành được một bước thắng lợi vô cùng quan trọng. Từ đấy, Mỹ chấp nhận rút khỏi miền Nam Việt Nam. Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tập trung sức lực bước vào giai đoạn mới: đánh cho ngụy nhào để kết thúc chiến tranh và giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc.

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn tiếp tục giữ trọng trách Phó Bí thư Trung ương Cục tại căn cứ địa của cơ quan lãnh đạo cách mạng miền Nam ở chiến khu Bắc Tây Ninh. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí được giao trọng trách công tác nổi dậy mà chiến trường trọng tâm, trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định.

Người của đổi mới

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Nhà máy sữa DIELAC TPHCM (2-11-1990).

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Nhà máy sữa DIELAC TPHCM (2-11-1990).

Thắng lợi hoàn toàn và triệt để của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đưa thành phố Sài Gòn - Gia Định được giải phóng bước vào thời kỳ mới. Cuối năm 1975, Bộ Chính trị điều động đồng chí Nguyễn Văn Linh về làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Linh bắt tay ngay vào việc ổn định đời sống, ổn định kinh tế - xã hội và xây dựng thành phố theo tinh thần Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 24 (khóa III) tháng 9-1975. Trên cơ sở đánh giá đúng bản chất cách mạng của nhân dân thành phố, đồng chí và Thành ủy đã phát động nhiều phong trào hành động cách mạng nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ công tác cấp bách:

– Trong lĩnh vực kinh tế: Bằng việc phát động mạnh mẽ phong trào khai hoang phục hóa và làm công tác thủy lợi thu hút hàng triệu lượt người tham gia, chỉ sau một năm được giải phóng, thành phố đã khai phá được 70.000 ha đất đai canh tác hoang hóa, sản lượng lúa từ 95.000 tấn năm 1975 lên 164.000 tấn năm 1976. Tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ ở nông thôn, thành phố đã quốc hữu hóa hàng vạn hécta ruộng đất của địa chủ và tư sản mại bản phản động, thu hồi 3.377 ha, chia cấp cho hơn 6.000 hộ nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng. Trong những năm 1975 - 1976, thành phố còn có phong trào “vận động người hồi hương và đi xây dựng vùng kinh tế mới”. Đã có 40.000 người trở về sinh sống ở quê cũ và 285.000 người được tổ chức đi xây dựng vùng kinh tế mới.

– Trong lĩnh vực chính trị: Ngay trong những ngày đầu mới giải phóng, thành phố đã sớm tổ chức các đại hội quần chúng ở cơ sở thu hút hàng triệu nhân dân tham gia các đợt báo công cách mạng và cử những người tốt tham gia vào bộ máy chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất năm 1976 có 97% cử tri tham gia, trong đó có đợt phê bình ủy ban nhân dân cách mạng và một số ngành trực tiếp phục vụ đời sống nhân dân như công an, thương nghiệp, y tế…

– Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: Các phong trào xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa, phát triển văn nghệ quần chúng, bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy, xây dựng nếp sống mới, đọc và làm theo sách báo cách mạng… đã được tổ chức và phát triển sâu rộng.

Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, được phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng.

Sau những năm gánh vác những trọng trách mới, tháng 12 năm 1981, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trở về làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3 năm 1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6 năm 1985, tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Đây là thời kỳ thành phố tích cực tìm kiếm những biện pháp và hình thức “tháo gỡ” khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất “bung ra” nhằm thoát khỏi cơ chế quan liêu bao cấp.

Nhiều mô hình tháo gỡ đã xuất hiện trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; trong việc thử nghiệm để đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp với vốn tự có; trong việc liên doanh, liên kết giữa công - nông - ngư nghiệp và ngoại thương, giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực,…

Nhờ có những sự tháo cơ chế và cho các cơ sở công nghiệp, thương nghiệp bung ra đưa đến hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có bước nhảy vọt. Nếu tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng sản phẩm nội địa (GDP) giai đoạn 1976 - 1980 là 2,2% năm, thì giai đoạn 1981 - 1985 đã tăng lên tới 8,2% năm. Tỷ lệ thu ngân sách trong tổng sản phẩm xã hội tăng từ 10% năm 1980 lên 18,5% năm 1985.

Tuy nhiên, sự năng động và sáng tạo của thành phố trong thời điểm đó đã bị không ít người phê phán là làm trái với nguyên lý kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình ấy, với cương vị là Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Linh giữ vững quan điểm, nhất quán ủng hộ cái mới với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.

Giữa tháng 7 năm 1983, đã xảy ra một sự kiện hết sức quan trọng. Nhân kỳ nghỉ hè của một số đồng chí trong Bộ Chính trị và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng tại thành phố Đà Lạt, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã mời một số giám đốc xí nghiệp Trung ương và địa phương đến báo cáo trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo trong 3 ngày về những cung cách làm ăn mới năng động, có hiệu quả của thành phố Hồ Chí Minh, làm sáng tỏ những vấn đề thuộc về cơ chế và yêu cầu tháo gỡ cơ chế cũ. Các nhà nghiên cứu kinh tế thường gọi đây là “Hội nghị Đà Lạt”.

Tiếp theo sau đó, đồng chí Trường Chinh và các đồng chí trong Bộ Chính trị trực tiếp đi tìm hiểu nhiều cơ sở, trân trọng lắng nghe nhiều công ty, xí nghiệp báo cáo tình hình thực tế sinh động của thành phố Hồ Chí Minh, giúp Trung ương có thêm quyết tâm xóa bỏ cơ chế quản lý cũ, thiết lập cơ chế mới. Chính kết quả của những cuộc tiếp cận với thực tiễn của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong và sau “Hội nghị Đà Lạt”, đã có tác động lớn đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 và 7 (khóa V) vào cuối năm 1984, mở đầu giai đoạn đấu tranh sôi nổi cho quan điểm đổi mới trong nội bộ Đảng từ Trung ương đến các địa phương, các ngành.

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, trong nửa đầu thập niên 1980, là những năm Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh có bước trưởng thành vượt bậc về nhận thức. Thành công nổi bật của giai đoạn này là Đảng bộ thành phố đã tìm ra được những “mô hình tháo gỡ” để làm cho sản xuất “bung ra” đúng hướng.

Kết quả của sự tìm tòi để đổi mới tư duy kinh tế và những phát kiến ra cung cách làm ăn mới ở thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác như: Long An, Vĩnh Phú, Hải Phòng… đã giúp Trung ương có thêm cơ sở thực tiễn cho việc hình thành đường lối đổi mới đất nước, mở đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

* * *

“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Tính từ năm 1939 đến 5 năm đầu của thập niên 1980, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hàng chục lần đảm nhận các chức vụ: Ủy viên Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Đặc Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Đảng ủy Khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Năm tháng qua đi, nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Linh, của Chú Mười quý mến thân thương - một người cộng sản kiên cường, bất khuất; một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo; một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời sẽ sống mãi với non sông đất nước, với mảnh đất Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc”, với thành phố mang tên Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

(*) Các tít nhỏ do Báo SGGP đặt

Lê Thanh Hải
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM

Tin cùng chuyên mục