Kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 18, khóa VII: Kiến nghị làm rõ nhiều vấn đề bức xúc

Kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 18, khóa VII: Kiến nghị làm rõ nhiều vấn đề bức xúc

Người dân quận 7 đẩy xe đi mua nước sạch. Ảnh: CAO THĂNG

Người dân quận 7 đẩy xe đi mua nước sạch. Ảnh: CAO THĂNG

Tại kỳ họp HĐND TPHCM (khai mạc ngày 5-7), bên cạnh 217 ý kiến của cử tri, đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM có gần 100 câu chất vấn chuyển đến lãnh đạo TP, các sở ngành chức năng. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề dân sinh nóng bỏng: Quy hoạch “treo”, chất lượng giáo dục kém, vệ sinh an toàn thực phẩm bị thả nổi, ô nhiễm môi trường…

Đặc biệt, tình trạng nghiện game online của một bộ phận thanh thiếu niên đang trở thành mối đe dọa lớn đối với xã hội, cũng là nội dung quan trọng được đại biểu quan tâm chất vấn…

Quản lý game online lỏng lẻo, trách nhiệm của ai?

Nội dung quản lý trò chơi trực tuyến (game online) đã nhận được nhiều chất vấn của ĐB. Đa số các ý kiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm các đơn vị khi để xảy ra tình trạng nghiện game online của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.

Các cơ sở kinh doanh loại hình này thường có rất nhiều vi phạm, như: không đăng ký kinh doanh, kinh doanh quá giờ quy định, không có sổ theo dõi khách hàng, không cài đặt phần mềm ngăn chặn để khách tự do truy cập các trang web có nội dung không lành mạnh, cho phép trẻ em dưới 14 tuổi truy cập Internet không có người hướng dẫn… nhưng việc thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa đến nơi đến chốn dẫn đến vi phạm diễn ra tràn lan, không quản được.

Cụ thể hơn, ĐB Huỳnh Công Hùng chất vấn: “Tình trạng game online được cấp phép quá nhiều nhưng có nhiều trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc, vi phạm thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ. Vậy vai trò quản lý của Sở Thông tin - Truyền thông  TPHCM đến đâu?”.

Còn ĐB Nguyễn Văn Minh thẳng thắn: “Hiện nay chỉ cấp phép cho các điểm kinh doanh Internet nhưng nhiều điểm chuyển thành game online, vậy việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động này thế nào?”.
 
ĐB Huỳnh Công Hùng cũng đặt câu hỏi với cơ quan có trách nhiệm xung quanh việc cho phép phát sóng các kênh truyền hình nước ngoài lan tràn. Theo ông, việc cấp phép hiện nay vẫn chưa xem xét năng lực tài chính, năng lực nhân sự, khả năng quản lý của đơn vị, giao lại quyền quản lý về nội dung, hạ tầng cho đối tác (các công ty tư nhân) lỗi này thuộc về ai?”.
 
Giá thuốc thả nổi, ai bị xử lý?

Liên quan đến vai trò quản lý nhà nước của Sở Y tế, cử tri ở các quận huyện rất quan tâm đến việc quản lý giá thuốc hiện nay. Cử tri các quận Tân Bình, 12 bức xúc cho rằng việc quản lý giá thuốc ở các bệnh viện đang bị thả nổi. Giá thuốc ở nhà thuốc bệnh viện thường cao hơn bên ngoài gấp nhiều lần, nhiều phòng mạch tư nhân vừa khám bệnh vừa phát thuốc, bác sĩ bệnh viện móc nối với trình dược viên kê đơn thuốc để nhận hoa hồng  nhưng chưa thấy ai chịu trách nhiệm và ai bị xử lý.

ĐB Nguyễn Văn Bạch chất vấn về vai trò của Sở Y tế: “Năm học 2009 - 2010, nhiều trường từ mầm non đến trung học của TP chưa có đủ cán bộ chăm sóc y tế cho các em. Hiện, toàn TP có hơn 1.500 trường học mà chỉ có 524 trường có cán bộ y tế (chiếm 36%) là quá thấp. Thậm chí, 28 trường học ở huyện Cần Giờ chỉ 2 trường có cán bộ y tế chuyên trách (trình độ sơ cấp), ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe học sinh, sở khắc phục trong thời gian tới ra sao?”.

Bức xúc các dự án ODA “đội” vốn
 
Đó là vấn đề ĐB Trương Trọng Nghĩa đặc biệt quan tâm. Theo ông, đáng chú ý như dự án Đại lộ Đông – Tây và môi trường nước đội vốn 3.600 tỷ đồng, tuyến metro số 1 chưa khởi công nhưng đã tăng vốn từ 1,1 tỷ USD lên 2,3 tỷ USD, dự án Vệ sinh môi trường TP từ 200 triệu USD tăng lên 354 triệu USD… “Nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu đến đâu?” - ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi.

Ông cũng gửi đến HĐND TP các ý kiến của cử tri về công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh. Cử tri “truy” trách nhiệm của UBND TP trong xử lý các đơn vị có liên quan khi cho rằng: Việc khắc phục hư hỏng con đường này tốn từ 100 - 300 tỷ đồng (trên tổng vốn đầu tư 420 tỷ đồng), chưa tính nhiều chi phí khác nhưng suốt 9 năm đưa vào sử dụng, con đường này luôn hư hỏng nặng. Vậy trách nhiệm của các đơn vị đến đâu, việc bồi thường ra sao, dùng nguồn tiền nào để sửa chữa?

Một số ý kiến khác quan tâm đến tiến độ, bất cập, nhếch nhác khi thi công dự án vệ sinh môi trường nước (lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Các ĐB đề nghị Sở GTVT phải nói rõ nguyên nhân, biện pháp chấn chỉnh và mốc thời gian cụ thể hoàn thành.

ĐB Nguyễn Văn Bạch dự kiến chất vấn Sở Xây dựng xung quanh việc kéo dài quy hoạch ở khu chung cư của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông tại C30 - Lý Thường Kiệt (khu phố 1, phường 6, quận Tân Bình) kéo dài nhiều năm nay.

ĐB Dương Văn Nhân phản ánh ý kiến của cử tri chung quanh việc quy hoạch lộ giới hẻm, quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất gây khó khăn cho dân trong việc giao dịch vay vốn, mua bán nhà đất trong khu quy hoạch…

Theo ĐB Phan Thanh Quan, hiện nay có tình trạng thay đổi, điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá nhiều, chứng tỏ việc xác lập bản đồ quy hoạch trong thời gian qua thiếu cơ sở khoa học. Có hay không nhiều người dựa vào thông tin “mật” về việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch để hưởng lợi bất chính, doanh nghiệp “gia đình” thao túng việc điều chỉnh quy hoạch…?

VÂN ANH – HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục