Kỳ họp thứ 18 HĐND TP khóa VII - Kiến nghị nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Tăng trưởng chưa bền vững
Kỳ họp thứ 18 HĐND TP khóa VII - Kiến nghị nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Hôm qua, 5-7, kỳ họp thứ 18 của HĐND TPHCM đã khai mạc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo. Đến dự có các đồng chí: Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Dương Quan Hà và đại diện lãnh đạo các sở ngành, quận huyện, tổng công ty. Trong buổi sáng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài báo cáo kết quả tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2010 và đề nghị HĐND TP xem xét 3 tờ trình.

Tăng trưởng chưa bền vững

Kinh tế TP 6 tháng đầu năm 2010 tăng 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn, thách thức. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững. Lãi suất cao khiến các cơ sở sản xuất, kinh doanh đứng trước bài toán khó. Tiến độ nhiều công trình, dự án chậm. Ùn tắc giao thông chưa được cải thiện đáng kể. Ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết căn cơ. Đời sống người dân thu nhập thấp vẫn còn khó khăn. Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, chỉnh trang đô thị còn những hạn chế nhất định. Việc quản lý các hoạt động văn hóa chưa đạt yêu cầu. An toàn thực phẩm chưa đảm bảo.

(Trích phát biểu khai mạc của Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo)

Báo cáo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM 6 tháng vừa qua và kế hoạch trong những tháng cuối năm 2010 đã được các đại biểu (ĐB) thảo luận sôi nổi tại tổ chiều 5-7.

ĐB Nguyễn Minh Hương đồng tình với các đánh giá trên và cho rằng tăng trưởng kinh tế của TPHCM có tăng, nhưng chất lượng cuộc sống không tăng. Cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, nạn ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quản lý không theo kịp thực tế, thiếu nhà ở, chất lượng cuộc sống của người dân chưa cao… đó chính là những biểu hiện của việc phát triển chưa bền vững.

Lạc quan hơn, ĐB Võ Văn Sen cho rằng, TPHCM cần làm rõ những mặt được và chưa được cụ thể hơn. Khi đã cụ thể, TP sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ và vững chắc bởi tiềm lực của TP rất lớn.

Văn minh đô thị: Chuyển biến quá chậm

ĐB Nguyễn Hữu Thọ nói: “Tôi làm trong ngành du lịch nên đặc biệt quan tâm đến vấn đề văn minh đô thị của TP vì nó tác động đến du khách. Tôi cảm giác dường như nó ngày càng tệ đi”. Một số ĐB khác cho rằng có lẽ do nhìn thấy TP quá lộn xộn, nhếch nhác, mất vệ sinh… nên TP sốt ruột mà triển khai cuộc vận động văn minh đô thị nhưng lại không tính toán hết những điều kiện cần thiết để thực hiện nó.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải (bìa phải) và Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo (giữa) trao đổi cùng các đại biểu dự kỳ họp HĐND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải (bìa phải) và Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo (giữa) trao đổi cùng các đại biểu dự kỳ họp HĐND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Nguyễn An Bình đánh giá việc thực hiện văn minh đô thị trên địa bàn TP còn chuyển biến quá chậm chạp. Trong khi đó, TP đang biến thành một đại công trường khổng lồ, lô cốt mọc khắp nơi, đường sá bị đào bới lung tung, trang bị cơ sở vật chất phục vụ người dân thực hiện văn minh đô thị chưa đầy đủ…

Ông Bình phân tích: Chỉ mỗi chuyện xử lý những người lao động nghèo sử dụng xe đẩy tay buôn bán tràn lan lấn chiếm lòng lề đường mà TP cứ loay hoay hoài chưa dứt điểm được.

ĐB Nguyễn Thế Thanh lo lắng: Tôi không hiểu vì sao bài toán lòng lề đường khi thực hiện văn minh đô thị chưa giải quyết xong, lại có quy định mới cho khai thác một phần vỉa hè dẫn đến vỉa hè TP bị khai thác vô tội vạ nhưng việc chế tài còn hạn chế nên rất nhiều tuyến đường gần như không có vỉa hè, còn gì là văn minh?

ĐB Trần Thị Thu Vân thẳng thắn: Việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa có sự chỉ đạo tập trung, để giải quyết vấn đề này thì cơ chế, con người, cơ sở hạ tầng phải đảm bảo.

ĐB Nguyễn Văn Minh đề xuất UBND TP cần có báo cáo riêng về cuộc vận động này. “Năm thứ 1,2 chúng ta làm tập trung có hiểu quả nhưng năm thứ 3 thì lại chưa thấy gì”, ĐB Minh nói. 

Để chấn chỉnh, ĐB Ngô Minh Hồng cho rằng đã đến lúc TPHCM nên mạnh dạn đề xuất thí điểm một lực lượng cảnh sát đô thị để chuyên xử lý những vi phạm trong nội đô. “Ai đi đường cũng sẽ thấy nhan nhản các vi phạm văn minh đô thị nhưng cũng chẳng biết kêu ai đến xử phạt, nhắc nhở và nhiều khi còn mang vạ vào thân nếu gặp đối tượng lưu manh. Giai đoạn này cần đội ngũ xử phạt và biện pháp chế tài nghiêm chứ nếu chỉ kêu gọi ý thức tự giác của người dân không thì không hiệu quả” - ĐB Hồng nhấn mạnh.

Quy hoạch “vụn”

Quản lý đô thị - lĩnh vực được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Nguyễn Văn Minh đặt thẳng vấn đề: “Tôi không hiểu công tác quy hoạch, xây dựng của TPHCM như thế nào nữa. Trong khi chủ trương chuyển trường học, bệnh viện ra khu tập trung nhưng lại cấp phép xây dựng cao ốc ào ạt ở khu vực trung tâm TP. Những tòa nhà cao tầng này vừa là văn phòng vừa là nhà ở trong khi quy hoạch chỗ để xe không đủ nên xe tràn ra đường.

Các đại biểu HĐND TPHCM tại thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các đại biểu HĐND TPHCM tại thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng quan điểm, ĐB Ngô Minh Hồng phân tích sâu hơn: Tại sao mật độ xây dựng của TPHCM thấp hơn một số nước trong khu vực nhưng đô thị lại không thoáng bằng? Rồi bà tự trả lời: Vì nhiều năm qua công tác quy hoạch và quản lý đô thị ở TPHCM chưa hiệu quả đã dẫn đến giao thông quá tải, xây dựng lộn xộn, môi trường ô nhiễm... tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Dù GDP của TP có tăng cao hơn bao nhiêu chăng nữa nhưng chất lượng cuộc sống của người dân cứ thấp vì đường vẫn ngập, phố vẫn kẹt xe, các công trình trọng điểm vẫn thi công ì ạch.

ĐB Huỳnh Công Hùng, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP nhận định: Các khu đô thị mới mọc lên khắp nơi, trong khi bộ phận quy hoạch của nhà nước không thể kiểm soát nổi. Vai trò quy hoạch TP không theo kịp sự bùng phát các khu đô thị đã dẫn đến tình trạng những khu đô thị chắp vá, manh mún thiếu tính hệ thống đi kèm như điện, nước, giao thông; các cơ sở trường học, y tế, chợ… Đây là hệ quả lâu dài của việc quản lý đô thị theo kiểu chắp vá, đụng đâu làm đó, không khoa học.

ĐB Hùng đề nghị: “Nếu chưa làm quy hoạch tốt thì trong những lần điều chỉnh quy hoạch, TP cần phải đảm bảo việc điều chỉnh đó được tuân thủ tuyệt đối. Quy hoạch đô thị TPHCM phải nhìn tương lai trung và dài hạn, không thể nhìn cái lợi ngắn hạn. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì 10 anh Phượng (Giám đốc Sở GTVT) cũng không giải quyết tận gốc vấn đề tắc nghẽn giao thông hiện nay”.

Kiến nghị đặt tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đại lộ Đông Tây

Theo tờ trình của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài, để bày tỏ lòng kính trọng và ghi nhớ công lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, UBND kiến nghị HĐND TP xem xét, thông qua về việc đặt tên tuyến đường dài gần 13,4km tính từ nút giao quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) tới cầu Calmette, quận 1 (thuộc đại lộ Đông Tây) là đường Võ Văn Kiệt.

Xử lý nghiêm Vedan làm gương

Theo ĐB Võ Văn Sen, TP cần hết sức quan tâm đến vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường, giải quyết đến nơi đến chốn. Lấy ví dụ như việc xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò vẫn còn chậm chạp, dù TP rất nỗ lực nhưng phối hợp chưa tốt với tỉnh Bình Dương nên việc xử lý cứ kéo dài từ năm này qua năm khác.

ĐB Sen cho rằng lãnh đạo TP nên đấu tranh mạnh mẽ với vấn đề này, thời sự nhất là vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan. Cần xử lý mạnh tay một vài công ty lớn làm gương cho các doanh nghiệp gây ô nhiễm khác. Xử lý Vedan lỏng lẻo sẽ tạo tiền lệ không tốt, gây nên một làn sóng bất bình trong nhân dân.

VÂN ANH – HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục