TP Hồ chí minh – Những công trình trọng điểm: Cú hích nâng chất nguồn nhân lực

Quả ngọt đầu mùa
TP Hồ chí minh – Những công trình trọng điểm: Cú hích nâng chất nguồn nhân lực

Từ năm 2001, TPHCM triển khai chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ (2001 - 2006) và 500 tiến sĩ, thạc sĩ (2007 - 2010) (gọi tắt là chương trình). Đến nay, chương trình có 216 học viên công tác tại các sở ban ngành, đơn vị sự nghiệp của TP. Trong số đó, có khoảng 60% số học viên đã trở thành cấp quản lý phó trưởng phòng sở ngành, quận huyện, đặc biệt có 22 cán bộ được giới thiệu tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở.

Sinh viên nghiên cứu vật liệu Nano tại ĐHQG TPHCM. Đây là nguồn đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cao của TP. Ảnh: Đức Thành

Sinh viên nghiên cứu vật liệu Nano tại ĐHQG TPHCM. Đây là nguồn đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cao của TP. Ảnh: Đức Thành

Quả ngọt đầu mùa

Từ một công chức bình thường, Nguyễn Anh Đức được chương trình cử đi học. Về nước, khởi nghiệp từ vị trí khiêm tốn ở bộ phận nghiên cứu phát triển, chỉ sau 1 năm, anh đã được đề bạt giữ chức vụ Giám đốc kế hoạch - đầu tư của Liên hiệp HTX Thương mại Saigon Co.op và vào Hội đồng quản trị của liên hiệp - “mảnh đất” thường chỉ ưu ái những người có kinh nghiệm, dám cạnh tranh năng lực. Chỉ với 3 năm được ví bước đi bằng “đôi hia 7 dặm”, Nguyễn Anh Đức là một trong những nhân tố điển hình thành công từ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TP.

Nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất, còn khá nhiều trường hợp đi lên nhờ được đào tạo bài bản, như tiến sĩ Trần Quang Nam trở thành Trưởng khoa Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Sài Gòn; Th.S Phan Thị Bình Thuận chọn con đường viết lách và nhanh chóng trở thành Phó Tổng biên tập của tờ báo lớn. Tính đến tháng 8-2010, chương trình đã bố trí 216 học viên công tác tại các sở ban ngành, đơn vị sự nghiệp của TP. Theo đánh giá của các đơn vị tiếp nhận sử dụng cán bộ, hầu hết các học viên được bố trí công tác đều chứng tỏ được năng lực chuyên môn khá tốt, thích nghi và xử lý công việc nhanh nên đến nay khoảng 60% số học viên đã trở thành cấp quản lý phó trưởng phòng sở ngành, quận huyện và tương đương, đặc biệt có 22 cán bộ được giới thiệu tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở.

Theo Ban điều hành chương trình, trong giai đoạn 2001 - 2006, TPHCM đã chi hơn 115 tỷ đồng đào tạo được 256 học viên các nhóm ngành kinh tế, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ, quản lý đô thị, văn hóa - xã hội và luật tại 74 trường ở nhiều nước cũng đã thu về những thành quả nhất định. Nhưng hạn chế của Chương trình 300 chính là đầu vào từ nhiều nguồn: sinh viên, cán bộ công chức, thậm chí lao động ngoài quốc doanh… nên đã gặp khó khăn trong bố trí công tác sau đào tạo.

Th.S Nguyễn Anh Đức trăn trở: Nếu biết công tác sau đào tạo được bố trí công tác ở Saigon Co.op thì trong quá trình học, mình đã có thể tập trung nghiên cứu sâu về thị trường, cách thức bán lẻ… Đằng này, người học bị động nên giai đoạn đầu về nhận việc rất nhiều bạn bỡ ngỡ, khó thích nghi với chuyên môn, môi trường công tác, đó cũng là một cản trở.

Anh Lê Trương Hải Hiếu (giữa), một cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài từ chương trình của Thành ủy hiện là Bí thư phường Bến Thành, quận 1. Ảnh: Việt Dũng

Anh Lê Trương Hải Hiếu (giữa), một cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài từ chương trình của Thành ủy hiện là Bí thư phường Bến Thành, quận 1. Ảnh: Việt Dũng

Đồng chí Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP, khẳng định: Chương trình 500 đã khắc phục nhiều nhược điểm của Chương trình 300, đặc biệt là quy trình tuyển chọn với các tiêu chí như nhân tố trẻ, có tâm huyết, CBCC-VC dạng quy hoạch dài hạn của cơ sở hoặc sinh viên khá giỏi; bám sát chỉ tiêu đào tạo của cơ sở để dễ bố trí sau này. Chương trình 300 khá tốn kém với toàn bộ học viên đều học bán phần hoặc toàn phần tại nước ngoài thì ngược lại Chương trình 500 tập trung đào tạo vào những lĩnh vực mà TPHCM đang “khát” nhân lực như: quản lý đô thị (dự án, cấp thoát nước, bất động sản…), kinh tế (quản lý thị trường tài chính - chứng khoán, thương mại quốc tế, kế toán – kiểm toán) theo hai dạng học trong nước đi thực tế nước ngoài và học tại nước ngoài để giảm chi phí.

Đến tháng 8 này, Chương trình 500 đã đào tạo được 328 học viên trong tổng số 479 học viên được xét duyệt. Từ những quả ngọt đầu mùa, chương trình đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao bước đầu đã đưa những nhân tố mới có trình độ chuyên môn phục vụ tiến trình hội nhập, phát triển của TPHCM. Chương trình mở ra hướng đi mới trong việc trọng dụng và bố trí nhân tài - cũng chính là tạo ra động lực mới cho sự phát triển.

Liên kết sau đào tạo

Những người trong ban điều hành chương trình từng tâm sự: Cái khó còn lại của chương trình chính là việc ý thức cũng như cần xác định trách nhiệm của cơ sở trong việc quan tâm cử người trẻ đi học và đặc biệt là tạo điều kiện để các bạn trẻ phát huy sau khi về làm việc. Đó cũng là trăn trở chung của nhiều học viên sau khi kết thúc các khóa học.

Một học viên theo học tiến sĩ ngành thương mại quốc tế tại Thái Lan cho biết: “Chuẩn bị kết thúc khóa học, tôi được ban tổ chức giới thiệu về phòng kinh tế quận nhưng rõ ràng công tác mới không phù hợp với chuyên ngành đã học. Tôi có nguyện vọng xin về Sở Kế hoạch - Đầu tư để áp dụng kiến thức chuyên môn nhưng không được đáp ứng vì hết chỉ tiêu”.

Trường hợp của học viên này không phải là hiếm. Nhiều người cũng đành “rẽ ngang” bởi sự bất cập trong khâu giới thiệu, bố trí công tác, đó là chưa kể thu nhập không cao. Trong số hơn 200 học viên được bố trí công tác thì đã có 28 học viên xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác và tuy đó chỉ là số ít nhưng cũng gây lãng phí. Đó là chưa kể trong số kinh phí đào tạo cần thu hồi hơn 12 tỷ đồng cũng chỉ thu hơn 6 tỷ đồng. Thực tế học viên cũng có những khó khăn: Công tác bổ nhiệm sau đào tạo vẫn chưa ưu việt nên người học vẫn còn tâm lý chưa an tâm.

Dù là những người trẻ, giàu tâm huyết phấn đấu, cống hiến cho Đảng, Nhà nước nhưng thực tế học viên cũng cần được tạo động lực, điều kiện cống hiến và phát triển hậu đào tạo. Đó chính là hạn chế của chương trình đang được xóa dần với phương pháp nơi nào cử đi sẽ tiếp nhận cán bộ quay về công tác, có biện pháp gắn kết với địa phương, cơ sở để hỗ trợ công tác. Nếu như việc này được thực hiện hiệu quả hơn thì chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sẽ tạo một cú hích trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ TPHCM.

Tiêu Hà

TPHCM - Những công trình trọng điểm

- Tình trạng ngập nước tại TPHCM chưa giảm: Thiếu giải pháp đồng bộ

- Biến rác thành vàng

- Xã hội hóa đầu tư - Bước đột phá

- Đại lộ Đông Tây - Con đường “tơ lụa”

Tin cùng chuyên mục