Quốc hội thông qua Nghị quyết phát triển Kinh tế - Xã hội từ 2011 - 2015

* 9 giải pháp triển khai
Quốc hội thông qua Nghị quyết phát triển Kinh tế - Xã hội từ 2011 - 2015

* 9 giải pháp triển khai

(SGGPO). – Sáng nay, 8-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Theo đó, Quốc hội đánh giá, giai đoạn 2006-2010, dù có nhiều khó khăn nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt nhiều kết quả nổi bật. GDP bình quân 5 năm đạt 7%. GDP năm 2010 gấp 2 lần năm 2000. Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam cam kết với quốc tế đã được thực hiện.

Tuy nhiên, trong số 24 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm có 10 chỉ tiêu chưa đạt. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phân hóa giàu nghèo tăng lên. Chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng hạ tầng.. vẫn là những yếu tố kìm hãm sự phát triển. Nguyên nhân của yếu kém này tuy có tác động khách quan nhưng chủ quan vẫn là chính.

Chế biến tôm xuất khẩu sang Nhật. Ảnh: Cao Thăng

Chế biến tôm xuất khẩu sang Nhật. Ảnh: Cao Thăng

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế nhanh bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong 2-3 năm đầu kế hoạch, tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. 2-3 năm tiếp theo, bảo đảm, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. 

Nghị quyết đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu (10 chỉ tiêu kinh tế, 8 chỉ tiêu xã hội, 2 chỉ tiêu môi trường):

  • Về kinh tế:

- GDP tăng khoảng 6,5-7%.

- Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm 2011-2015 khoảng 33,5-35% GDP.

- Giảm dần nhập siêu từ 2012, phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào 2015.

- Bội chi ngân sách Nhà nước đạt dưới 4,5% vào năm 2015 (mức bội chi có cộng thêm trái phiếu Chính phủ).

- Giảm tiêu tốn năng lượng tính trên GDP từ 2,5-3%/năm.

- Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 30% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ lệ đổi mới công nghệ đạt 13%/năm.

- Năng suất lao động xã hội đến 2015 tăng 29-32% so với 2010.

- Tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách không quá 22-23% GDP/năm.

- Nợ công đến 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP.

- Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5-7% vào 2015.

  •   Về xã hội:

- Số lao động được tạo việc làm cho 8 triệu người.

- Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị đến năm 2015 dưới 4%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 55% vào 2015.

- Thu nhập thực tế của dân cư đến 2015 gấp 2-2,5% so với 2010.

- Giảm hộ nghèo nhanh và bền vững, tỷ lệ giảm bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm đối với các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn.

- Diện tích nhà ở bình quân đến 2015 đạt mức 22 mét vuông sàn/người.

- Tốc độ phát triển dân số đến 2015 khoảng 1%/năm.

- Đến năm 2015 đạt 8 bác sĩ và 23 giường bệnh (không tính giường trạm y tế) trên 1 vạn dân.

  • Về môi trường:

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42-43%.

- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%.

Các chỉ tiêu khác: Quốc hội giao Chính phủ xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện hàng năm.

9 giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu

Thứ nhất, Khắc phục nhanh, hiệu quả những hạn chế, yếu kém do các nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành.

Thứ hai, có đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở, sản xuất chủ yếu. Trong đó cần tập trung cơ cấu đầu tư công, thị trường tài chính (trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính), doanh nghiệp (mà trọng tâm là các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước).

Thứ ba, tiếp tục kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền. Cơ cấu lại thu-chi ngân sách. Rà soát, điều chỉnh phân cấp quản lý đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước và trái phiếu chính phủ. Đổi mới chính sách xuất-nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu.

Thứ tư, tập trung thực hiện 3 đột phá, 12 định hướng chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2011-2020. Cơ bản xây dựng xong hệ thống pháp luật gắn với cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Rà soát, sửa đổi lại quy định về phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Rà soát, đánh giá các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ năm, áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo.

Thứ sáu, đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục – Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm đến nhân lực lãnh đạo. Nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là bậc đại học. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Đổi mới căn bản cơ chế quản lý Khoa học-Công nghệ, phát triển kinh tế tri thức.

Thứ bảy, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả, hiệu lực các chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Thứ tám, tập trung xây dựng, thực hiện các đề án cải cách tư pháp bảo đảm chất lượng, tiến độ. Thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi chống người thi hành công vụ. Kiên quyết phòng chống và xử lý nghiêm, hiệu quả nạn tham nhũng.

Thứ chín, quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại vững mạnh, giữ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ, chú trọng vấn đề biển Đông một cách thỏa đáng, cân bằng trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng pháp luật quốc tế và nguyên tắc ứng xử khu vực.

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2011-2015.

PHAN THẢO


Đưa vốn trái phiếu Chính phủ vào ngân sách trung ương để giám sát

Sáng 8-11, Quốc hội đã thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ (TPCP) 5 năm 2011-2015.

Về Chương trình sử dụng TPCP, theo báo cáo của Chính phủ, tổng mức đầu tư vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 là 225.000 tỷ đồng, tương ứng với 45.000 tỷ đồng mỗi năm. Chính phủ cũng khẳng định không bổ sung mới các công trình, dự án; thực hiện rà soát cắt, giãn hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các công trình, dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2011-2015.

Thảo luận về vấn đề này, hầu hết các ĐBQH đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn TPCP giai đoạn từ 2003 đến nay, nhất là trong việc để số lượng, công trình được phê duyệt, tổng mức đầu tư tăng quá cao, vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng quản lý TPCP hiện nay còn lỏng lẻo, gây lãng phí lớn, dẫn đến nợ công tăng. Đầu tư TPCP thời gian qua còn tràn lan, dễ dãi...

Về sử dụng vốn TPCP, theo các ĐB thời gian tới cần rà soát, cắt giảm, giãn hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án sử dụng vốn chặt chẽ, không cào bằng.

ĐB Thân Văn Khoa (Bắc Giang) đề nghị TPCP cần ưu tiên các dự án cấp bách, trọng điểm, tập trung cho kết cấu hạ tầng.

ĐB Mai Xuân Hùng (Hậu Giang) đề nghị tới đây phải có đủ vốn mới khởi công công trình, tránh tình trạng các dự án TPCP chậm trễ.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị vốn TPCP cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, y tế giáo dục.

Hầu hết các ý kiến đề nghị phải đưa vốn TPCP vào cân đối ngân sách TƯ hàng năm để giám sát, quản lý.

Về chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015, Chính phủ đề ra 16 chương trình trong giai đoạn 2011-2015. Tổng mức kinh phí từ ngân sách TƯ cho các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn này tối đa 105.392 tỷ đồng trên tổng mức vốn đầu tư 276.372 tỷ đồng, chưa kể chương trình 135 và 30A đã được ngân sách TƯ bố trí năm 2011 là 4.110 tỷ đồng.

Thảo luận về vấn đề này, ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng Chính phủ cần rà soát các chương trình quốc gia, chỉ rõ những hạn chế, xử lý các sai phạm. Bên cạnh đó, cần ghép một số chương trình có mục tiêu liên quan. Như thế sẽ chỉ còn lại khoảng 10-12 chương trình thay vì 16 chương trình như Chính phủ báo cáo và đến năm 2015 chỉ nên còn 5 chương trình để tập trung nguồn lực thực hiện.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị cần lồng ghép các chương trình liên quan đến nông thôn như nước sạch, việc làm, xóa đói giảm nghèo… vào chương trình xây dựng nông thôn mới vì đó là chương trình có các mục tiêu bao trùm cả về xóa đói giảm nghèo, nước sạch, việc làm.

Khi triển khai chương trình lớn này, ĐB Trần Đức Long (Đắc Nông) đề nghị ưu tiên thực hiện bằng được chương trình xây dựng nông thôn mới trong 10 năm tới. “Muốn thế phải giải quyết cấp bách vấn đề giao thông nông thôn. Mỗi năm nên dành 20.000 tỷ đồng, trong vòng 5 năm, với khoảng 100.000 tỷ đồng trong số vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, chúng ta sẽ giải quyết được hạ tầng giao thông nông thôn”, ĐB Long đề xuất.

Dự án Luật Giá còn quá chung chung

Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Dự án Luật Giá.
Nhiều ĐB cùng quan điểm khi cho rằng Luật Giá rất quan trọng nhưng lại được soạn thảo còn quá chung chung.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) đề nghị cần đầu tư nhiều hơn nữa về Luật Giá để xử lý hết các tình huống đặt ra. Quản lý giá hiện nay vẫn theo kiểu có lúc để thị trường tự diễn biến, có lúc Nhà nước lại can thiệp quá sâu. Đơn cử chúng ta bất lực trong kiểm soát giá thuốc chữa bệnh, sữa, 2 mặt hàng này thị trường hoàn toàn chi phối. Do vậy, cần phân nhóm hàng hóa để có thể làm rõ sự can thiệp về giá của Nhà nước.

Khá thẳng thắn, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng dự thảo Luật Giá chỉ bàn những biện pháp hành chính, đó là tư duy không đúng. Luật cần làm rõ biện pháp chống đầu cơ, lũng đoạn giá; làm rõ vấn đề minh bạch về giá. Luật Giá chưa làm trúng mục tiêu, cần soạn thảo lại.

Về Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) và nhiều ĐB khác đề nghị cần chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phòng tránh nạn bạo lực gia đình, mua bán người. ĐB Phạm Văn Gòn (TPHCM) cho rằng luật cần chú trọng giáo dục pháp luật từ bậc học mầm non, người lớn cần làm gương cho con trẻ.

PH. THẢO – NG. QUANG

L. NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục