Đề nghị kiểm soát chặt hệ thống ngân hàng

Phải “xem lại”các giải pháp chống lạm phát?
Đề nghị kiểm soát chặt hệ thống ngân hàng

(SGGPO).- Sáng nay, 6-8, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp trong 6 tháng cuối năm. Ngoài các đại biểu Quốc hội, còn có sự tham gia phát biểu của các thành viên Chính phủ. Buổi thảo luận tiếp tục “nóng” với các vấn đề về: kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất, cắt giảm đầu tư công, việc làm cho người lao động... Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.

Phải “xem lại”các giải pháp chống lạm phát?

Vẫn về chuyện lạm phát, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, giải pháp chống lạm phát của Chính phủ cần nhấn mạnh thêm, nhất là đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp Nhà nước phải thực sự mạnh, là quả đấm thép. Cần quyết liệt hơn trong đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó tiền lương phải là động lực phát triển doanh nghiệp, khuyến khích được người lao động. Bộ máy doanh nghiệp Nhà nước hiện nay quá cồng kềnh, đẩy chi phí cao, sức cạnh tranh thấp. Nếu doanh nghiệp mạnh sẽ đủ sức vượt qua khó khăn, không trông chờ hỗ trợ từ nhà nước.

Ông cũng nêu ý kiến phải coi tiết kiệm chi tiêu công là quốc sách. Việt Nam là nước nghèo nhưng vẫn mang tiếng là “xài sang”. Cần đẩy mạnh cải cách hành chính, không chỉ dừng ở tinh giản thủ tục hành chính, vì con người mới là quan trọng.

Còn Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) cho rằng lạm phát có nguyên nhân chính là do kích cầu không đúng chỗ, không đúng đối tượng. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng đang được sử dụng không phù hợp, còn biểu hiện tràn lan. Những giải pháp chống lạm phát thời gian qua đã trúng, đúng liều lượng chưa cũng cần xem xét, đánh giá lại.

Đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) lại cho rằng, việc tăng giá điện và các mặt hàng thiết yếu cần có lộ trình trong thời gian dài để doanh nghiệp, người dân có thời gian thích ứng. Đại biểu cũng đề nghị cắt giảm đầu tư công cần hợp lý hơn, không gây khó khăn cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Đại biểu Hà Sĩ Đồng cũng đề nghị sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, chỉ cần một số ngân hàng mạnh, không để như hiện nay các ngân hàng chạy đua lãi suất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin về thị trường cho doanh nghiệp, để các doanh nghiệp có thể khai thác các thị trường hiệu quả, tránh những rủi ro, biến động mà thị trường mang lại.

Cùng quan điểm, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) nói cụ thể: “Trong thời buổi khó khăn hiện nay mà các ngân hàng chạy đua lãi suất, đó là hành vi nguy hiểm, cần phải có biện pháp mạnh để xử lý. Biện pháp tăng giá cần điều chỉnh lộ trình phù hợp”.

Nhiều Đại biểu cho rằng thực tế có nhiều ngân hàng thương mại năng lực yếu nhưng vẫn hoạt động, chạy đua lãi suất. Nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TPHCM) phát biểu ý kiến tại hội trường sáng nay 6-8. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TPHCM) phát biểu ý kiến tại hội trường sáng nay 6-8. Ảnh: TTXVN

Đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu GDP và CPI

Cũng trong buổi thảo luận sáng nay, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh 2 chỉ tiêu GDP và CPI. Theo ông, GDP 6 tháng đầu năm đạt thấp hơn cùng kỳ, trong khi chúng ta đang thực hiện cắt giảm đầu tư công, giảm tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới 20%... vì vậy tăng trưởng GDP 7-7,5% là rất khó đạt được. CPI hiện nay đã 14,7%, trong khi dự báo của Chính phủ là 15-17%. Nếu không quyết liệt thì không thể bảo đảm chỉ tiêu này.

“Để phù hợp với tình hình thực tiễn, giải tỏa áp lực điều hành cho Chính phủ, nâng cao hiệu quả giữa dự báo và điều hành, Quốc hội nên điều chỉnh CPI. Vừa qua, chúng ta đã nới lỏng tài khóa (2009, 2010) để chạy theo tăng trưởng, vì thế lạm phát quay trở lại là điều dễ hiểu. Tới đây cần xử lý linh hoạt các chính sách để bảo đảm vĩ mô, không lặp lại vòng luẩn quẩn”, đại biểu Thụ đề nghị.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tiền tệ dẫn đến khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc làm gia tăng. Lãi suất ngân hàng quá cao như hiện nay khiến trên 30% doanh nghiệp đang ở vào tình trạng thua lỗ. Không ít ý kiến đề nghị cần đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại tín dụng, giảm tín dụng cho phi sản xuất, những ngành không có lợi thế để tập trung vốn cho các ngành nghề, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Kiểm soát hoạt  động tài chính của doanh nghiệp, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị kiểm soát chặt việc cho vay bất động sản, hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh (Vĩnh Long) cho rằng, tình hình an ninh chủ quyền quốc gia hiện nay nhiều phức tạp, cử tri đánh giá cao xử lý của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, cử tri rất phàn nàn về hiệu lực điều hành. Ý thức chấp hành kỷ luật kỷ cương chưa cao. Thể hiện rõ nhất là nhập siêu hàng xa xỉ chưa được ngăn chặn (6 tháng nhập trên 1,6 tỷ USD), nhập siêu từ Trung Quốc tăng chóng mặt trong đó có những hàng tiêu dùng trong nước có, đủ cung cấp. Điều này ảnh hưởng đến sản xuất nông sản, nhiều hàng nhập về không bảo đảm chất lượng, gây hại cho người tiêu dùng. Giải pháp hiện nay của Chính phủ chưa đủ mạnh để ngăn chặn nhập siêu.

“Chính phủ chưa xử lý ai”

Các vấn đề xã hội, ngoài tai nạn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, tình hình tội phạm xã hội hiện nay đang diễn biến gia tăng là quan tâm của nhiều đại biểu, trong đó có tội phạm sử dụng vũ khí, hung hãn. Đại biểu đề nghị phải liên tục tấn công và truy quét các loại tội phạm này. Đại biểu Đoàn Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng đề nghị cần đẩy mạnh các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông đang rất bức xúc hiện nay. Ngoài việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, cần tăng chế tài xử phạt nghiêm minh. “Chính phủ đã từng tuyên bố bố địa phương nào để gia tăng tai nạn giao thông sẽ xử lý người đứng đầu, nhưng thực tế Chính phủ chưa xử lý ai”, đại biểu Hương nói.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) còn yêu cầu phải có biện pháp mạnh đối với nạn phá rừng, không thể khoán trắng cho lực lượng kiểm lâm. Hành vi gây ô nhiễm môi trường cần chế tài mạnh hơn, cần kiên quyết cưỡng chế, tháo dỡ những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường chứ không phạt “nhẹ nhàng” như hiện nay.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm thỏa đáng đến ngư dân, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ. Muốn thế, Doanh nghiệp Nhà nước cần tham gia thành lập những tổ đánh bắt xa bờ ở những vùng biển nhạy cảm để hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy. Phải có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng về những chi phí không chính thức hiện nay, vốn là điều mà doanh nghiệp, người dân rất than phiền.

Bộ trưởng Bộ Công thương: Chấp nhận nhập siêu ở mức 18%

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (Lạng Sơn) là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn để trả lời các vấn đề mà Đại biểu Quốc hội quan tâm. Về vấn đề nhập siêu, Bộ trưởng cho hay, Việt Nam đã nhập siêu từ năm 2005, nhất là từ 2007 khi chính thức gia nhập WTO thì nhập siêu có nhiều biến động. “Đây là mối quan tâm rất lớn của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành”, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, nhập siêu của Việt Nam có đặc thù. “Chúng ta đẩy mạnh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thiết yếu ở nhiều ngành, trong khi đó chúng ta chưa bảo đảm sản xuất các mặt hàng, nên phải nhập khẩu. Chúng ta chủ yếu là nhập khẩu kinh kiện sản xuất chiếm tới 93%, chỉ 7% là hàng tiêu dùng. Thế giới cũng cho rằng, trong điều kiện phát triển hiện nay, Việt Nam có thể chấp nhận nhập siêu khoảng 20% so với tổng kim ngạch xuất khẩu”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích.

Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam cũng phải chấp nhận nhập siêu, muốn hạn chế chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng vấn đề này lại phải cần thời gian.

Bên cạnh đó, “không phủ nhận tâm lý sử dụng hàng ngoại. Việt Nam là nước còn khó khăn nhưng ô tô sang, điện thoại sang nhất thế giới đều có cả. Chúng ta đã cố gắng kiểm soát nhập siêu và đã có kết quả bước đầu. Năm 2007 nhập siêu 30%, 2008 giảm còn 26%, 2009 xuống 22,5%, 2010 nhập siêu 17% và 7 tháng đầu năm là trên 12%. Quốc hội giao năm nay kiềm chế nhập siêu 18%, Chính phủ đang cố gắng 16%. Nhập siêu đang cao, nhưng chúng tôi đang cố gắng kiểm soát”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Giải pháp hạn chế nhập siêu được đưa ra là đẩy mạnh xuất khẩu, sản xuất trong nước để thay thế nhập khẩu. Đơn cử như từ  2015-2016 cố gắng sản xuất đủ xăng dầu, đang tiến dần đến sản xuất hàng hóa trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Việt Nam cũng đang phối hợp với với Nhật Bản, Hàn Quốc để phát triển công nghiệp phụ trợ. "Chắc chắn, tới đây nhập siêu sẽ được giảm”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cam kết.

Về việc cấp giấy phép nhập khẩu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng giải thích, hiện nay chỉ còn 4 mặt hàng dược cấp hạn ngạch: đường, muối, thịt, trứng gia cầm, còn lại sử dụng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế. Bộ Công thương đã có quy định để khống chế nhập siêu các hàng hóa không cần thiết. Chỉ có 3 cửa khẩu dược quy định để nhập khẩu các hàng xa xỉ. Một giải pháp khác là đẩy mạnh cuộc vận động hàng Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Về những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề thủy điện gây tác động đến môi trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, vấn đề này đã được Quốc hội nhiều lần báo cáo. “Từ 2009 trở lại đây, Bộ Công thương đã rà soát lại quy hoạch thủy điện, đã điều chỉnh 38 dự án thủy điện nhỏ không có hiệu quả, gây tác động môi trường lớn. Để hạn chế tác hại đến môi trường của thủy điện, nhất là việc lũ lụt, đến nay Chính phủ đã ban hành 5 quy trình vận hành liên hồ chứa”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói rõ.

Chiều nay, Quốc hội họp phiên bế mạc. Sau đó, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ chủ trì họp báo.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục