Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”

Bài 8: TPHCM trẻ hóa cán bộ lãnh đạo, quản lý

Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu rõ 3 vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay, trong đó có việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Về vấn đề này, thời gian qua Thành ủy TPHCM đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chính sách để tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành ở TPHCM.

Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu rõ 3 vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay, trong đó có việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Về vấn đề này, thời gian qua Thành ủy TPHCM đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chính sách để tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành ở TPHCM.

  • Nâng dần trình độ, trẻ từ cơ sở

Từ năm 1999, TPHCM đã thực hiện chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn, mục tiêu là phát hiện, thu hút cán bộ, công chức trẻ có triển vọng, sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi để bố trí, thông qua luân chuyển cán bộ về làm việc ở phường, xã, thị trấn (gọi tắt là cấp phường) để đào tạo toàn diện trong thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp phường, đồng thời tạo nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp quận, huyện, sở ngành thành phố.

Sau 12 năm thực hiện, TPHCM đã xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ gần 1.300 người. Trong đó, có 35% được bố trí các chức danh trưởng, phó trưởng phòng và tương đương cấp quận, huyện, sở, ngành; nhiệm kỳ 2010 - 2015 có 286 cán bộ tham gia cấp ủy cấp cơ sở và 98 cán bộ tham gia quận, huyện ủy và cấp ủy cấp trên cơ sở; 63 cán bộ đương nhiệm và dự bị các chức danh Thành ủy quản lý.

Qua 10 năm thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ (2001 - 2011), TPHCM tuyển chọn, đào tạo 759 ứng viên, trong đó đào tạo thạc sĩ là 581 (90,78%), tiến sĩ là 59 (9,22%); được cử đào tạo nước ngoài là 298 (46,56%), đào tạo trong nước kết hợp đi nghiên cứu, thực tập nước ngoài là 342 (53,44%); có 400 cán bộ đã hoàn thành đào tạo được bố trí công tác ở các sở ngành, quận huyện và doanh nghiệp nhà nước.

Song song đó, Thành ủy thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với đối tượng tuyển chọn là cán bộ, công chức trẻ có triển vọng trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý, có năng lực học tập tốt, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, đưa đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài hoặc đào tạo trong nước kết hợp đi nghiên cứu thực tập nước ngoài 3 tháng.

Ngoài ra, để thu hút cán bộ trẻ có trình độ đại học, trên đại học về công tác ở cơ sở (cấp phường), Thành ủy có chế độ hỗ trợ thu nhập thêm hàng tháng, đồng thời có chủ trương bố trí biên chế dự phòng cho các quận, huyện bằng 15% biên chế chính thức giao hàng năm để sắp xếp cán bộ lớn tuổi, sức khỏe hạn chế nhằm giải quyết đầu ra cho cán bộ cấp cơ sở, cũng như cho cán bộ được cử đi học tập trung dài hạn. Gần đây nhất, TPHCM có chủ trương thi tuyển các chức danh công chức từ phó trưởng phòng cấp quận, huyện trở lên để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX về chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2015.

Chủ trương thu hút sinh viên giỏi, phát hiện cán bộ, công chức trẻ triển vọng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi cho các địa phương, đơn vị thuộc TPHCM trong nhiều năm qua là cách làm đột phá, sáng tạo của Thành ủy, với quyết tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển TP trong tình hình mới. Trong chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, Thành ủy chủ trương đẩy mạnh đào tạo cán bộ các ngành khoa học - công nghệ, nhờ đó chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, được nâng lên, số lượng cán bộ trẻ qua đào tạo chính quy được bố trí về phường chiếm tỷ lệ đáng kể; tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ các cấp, các ngành tăng so với nhiệm kỳ trước.

  • Kết hợp giáo dục đạo đức với tạo môi trường làm việc

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị TPHCM, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong nhiệm kỳ này, TPHCM đề ra nhiều giải pháp. Trước hết, TPHCM chỉ đạo cấp ủy, lãnh đạo các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc về ý nghĩa, vai trò của công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay; thực hiện nghiêm túc các nội dung và nguyên tắc trong công tác cán bộ; thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ không chỉ đáp ứng cho yêu cầu nhiệm vụ trước mắt mà phải đảm bảo đáp ứng cho cả chiến lược phát triển địa phương, đơn vị; đồng thời quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, chỉ đạo của Đảng về thu hút và trọng dụng nhân tài.

Hiện nay, TPHCM tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài; thực hiện có hiệu quả, chất lượng chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn, chương trình đào tạo thạc sĩ - tiến sĩ, chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân… Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất mở rộng nhiều đối tượng được xã hội đào tạo để thu hút vào các chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ cho hệ thống chính trị, như công nhân, lao động giỏi, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trong và ngoài nước, không phân biệt có hộ khẩu hay không có hộ khẩu tại TPHCM.

Để giữ chân người tài và tiếp tục thu hút chất xám, TPHCM có nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ sau khi được đào tạo có việc làm phù hợp, qua đó cống hiến, đóng góp, trải nghiệm, rèn luyện qua thực tiễn công việc; tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ trẻ diện quy hoạch hiện nay để có kế hoạch quy hoạch, luân chuyển, đưa đi đào tạo một cách hợp lý đối với từng trường hợp; luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở để đào tạo toàn diện, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý; bố trí cán bộ trẻ tuổi trong quy hoạch tiếp cận chức danh được quy hoạch để rèn luyện và từng bước trưởng thành.

Bên cạnh đó, TPHCM chú trọng đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ giỏi, người tài được thu hút vào làm việc trong các địa phương, đơn vị; quan tâm đến giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng. Kết hợp đào tạo, bồi dưỡng ở trường lớp, đào tạo trong nước và nước ngoài. Khuyến khích cán bộ tự đào tạo, tự rèn luyện qua thực tiễn công tác và coi trọng đào tạo trong thực tiễn. 

NGUYỄN THỊ LAN
Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM

Triển khai Nghị quyết Trung ương 4
“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”

- Bài 1: Nguyên Tổng Bí thư LÊ KHẢ PHIÊU: Phải gương mẫu, chỉnh đốn trước hết ở lãnh đạo cấp cao

- Bài 2: Không thể có chuyện lỗi thì do tập thể, còn thành tích là của cá nhân

- Bài 3: Phải chống bằng được đặc quyền đặc lợi

- Bài 4: “Khoán 10” trong xây dựng Đảng

- Bài 5: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 - Nỗi mừng, điều mong

- Bài 6: Tự phê bình, phê bình để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng

- Bài 7: Trách nhiệm và tính nêu gương của người đứng đầu

Tin cùng chuyên mục