Tái cơ cấu nền kinh tế - quan trọng nhất là yếu tố con người

Tái cơ cấu nền kinh tế - quan trọng nhất là yếu tố con người

(SGGPO). - Sáng nay, 8-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Theo ý kiến nhiều đại biểu, một trong những vấn đề trọng tâm cần hết sức lưu ý trong đề án là chú ý đến chủ thể quan trọng nhất con người.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), trong 6 mục tiêu tái cơ cấu của đề án chưa thấy đề cập đến con người và cần phải có sự bổ sung trong đề án bởi mục tiêu cuối cùng của tái cơ cấu, tăng trưởng là con người.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), cũng cho rằng, ban soạn thảo cần phải có đánh giá tổng thể các nguồn lực của đất nước trước khi tiến hành tái cơ cấu như: tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ,... Trong đó, một trong những tài nguyên quan trọng nhất là sử dụng con người. Do đó, quan trọng nhất trong quá trình tái cơ cấu là chọn người đứng đầu có phẩm chất đạo đức, trí tuệ.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), chia sẻ, bên cạnh các chính sách để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia thì điều quan trọng là Nhà nước cần có chính sách ưu tiên để đào tạo nhân lực có chất lượng. Đó mới là tái cơ cấu có trọng tâm lâu dài. Do vậy, đề án cần nêu rõ tầm quan trọng trong đào tạo và khoa học trong việc phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ trong tái cơ cấu.

Một nội dung quan trọng khác được nhiều đại biểu quan tâm trong các phát biểu về việc tái cơ cấu là cần có sự đầu tư tương xứng cho khu vực nông thôn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng rằng cần đặt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào vị trí trung tâm vì có vị trí xứng đáng để được chú ý, coi trọng trong tái cấu trúc và nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được tạo cơ hội. Sẽ là chậm nếu không có sự thay đổi trong tái cơ cấu lần này.

Theo Đại biểu Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) và đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) thành tựu nông nghiệp hiện nay chưa tương xứng với lợi thế khi sức cạnh tranh thấp, đời sống người dân khu vực nông thôn bấp bênh. Cơ cấu lại là yếu tố khách quan để phát triển bền vững. Cần quan tâm thay đổi tư duy đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Nhà nước cần đầu tư xây dựng quy hoạch, kết cấu hạ tầng, thủy lợi, đầu tư giống mới; chú trọng hơn chất lượng và hiệu quả, hài hòa lợi ích. Xác định rõ mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp.

*Chiều nay, 8-6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã làm rõ thêm một số vấn đề về tái cơ cấu ngân hàng.

“Từ tháng 2-2012, Ngân hàng Nhà nước đã bắt tay xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2030, trọng tâm từ nay đến 2015.

Đề án đã phân tích toàn bộ thực trạng của các ngân hàng. Trong đó, chia  thành 2 nhóm cần xử lý ngay những tồn tại trước mắt và lâu dài; bên cạnh đó đã nêu cụ thể những nội dung phải tái cấu trúc cho từng nhóm. Đối với ngân hàng thương mại Nhà nước phải bảo đảm vai trò chủ đạo.

Việc xử lý các ngân hàng yếu kém đã được báo cáo Chính phủ và thông qua. Năm 2012, trọng tâm là xử lý các Ngân hàng đặc biệt yếu kém, đến nay đã xử lý 9 ngân hàng thương mại cổ phần. Các bước đi trong xử lý các ngân hàng này đã hoàn thiện, đã thanh tra toàn diện 9 tổ chức này, kiểm toán độc lập 9 đơn vị để xử lý các bước tiếp theo. Hiện đã có phương án xử lý 9 ngân hàng này. Chính phủ đã thông qua phương án xử lý 2/9 đơn vị, trong tháng 6 từng đề án cụ thể về xử lý 9 ngân hàng sẽ được phê duyệt và công khai.

Các ngân hàng cần xử lý được thành 2 tiêu chí: buộc phải tái cấu trúc (9 ngân hàng yếu kém); các ngân hàng cần được sáp nhập. Đối với 9 ngân hàng phải xử lý thì đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị tổ chức tín dụng tự xây dựng phương án tái cấu trúc, nếu không được thì Ngân hàng Nhà nước mới tham gia; nhưng đến nay 9 ngân hàng này đều tự xử lý bằng cách tham gia kêu gọi đối tác hợp nhất, sáp nhập, tự nâng cao năng lực. Với các ngân hàng phải nâng cao năng lực, hiện họ đang nỗ lực tìm kiếm phương án.

Về nguồn để tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc thì phải có chi phí. Nhưng đất nước còn nghèo nên phải có nguồn lực bằng các công cụ khác nhau, bao gồm: kêu gọi huy động mọi nguồn vốn của thành phần kinh tế tham gia tái cấu trúc (hiện đã có nhiều nhà đầu tư, tổ chức kinh tế tham gia tái cấu trúc ngân hàng, chấp nhận tổn thất trước mắt để có lợi nhận trong tương lai); kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài (hiện đã có nhiều ngân hàng nước ngoài đăng ký, nhưng tinh thần là ưu tiên các nhà  đầu tư  trong nước, chủ khi nào không có ai thì mới mời nước ngoài); hỗ trợ của Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước được quyền góp vốn mua cổ phần của các Ngân hàng thương mại, đó là cách để Ngân hàng Nhà nước tham gia tái cấu trúc các ngân hàng thương mại, sau đó sẽ kêu gọi các thành phần khác mua lại).

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã thành lập các công ty mua bán nợ, đây là thực tiễn các nước đã áp dụng, đặc biệt là trong cơn khủng hoảng kinh tế châu Á trong năm 1998 và đã thành công. Khối lượng phải đầu tư là rất lớn, nhưng sự tham gia của Nhà nước chỉ mang tính chất đòn bẩy, trong ngắn hạn,; còn về lâu dài phải sử dụng các nguồn lực đã nêu ở trên.  Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy sau khi Nhà nước tham gia đã thu hồi và có lãi.

Nếu nhịp nhàng các gói giải pháp trên có thể xử lý vấn đề tái cấu trúc ngân hàng. Đối với khu vực nông thôn, đồng ý với các đại biểu Quốc hội là rất quan trọng. Vì vậy, tái cơ cấu ngân hàng cũng hựớng tới điều này. Các ngân hàng thương mại Nhà nước đều phải tiến hành cổ phần hóa, riêng ngân hàng nông nghiệp 5 năm tới không đặt vấn đề cổ phần hóa, Ngân hàng nông nghiệp phải là trụ cột tài chính đối với khu vực nông nghiệp. Chúng tôi yêu cầu, trong vòng 5 năm tới, dư nợ cho vay nông nghiệp phải đạt mức không dưới 80% tổng dư nợ của ngân hàng (các ngân hàng khác thí dưới dưới 20%); ưu tiên các tổ chức tín dụng mở mạng lưới khu vực nông nghiệp".

P.Thảo - Hà My

Tin cùng chuyên mục