Cần hiến định quyền trưng cầu ý dân

Việc làm ra Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng nhất trong các vấn đề hệ trọng của đất nước, do vậy Hiến pháp phải do nhân dân làm ra và quyết định. Nói cách khác, nhân dân phải là chủ thể của quyền lập hiến.

Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân đã trở thành nguyên tắc nền tảng, bất biến trong tất cả các bản Hiến pháp sau này của nước ta. Cùng với đường lối đổi mới, dân chủ hóa đời sống xã hội, Hiến pháp 1992 đã tái xác lập quyền của công dân biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay quyền dân chủ trực tiếp quan trọng này của công dân chưa được cụ thể hóa bằng luật và chưa được thực hành trong đời sống chính trị của đất nước. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã xác định một trong các yêu cầu sửa đổi Hiến pháp 1992 là để bảo đảm đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị. Theo đó, để thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, dự thảo Điều 6 được sửa đổi, bổ sung theo hướng nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trước tiên bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, đồng thời với dân chủ đại diện.

Dự thảo vẫn chưa minh định, khi nào và đối với những vấn đề gì thì nhà nước phải trưng cầu ý dân như đã được quy định rõ trong Hiến pháp 1946. Vì vậy, đây vẫn chỉ là quyền thụ động của người dân, việc có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào ý chí của nhà nước (…). Tôi đề nghị đưa vào dự thảo quy định (áp dụng cho những lần sửa đổi Hiến pháp sau này) về việc trưng cầu ý dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua. Chỉ với một động thái như vậy, nhưng là sự thể hiện cao nhất sự kính trọng của Quốc hội đối với nhân dân, với cử tri - những người bầu ra chúng ta. Do đó, Hiến định quyền trưng cầu ý dân là một trong những yêu cầu quan trọng của sửa đổi Hiến pháp.

Tôi cũng đề nghị quy định về cơ quan bảo vệ Hiến pháp chuyên trách – Hội đồng Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành do nhiều cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện, có nhiều hạn chế và chắc chắn sẽ là bất cập lớn trong tiến trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tới đây. Báo cáo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 cũng đã đưa ra kiến nghị về sự cần thiết thiết lập một cơ chế hiến định để phán quyết về các vi phạm Hiến pháp trong hành pháp, lập pháp, tư pháp phù hợp với yêu cầu Đại hội lần thứ X và XI của Đảng đã đề ra. Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp sẽ tạo ra một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả để nhân dân giám sát tuân thủ việc bảo vệ Hiến pháp và cũng bảo vệ chính mình một khi cho rằng quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm do có sự vi hiến. Đồng thời, Hội đồng Hiến pháp cũng là công cụ bảo vệ cương lĩnh của Đảng đã được thể chế hóa trong đạo luật gốc của nhà nước, bảo đảm nguyên tắc Đảng cầm quyền hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và bảo vệ Hiến pháp mà không can thiệp vào công việc sự vụ mang tính chuyên môn sâu của cơ quan nhà nước. Hơn nữa, điều này còn góp phần tăng cường vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (năm 2007), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị sửa Hiến pháp. Tuy nhiên, phải đến thời điểm hiện tại mới là thời điểm chín muồi để sửa đổi Hiến pháp 1992; sau khi Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh 2011, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 cơ bản xác định những đường lối, quan điểm chính trị cho đến giữa thế kỷ; đồng thời nêu rõ chủ trương sửa đổi Hiến pháp.

Về kỹ thuật lập pháp, Hiến pháp mới cần thể hiện cô đọng hơn, cơ bản hơn, với từng câu, từng chữ thấm đượm tinh thần pháp quyền, không nhất thiết ngành nào cũng phải “hiện diện” như hiện nay. Nói một cách khác, để Hiến pháp có tuổi thọ lâu bền thì cần trả lại cho nó đúng nhiệm vụ của Hiến pháp, nghĩa là đảm bảo tính khái quát cao về nội dung và cách thức thể hiện.

Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp
A.Thư ghi

Tin cùng chuyên mục