Góp ý sửa đổi Hiến pháp - Cần bảo vệ quyền lợi kiều bào

Quyền lợi của dân tộc là trên hết

Chiều 17-1, tại Hà Nội, UBMTTQ Việt Nam khóa VII tổ chức hội nghị lấy ý kiến đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đa số các đại biểu đã thể hiện tình cảm nồng thắm với đất nước, mong muốn đóng góp một phần công sức với sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung, sửa đổi Hiến pháp 1992 nói riêng.

Quyền lợi của dân tộc là trên hết

Bà Phan Bích Thiện (kiều bào Hungary) và nhiều đại biểu khác thể hiện xúc động, niềm vui sướng vì MTTQ tổ chức hội nghị ý kiến đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. “Điều đó, chứng tỏ Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng người Việt Nam ở nước ngoài, coi chúng tôi là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”, bà Thiện phát biểu. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội Hỗ trợ người Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, cũng chia sẻ, kiều bào ai cũng hướng về đất nước, muốn đóng góp công sức của mình để xây dựng đất nước dù ít dù nhiều.

Các ý kiến đều bày tỏ phấn khởi vì Hiến pháp có nội dung Nhà nước Việt Nam bảo hộ người Việt Nam ở nước ngoài. Hiến pháp cũng đã đưa quyền con người vào; bảo vệ bí mật riêng tư của cá nhân; vấn đề bảo vệ môi trường, bảo hộ tác quyền... đây đều là những điểm mới, rất ủng hộ, bảo đảm hội nhập thế giới. Một bước tiến mới nữa là nội dung về kinh tế: dự thảo Hiến pháp đã định rõ kinh tế thị trường XHCN, các thành phần kinh tế có vai trò như nhau, không còn khẳng định kinh tế nhà nước là chủ đạo.

Ông Lê Văn Tâm, kiều bào Nhật Bản chia sẻ, kiều bào ở Nhật Bản rất bức xúc về vấn đề biển Đông. “Chúng tôi ủng hộ đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta nhưng cũng rất mong Đảng, Nhà nước để nhân dân được nói lên tiếng nói của nhân dân về vấn đề này. Hiến pháp cần quy định rõ điều này. Điều 69 quy định nghiêm cấm việc cản trở tự do hội họp, lập hội, biểu tình... chúng tôi rất ủng hộ nhưng phải làm rõ hơn. Quyền lợi của dân tộc là trên hết. Dân chúng phải được thể hiện thái độ khi quyền lợi dân tộc bị xâm phạm” - ông Lê Văn Tâm nhấn mạnh. Ngoài ra, trước thực tế, cán bộ mặt trận chưa quyết liệt, truy kích trong phòng chống tham nhũng, ông Tâm cho rằng: “Truy kích mà không có quyền lực trong tay thì truy kích làm sao? Thông qua chức năng giám sát, phản biện xã hội, MTTQ phải làm tốt hơn công tác này…”.

Bình đẳng trong các hoạt động xã hội

Ông Bùi Đình Dĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cũng hoan nghênh ý chí của Đảng, Nhà nước trong việc lấy ý kiến toàn dân đối với sửa đổi Hiến pháp lần này, thể hiện sự tập hợp ý chí, trí tuệ của toàn dân. Tuy nhiên, ông đề nghị Ban soạn thảo xây dựng dự thảo ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người dân đều có thể hiểu Hiến pháp. Ví dụ, vấn đề tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đại đa số người dân không hiểu định nghĩa này, phải làm sao để mọi người đều hiểu được các khái niệm.

Ông Tài Phương (Hội Người Việt Nam tại Mỹ) cho rằng, kiều bào đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung, vì vậy Hiến pháp nên quy định cụ thể Nhà nước bảo hộ quyền lợi người Việt Nam ở nước ngoài. “Nên thêm quy định Nhà nước bảo hộ Việt kiều tham gia vào nghiên cứu, phát triển KHCN để xây dựng đất nước, bảo đảm những người tham gia được bảo hộ. Vì nhiều bà con có tâm tư, về Việt Nam đầu tư làm ăn, khó khăn không biết gặp ai. Họ cần được bảo hộ về mặt pháp luật” - ông Tài Phương chia sẻ. “Từ kinh nghiệm làm ăn ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn ở Việt Nam đều được cơ quan ngoại giao, chính phủ nước họ bảo hộ. Họ có khó khăn là lên sứ quán kêu, còn kiều bào ta về Việt Nam làm ăn mà gặp khó thì không biết kêu ai. Vì vậy, để phát huy được sự đóng góp của kiều bào, Nhà nước cần bảo hộ bà con” - ông Tài Phương đề nghị.

Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch Trường nghề Việt Nam - Canada, cũng cho rằng, kiều bào luôn mong muốn Nhà nước bảo vệ quyền lợi người Việt Nam ở nước ngoài. “Hơn 4,5 triệu kiều bào, chưa kể lao động xuất khẩu. Hơn 4.000 doanh nghiệp là bà con Việt kiều, tổng đầu tư 5 - 6 tỷ USD. Kiều hối hàng năm rất lớn, năm 2012 lên tới 11,2 tỷ USD. Lực lượng trí thức có 2.000 người, đóng góp rất lớn cho Việt Nam. Đề nghị Hiến pháp nên bổ sung nội dung: Kiều bào đầu tư được hưởng quyền lợi như công dân Việt Nam. Họ phải được tạo điều kiện để tham gia một cách bình đẳng ở các hoạt động trong xã hội, kể cả tham gia hệ thống chính quyền chứ không chỉ là ở MTTQ như hiện nay. Hiện nay chúng ta luôn nói kiều bào là bộ phận không tách rời, nhưng thực tế chưa rõ ràng. Chúng tôi cần những quyền lợi, nghĩa vụ giống như những công dân trong nước và điều này phải được ghi rõ ngay trong Hiến pháp” - ông Nguyễn Hoài Bắc đề xuất.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục