Đại tướng ở lại mãi với dân tộc

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, một đại biểu Quốc hội được người dân yêu quý với một tính cách mạnh mẽ. Nhưng khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông lại có quá nhiều giây phút trầm tư vì thương tiếc Đại tướng. Với ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hình ảnh đại diện của Quân đội nhân dân Việt Nam, của ý chí cách mạng Việt Nam được cả thế giới ngưỡng mộ. “Ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ đời đời ghi nhớ, học tập. Với những người trong quân ngũ như chúng tôi, ông mãi mãi là thủ trưởng, chúng tôi là lính của ông” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.* Phóng viên:
Đại tướng ở lại mãi với dân tộc

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, một đại biểu Quốc hội được người dân yêu quý với một tính cách mạnh mẽ. Nhưng khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông lại có quá nhiều giây phút trầm tư vì thương tiếc Đại tướng. Với ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hình ảnh đại diện của Quân đội nhân dân Việt Nam, của ý chí cách mạng Việt Nam được cả thế giới ngưỡng mộ. “Ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ đời đời ghi nhớ, học tập. Với những người trong quân ngũ như chúng tôi, ông mãi mãi là thủ trưởng, chúng tôi là lính của ông” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.

* Phóng viên:
Ông đã có nhiều lần làm việc trực tiếp với Đại tướng?

* Trung tướng NGUYỄN QUỐC THƯỚC:
Lần đầu tiên tôi được trực tiếp gặp Đại tướng vào tháng 10-1974, khi đó tôi là thiếu tá - Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên, thay mặt Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội nhận lệnh cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Lúc bấy giờ, chúng tôi được phổ biến mệnh lệnh, quyết tâm của Bộ Chính trị là phải giải phóng cho được miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976 và nhấn mạnh thời cơ là năm 1975, mà muốn thực hiện được kế hoạch ấy thì phải giải phóng được Tây Nguyên. Bởi khi đó Tây Nguyên là địa bàn trọng yếu, thời Pháp xâm lược nước ta đã từng tuyên bố rằng nếu chiếm được Tây Nguyên thì sẽ chiếm được 3 nước Đông Dương.

Sau khi làm việc với Bộ Tổng tham mưu và nhận lệnh của Đại tướng Văn Tiến Dũng, tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng để nghe lệnh. Khi đó, Đại tướng mới điều trị ở Liên Xô về, sức khỏe đang yếu nên tôi báo cáo ngắn gọn, rành mạch tình hình chiến trường và nhiệm vụ đã nhận từ Đại tướng Văn Tiến Dũng. Sau khi nghe tôi báo cáo, Đại tướng hỏi thăm tôi tham gia chiến trường Tây Nguyên được bao nhiêu năm và đã ra Hà Nội mấy lần rồi (theo quy định cứ đi 3 năm thì được về thăm nhà 1 tháng). Tôi trả lời đã công tác trong chiến trường này được 10 năm và đây là lần đầu tiên ra Hà Nội. Đại tướng ngỡ ngàng khi nghe tôi nói và hỏi sao lâu thế? Tôi trả lời Đại tướng rằng những cán bộ chỉ huy đánh giặc giỏi luôn được cấp trên quan tâm giữ lại để chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi cho chiến trường. Nghe vậy, Đại tướng cười động viên: “Thôi, 10 năm dài lắm rồi, cố gắng chịu đựng nhé. Lần này cậu vào chiến trường nhưng sẽ không bao lâu nữa tớ sẽ cho cậu về nhà dài hơn”. Đại tướng không chỉ động viên tôi 1 lần mà tới 2 lần. Và quả thật chỉ ít lâu sau, chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi và tiếp tục giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm 1975. Vì vậy, cho đến giờ tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng về sự dự báo vô cùng tài tình của Đại tướng.

Hai ngày sau khi tôi chuẩn bị vào chiến trường, Đại tướng lại cho gọi chúng tôi vào một lần nữa. Tôi vừa đến, Đại tướng nói ngay: “Mọi nhiệm vụ và ý định tôi đã nói cả rồi, hôm nay tôi nhắc lại một vấn đề hết sức hệ trọng: đánh vào thành phố lớn Buôn Ma Thuột phải tổ chức một mũi thọc sâu bằng bộ binh cơ giới, thọc ngay vào sở chỉ huy của địch thì mới mong giải quyết được vấn đề. Đặc biệt, chiến dịch này là một chiến dịch lớn, tình hình như thế và sẽ diễn ra một cách nhanh chóng. Vì thế ngoài phương án ban đầu thì người Tư lệnh chỉ huy chiến dịch phải biết nắm lấy thời cơ và nhanh chóng hành động chứ không chỉ chờ lệnh của cấp trên”. Bây giờ nhiều lúc nhớ lại, tôi càng thấy nhận định của Bộ Chính trị khi ấy, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng vô cùng chính xác: Đó là phải giải phóng Tây Nguyên thì mới giải phóng được miền Nam.

Dưới nắng hanh cuối thu, dòng người vẫn kiên trì xếp hàng viếng Đại tướng tại số 30 phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Lã Anh

Dưới nắng hanh cuối thu, dòng người vẫn kiên trì xếp hàng viếng Đại tướng tại số 30 phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Lã Anh

* Sau lần đó, Trung tướng có nhiều dịp làm việc với Đại tướng nữa không?

* Nhiều chứ. Sau hòa bình, tôi về làm Tư lệnh Quân khu 4, Đại tướng lúc đó làm Phó Thủ tướng. Hồi đó Đại tướng nhiều lần vào thăm và làm việc với Quân khu 4, những chuyến về Quảng Bình, Quảng Trị tôi đều tháp tùng ông. Những lần gặp, tháp tùng và làm việc với Đại tướng có một điều tôi luôn khắc ghi là Đại tướng luôn nhắc nhở về vấn đề an ninh, quốc phòng, dù lúc đó trên cương vị Phó Thủ tướng, ông phải phụ trách các vấn đề liên quan đến kinh tế, khoa học. Đại tướng thường hỏi tôi: “Làm Tư lệnh Quân khu 4, cậu lo điều gì?”. Tôi trả lời: “Hòa bình rồi, quân đội cũng tham gia phát triển kinh tế, nhưng luôn phải chuẩn bị tốt lực lượng an ninh quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu”. Nghe vậy, Đại tướng rất hài lòng, nói: “Đúng, muốn nền quốc phòng toàn dân mạnh thì quốc phòng ở cơ sở phải mạnh”. Sau đó, Chính phủ đã nhân rộng mô hình xây dựng cơ sở quốc phòng vững mạnh, toàn diện.

Đại tướng cũng thường dặn tôi, Quân khu 4 muốn vững mạnh thì phải giúp nước bạn Lào chăm lo, củng cố quốc phòng. Lào mạnh thì Quân khu 4 sẽ mạnh. Lào mạnh thì Việt Nam cũng sẽ mạnh, vì vậy phải luôn giữ vững, đẩy mạnh quan hệ Việt - Lào. Nhiều lần tôi và anh em quân tình nguyện Lào - Việt đến chúc tết Đại tướng, Đại tướng đều nhắc nhở điều này. Ngay cả khi Đại tướng nằm viện, chúng tôi đến thăm ông thì ông cũng hỏi “Có giữ tốt quan hệ với bạn Lào không”. Đại tướng là thế, luôn chăm lo cho vấn đề quốc phòng an ninh của đất nước.

* Trong suốt những năm tháng được gặp, làm việc với Đại tướng, ông xúc động nhất điều gì?

* Tôi xúc động nhất là những lần Đại tướng về đơn vị thì không thích việc đón tiếp theo nghi lễ. Đại tướng nói, trừ những sự kiện phải theo nghi lễ còn không chỉ đón tiếp Đại tướng giản dị, gần gũi, không có khoảng cách giữa thủ trưởng và chiến sĩ. Những lần vào Quân khu 4, Đại tướng thường đi hết phòng này phòng khác, hỏi han hết từ người này đến người kia, hỏi han chuyện chồng con, lương hướng của mấy cô trong đơn vị. Sau đó Đại tướng quay sang căn dặn tôi: “Quân khu 4 phải chăm lo tốt cho anh em nhé”. Những lúc đó tôi thấy hiện lên hình ảnh của Bác Hồ. Bác Hồ cứ mỗi lần vào thăm Quân khu 4 cũng đều xuống các bếp ăn để xem cán bộ, chiến sĩ ăn uống thế nào. Đại tướng chính là học trò đích thực nhất, ưu tú nhất của Bác Hồ từ những điều đó, rất giản dị, gần gũi. Có lẽ, do có cả mấy chục năm làm việc ở cạnh Bác, Đại tướng đã sống tiếp thu trọn vẹn tinh hoa, đức độ của Bác Hồ. Đại tướng đã nhân văn như Bác Hồ.

* Hàng triệu người dân đang rưng lệ để tang Đại tướng, điều đó cho thấy đức độ của Đại tướng đã thấm đẫm vào dân?

* Nhiều người đã nói Đại tướng là một trong những tướng tài nhất thế kỷ 20 của cả thế giới, ngang với Alexander đại đế, Napoleon. Nhưng với riêng tôi thì những người đó họ chỉ giỏi về tài thao lược quân sự, còn Đại tướng của chúng ta ngoài một nhà quân sự đại tài còn là một nhà chính trị thiên tài, một nhà nhân văn tiêu biểu. Nhân văn - đó chính là sức hút lớn nhất của Đại tướng đối với 90 triệu dân Việt Nam hôm nay, bởi nếu chỉ là một vị tướng tài, có lẽ sự ra đi của ông đã không khiến cả đất nước phải rưng lệ như thế. Nhân dân đã khóc vì chính tài năng, đức độ, nhân cách của Đại tướng. Đại tướng đã tiếp thu được giá trị nhân văn của Bác Hồ, của dân tộc Việt Nam. Đó chính là giá trị vĩnh cửu. Vì vậy, cũng như Bác Hồ, Đại tướng tuy ra đi nhưng sẽ ở lại mãi với dân tộc.

"Cả cuộc đời của Đại tướng, như chúng ta đã thấy, ngoài những tấm hình, bức ảnh, bức trướng mừng thọ… mà nhân dân, bạn bè trong và ngoài nước tặng ông đang treo ở nhà riêng, Đại tướng chẳng có gì cả. Tôi đã từng nói với Đại tá Nguyễn Văn Huyên - thư ký của Đại tướng - là các anh phải nghĩ cách để hỗ trợ Đại tướng. Đại tá Nguyễn Văn Huyên đã cười bảo rằng: “Đại tướng chẳng cần gì cả. Tiền nhuận bút viết sách Đại tướng còn đem chia cho anh em chúng tôi”. Vậy đó, Đại tướng cả đời thích ăn cơm với cà, uống nước trắng, không bao giờ nghĩ gì cho riêng mình. Giản dị, khiêm nhường, lắng nghe người khác, thương dân. Như một vị thánh"

Trung tướng NGUYỄN QUỐC THƯỚC

LÂM NGUYÊN  

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Vũng Chùa - Đảo Yến trong một lần về thăm quê hương Quảng Bình lúc sinh thời.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Vũng Chùa - Đảo Yến trong một lần về thăm quê hương Quảng Bình lúc sinh thời.

Người dân Hà Nội đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: LÃ ANH

Người dân Hà Nội đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: LÃ ANH

 

Thông tin liên quan

>> Nghẹn ngào ở 30 Hoàng Diệu!

>> Nhân kiệt làng An Xá 

Tin cùng chuyên mục