Kiểm soát chi tiêu, tăng nguồn thu ngân sách

Ngân khố khó khăn, thu không đủ bù chi, phải vay nợ chi tiêu nhưng còn quá nhiều điều bất cập trong chi tiêu ngân sách hiện nay. Đó là nỗi lo lắng của nhiều đại biểu (ĐB) khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về ngân sách và phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) ngày hôm qua (2-11).
Kiểm soát chi tiêu, tăng nguồn thu ngân sách

Ngân khố khó khăn, thu không đủ bù chi, phải vay nợ chi tiêu nhưng còn quá nhiều điều bất cập trong chi tiêu ngân sách hiện nay. Đó là nỗi lo lắng của nhiều đại biểu (ĐB) khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về ngân sách và phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) ngày hôm qua (2-11).

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM): “Chi tiêu hiện nay theo kiểu “vung tay quá trán”, kỷ cương kỷ luật ngân sách chưa nghiêm”.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM): “Chi tiêu hiện nay theo kiểu “vung tay quá trán”, kỷ cương kỷ luật ngân sách chưa nghiêm”.

Nghịch lý: thu không đủ, chi “vung tay quá trán”

Theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), xét trên tổng thể, chưa bao giờ kinh tế Việt Nam có vị trí lớn như hiện nay nhưng tại sao ngân sách vẫn lâm vào cảnh “giật gấu vá vai”. Đi sâu vào phân tích, theo ĐB Trần Du Lịch, tăng chi, bội chi đã mang lại 2 tích cực: nâng chất lượng hạ tầng xã hội và giảm phân hóa giàu nghèo, nông thôn với thành thị. Nhưng chi tiêu cũng đang bộc lộ các hạn chế: thể chế về phân bổ ngân sách duy trì theo kiểu xin - cho quá lâu nên dẫn đến không hiệu quả; chi tiêu theo kiểu “vung tay quá trán”, nới rộng bộ máy, nhiều ghế khiến bộ máy phình ra, ngân sách “không chịu nổi”; kỷ cương kỷ luật ngân sách chưa được nghiêm.

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) lo ngại, trước việc tăng chi thường xuyên và bộ máy hành chính thời gian qua không giảm khi mà năm 2005 hai khoản chi này tăng lần lượt 25% và 8% thì đến năm 2012 đã tăng tương ứng 73% và 12%. Thực trạng quản lý chi tiêu đang diễn ra lỏng lẻo trong khi túi tiền quốc gia eo hẹp thì việc chi tiêu phải có kế hoạch. Lượng cán bộ, công chức, viên chức tăng lên nhưng thực tế chất lượng hoạt động còn nhiều hạn chế. Chia sẻ khó khăn với Bộ trưởng Bộ Tài chính về thu, chi ngân sách năm nay khác với “tình hình vui vẻ” của năm 2012, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội, Chính phủ khi bàn, thông qua luật, văn bản pháp luật cân nhắc không để bộ máy phình ra, tăng chi tiêu. “Cử tri nói với chúng tôi là nay cứ ra ngõ là gặp chủ tịch. Các hội thành lập quá nhiều hiện nay đang tiêu tốn một phần không nhỏ ngân sách nhà nước, do vậy cần xem lại cách thức tổ chức” - ĐB Lê Nam nêu.

Hoan nghênh việc Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ rà soát 3 tuyến cao tốc đã tiết giảm gần 15.000 tỷ đồng, ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) đề nghị, các dự án mà sắp sử dụng nguồn TPCP sắp tới cần rà soát chi phí nhân công, xăng dầu, xe, lễ khởi công, động thổ, thông xe... để từ đó tiết giảm hơn các chi phí không cần thiết. Với cách rà soát như trên thì kinh phí đầu tư cho dự án quốc lộ 1A và 14 có thể tiết giảm được khoảng lần lượt 6.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Cũng hoan nghênh việc rà soát, tiết kiệm được 15.000 tỷ đồng, ngăn được lãng phí, thất thoát trong xây dựng giao thông, theo ĐB Trần Du Lịch, nếu không có việc cắt giảm này, người dân tiếp tục phải đóng những đồng thuế cho các khoản chi vô lý. Do vậy, trong chi tiêu cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để ngăn ngừa lãng phí.

Về thu ngân sách, ĐB Trần Du Lịch ủng hộ quan điểm của Chính phủ về thu ngân sách cổ tức từ các doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chưa chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ để bù đắp ngân sách, đầu tư hạ tầng... ĐB Trần Du Lịch cũng đề nghị những giải pháp thu ngân sách này nên được đưa vào nghị quyết của Quốc hội khi mà việc “giải bài toán ngân sách không còn con đường nào”. ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định), Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) băn khoăn, đánh giá về hụt thu ngân sách của Chính phủ chủ yếu đề cập nguyên nhân như chuyển giá, gian lận thương mại, nợ đọng... nhưng lại cho rằng do khách quan và dự toán quá cao trong khi dự toán cũng do Bộ Tài chính, Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Theo các ĐB, cần phải nhìn nhận rõ yếu kém, tồn tại làm giảm thu ngân sách, bài học kinh nghiệm thì mới có thể đạt kết quả tốt năm sau. Còn ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đề nghị cần làm rõ các nguồn tăng thu từ: đất đai, dầu khí, chuyển giá, nợ thuế, quỹ nằm ngoài ngân sách... và nguồn giảm chi trong mua sắm, biên chế. “Những vấn đề này phần lớn phụ thuộc cơ quan ra chính sách, chỉ đạo. Do vậy, phải làm rõ từ trên xuống dưới, địa chỉ rõ ràng để quy trách nhiệm. Bởi nếu không, tình hình khó khăn, thực trạng yếu kém thời gian tới vẫn sẽ diễn ra như vậy, thậm chí có thể tăng thêm” - ĐB Cao Sỹ Kiêm nói.

Đồng thuận vay, băn khoăn trả

Dù các ĐB khi phát biểu đều đồng thuận với việc nâng bội chi từ 4,8% lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỷ đồng TPCP để đầu tư như phương án trình của Chính phủ, song hầu hết đều băn khoăn về nguồn thu để trả nợ. ĐB Trần Du Lịch lưu ý, với kế hoạch phát hành thêm 170.000 tỷ đồng TPCP thì theo tính toán, năm 2014 tổng TPCP huy động là khoảng 400.000 tỷ đồng và với kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước là nâng tín dụng lên 14%. Điều này sẽ gây lo ngại cho lạm phát. Bên cạnh đó, với việc huy động thêm TPCP, dù nợ công vẫn dưới 65% - ngưỡng được coi là an toàn - nhưng vấn đề là nguồn thu ngân sách hàng năm bao nhiêu trả nợ là đáng lo. Dù thừa nhận không cách nào khác ngoài nâng bội chi, phát hành thêm TPCP nhưng ĐB Cao Sỹ Kiêm cho rằng việc này sẽ làm khó cho lộ trình giảm bội chi ngân sách mà Quốc hội đã quyết định vào những năm sau cũng như đưa gánh nặng nợ công, trả nợ cho con cháu. ĐB Trần Quang Chiểu cũng lo ngại, tỷ lệ huy động về thuế, phí ngày càng giảm, nợ công tăng bất thường vượt xa các chỉ tiêu đưa ra trong nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Do vậy, điều cấp bách đặt ra là hoàn thiện căn cơ thu ngân sách, giảm bội chi ngân sách vì an ninh, an toàn tài chính quốc gia và không để lớp sau chỉ làm để trả nợ.

ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên - Huế) đề nghị Chính phủ cần giải thích rõ hơn các vấn đề để ĐB Quốc hội có thể bấm nút tự tin hơn trong kế hoạch phát hành TPCP. Đó là tại sao họp Chính phủ gần đây cho rằng năm nay thu ngân sách có thể đạt và nếu vậy, điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến bội chi; phát hành TPCP và nợ công ảnh hưởng thế nào đến kinh tế vĩ mô; đưa danh mục dự án sẽ đầu tư sử dụng TPCP công khai để hạn chế tiêu cực... “Địa phương nào cũng cần chi để phát triển nhưng chúng ta phải có kế hoạch trả nợ không chỉ hiện nay mà xa hơn và cần phải bàn kỹ. Vấn đề này liên quan đến nhiều thế hệ sau nên cần dành thêm thời gian để thảo luận kỹ hơn” - ĐB Hà Huy Thông chia sẻ.

  • Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh:

Việc sử dụng TPCP không có lợi ích nào khác ngoài sử dụng vốn hiệu quả nhất. Trong 170.000 tỷ đồng TPCP thì việc ưu tiên đầu tư cho quốc lộ 1A và 14 đã có danh mục chi tiết cho từng gói thầu. Chỉ duy nhất 1 dự án là dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Đây là dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn TPCP tại Nghị quyết 881/2010/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, chỉ có các dự án dở dang cần bổ sung vốn, không có dự án mới, ngoài danh mục Quốc hội đã quyết định giai đoạn 2011 - 2015. Trước đây có trên 1.400 dự án, sau khi rà soát nay còn hơn 800 dự án và Chính phủ cũng đã thông qua nguyên tắc bố trí vốn cho các công trình này. Sau khi thông qua danh mục sẽ tính toán ưu tiên bố trí vốn cho các dự án với thời gian cụ thể hoàn thành.

  • Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Trong vấn đề nợ đọng thuế có một số nguyên nhân như: do cơ chế chính sách, quản lý chưa chặt nên để một số đối tượng gian lận thuế; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn; doanh nghiệp chết nhưng không làm thủ tục phá sản nên không thể làm thủ tục xóa nợ; doanh nghiệp cố tình nợ thuế... Chính vì vậy, thời gian qua Bộ Tài chính đã tăng cường thanh tra, kiểm tra. Riêng 9 tháng đã thanh tra, kiểm tra 43.000 doanh nghiệp, truy thu 8.900 tỷ đồng; truy thu phạt 481 tỷ đồng từ các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác này.

NGỌC QUANG


Đề nghị giám sát thường xuyên
việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật

Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Tại tổ đại biểu (ĐB) Quốc hội TPHCM, một mặt ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật, mặt khác, các ĐB đã thẳng thắn chỉ ra nhiều nhược điểm cần khắc phục trong công tác này. “Cần dành đủ nguồn lực, cả về tài chính lẫn nhân lực cho công tác hết sức quan trọng này” - ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, vừa qua có những nội dung chỉ cần được điều chỉnh bằng văn bản dưới luật thì lại được nâng lên thành luật và ngược lại; vừa làm chậm tiến trình hoàn thiện pháp luật, vừa gây khó cho công tác triển khai, thi hành; trong khi lẽ ra “mục đích nào thì công cụ đó mới phù hợp”. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng ban hành quy phạm pháp luật thiếu trách nhiệm, không cân nhắc toàn diện tác động xã hội, mà chỉ muốn giành phần dễ cho công tác quản lý nhà nước - ĐB Trương Trọng Nghĩa bình luận và nêu một ví dụ điển hình là quy định cấp giấy CMND có ghi tên cha, mẹ của người được cấp...

ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) cũng bày tỏ sự không hài lòng trước tình trạng chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo; dẫn đến việc từ tháng 1-2013 đến nay, cơ quan chức năng không thể xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) chia sẻ sự lo ngại: “Có tới 51% luật đã có hiệu lực mà vẫn thiếu hướng dẫn, trong đó có những văn bản luật rất quan trọng như Bộ luật Lao động hay Luật Xử lý vi phạm hành chính”. ĐB Trương Thị Ánh đề nghị các ủy ban của Quốc hội đẩy mạnh công tác giám sát trong lĩnh vực này. Để khắc phục tình trạng này, ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) đề nghị từ nay trở đi, công tác giám sát ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết cần được coi là một nội dung thường xuyên tại các kỳ họp Quốc hội. Trong khi đó, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị tăng cường trách nhiệm phối hợp của các bộ ngành có liên quan trong công tác xây dựng pháp luật.

Đây cũng là băn khoăn của ĐB Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: “Nhiều khi chúng tôi có văn bản xin ý kiến gửi các cơ quan có liên quan nhưng không nhận được trả lời hoặc trả lời rất chậm”. Liên quan đến “phê bình” của Bộ Tư pháp về việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Điện lực sửa đổi (đã có hiệu lực từ tháng 7-2013), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận bộ đã có phần chậm trễ, song cho biết trong năm nay sẽ “trả hết các văn bản còn nợ”. Bộ trưởng nói: “Trong tổng số 10 văn bản cần có để hướng dẫn thi hành luật này có 2 nghị định của Chính phủ thì đều đã được ban hành. Có 3/4 quyết định của Thủ tướng và 3/4 thông tư thuộc thẩm quyền của bộ cũng đã được ban hành. 2 văn bản còn lại dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục