Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với sự chuyển hướng xây dựng lực lượng cách mạng tại các đô thị miền Nam

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với sự chuyển hướng xây dựng lực lượng cách mạng tại các đô thị miền Nam

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 – 1-1-2014)

LTS: Ngày 26-12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức hội thảo “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế”. Với hơn 60 tham luận, hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tìm hiểu và nhận thức những giá trị tinh thần và bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, niềm tự hào của dân tộc. Tại hội thảo này, Thường trực Thành ủy TPHCM đã có bài tham luận “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với sự chuyển hướng xây dựng lực lượng cách mạng tại các đô thị miền Nam”. Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận của Thường trực Thành ủy TPHCM nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 – 1-1-2014).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chính trị tài ba, nhà quân sự với tư duy chiến lược của Đảng, quân đội và nhân dân ta, Đại tướng tên thật là Nguyễn Vịnh sinh ngày 1-1-1914, quê làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự ở miền Nam (5-7-1967). Ảnh: T.L.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự ở miền Nam (5-7-1967). Ảnh: T.L.

Trong quá trình tham gia cách mạng của mình, từ một chiến sĩ cách mạng của quê hương Thừa Thiên - Huế, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chịu dựng cảnh tù đày đàn áp của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác được Đảng giao phó: Bí thư Chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Phân Khu ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Liên Khu ủy Liên khu IV. Sau đó, đồng chí được Đảng điều động vào quân đội, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương và đến năm 1959 đồng chí trở thành vị Đại tướng thứ 2 của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Khi cách mạng miền Nam chuyển sang một bước phát triển mới, trước yêu cầu cấp bách của chiến trường, Bộ Chính trị quyết định tăng cường cán bộ lãnh đạo cho Trung ương Cục, để tham gia việc xây dựng lực lượng vũ trang chủ lực và chỉ huy việc tác chiến. Bộ Chính trị nhất trí cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương và một số cán bộ cao cấp có kinh nghiệm đánh lớn như Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Đại tá Hoàng Cầm… vào miền Nam; tháng 10-1964, đoàn cán bộ lên đường vào Nam.

Lúc này, tại miền Nam, sau cao trào “Đồng khởi”, khí thế cách mạng lên rất cao. Đứng trước tình thế đó, Mỹ buộc phải thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với mục tiêu bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, thực hiện “tát nước bắt cá”, tách quần chúng nhân dân ra khỏi cách mạng bằng cách áp dụng “quốc sách ấp chiến lược”, lập 16.000 ấp chiến lược trên toàn miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, phong trào phá “Ấp chiến lược” phát triển mạnh mẽ, coi trọng đấu tranh chính trị của quần chúng, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với tiến công quân sự và binh vận. Do phát huy được sức mạnh tổng hợp, nên việc chống, phá ấp chiến lược trong giai đoạn này là một cuộc đấu tranh cách mạng không chỉ quyết liệt mà còn đầy tính sáng tạo, diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú, đem lại nhiều kết quả.

Tại Khu Sài Gòn - Gia Định, hàng loạt các phong trào đấu tranh chính trị nổ ra, từ tự phát tiến dần đến tự giác. Phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo, bắt đầu từ Huế rồi lan nhanh vào Sài Gòn, tới các đô thị miền Nam với đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 19-6-1963 của hơn 700.000 nhân dân Sài Gòn sau sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 10-6-1963 phản đối chính sách đàn áp của Diệm. Phong trào sinh viên - học sinh cũng phát triển mạnh mẽ, cùng với phong trào công nhân mà tiêu biểu là cuộc đấu tranh của công nhân ngành dệt ở 2 xí nghiệp Vimytex và Vinatexco. Tiếp đó là phong trào đấu tranh chống “Hiến chương Vũng Tàu”, với các cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra ở Sài Gòn và khắp các thành thị miền Nam, khiến chính quyền ngụy buộc phải thủ tiêu “Hiến chương Vũng Tàu”, rút chức Quốc trưởng tự phong của Nguyễn Khánh và chấp nhận nhiều yêu sách của quần chúng.

Song song đó, đấu tranh vũ trang ở nội thành cũng phát triển bằng kỹ thuật chiến thuật cao hơn, diệt Mỹ nhiều hơn; hàng loạt các trận đánh của biệt động thành ngay tại hang ổ đầu não của kẻ thù, đã gây rúng động chính quyền Sài Gòn và Lầu Năm Góc.

Với cao trào đấu tranh chính trị của nhân dân ta và các chiến thắng của lực lượng vũ trang, từ giữa năm 1964, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và dựa trên tình hình thực tế của chiến trường miền Nam, Trung ương Cục đã vạch ra kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa với mật danh “Kế hoạch X”, nhằm đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch giành thắng lợi cuối cùng. Tháng 6-1964, các bộ phận xây dựng kế hoạch này đã được hình thành gồm các đồng chí trong Quân ủy Miền và Chỉ huy trưởng Khu Sài Gòn - Gia Định; đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định gấp rút xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, quân sự.

Như vậy, cuộc đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang của quân dân miền Nam trong giai đoạn này đã từng bước đẩy “Chiến tranh đặc biệt” của địch đến chỗ thất bại hoàn toàn. Đến cuối năm 1964, tình hình chiến trường miền Nam đặt đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy trước một thất bại buộc phải thay đổi chiến lược, Mỹ đổ quân để tiến hành “Chiến tranh cục bộ”; điều đó đặt cách mạng miền Nam trước một yêu cầu mới, phải chuyển hướng xây dựng lực lượng để đánh bại “Chiến tranh đặc biệt” và chuẩn bị đương đầu với một chiến lược chiến tranh ở mức cao hơn của kẻ thù. Chính lúc này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vào chỉ đạo trực tiếp chiến trường miền Nam, với sự sáng suốt của một tư duy chiến lược thiên tài, đồng chí đã nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tiễn và lãnh đạo quân dân miền Nam tung đòn quyết định đánh bại “Chiến tranh đặc biệt”, cũng như chuẩn bị những tiền đề để đánh bại chiến lược chiến tranh tiếp theo của chúng: “Chiến tranh cục bộ”.

Sự chuyển hướng trong xây dựng lực lượng cách mạng

Thời gian Đại tướng Nguyễn Chí Thanh công tác tại miền Nam tuy không nhiều, chỉ gần 3 năm, nhưng đây chính là một trong những giai đoạn ác liệt nhất và là giai đoạn cách mạng miền Nam chuyển biến mạnh mẽ cả về quân sự, chính trị. Trong đó, đặc điểm nổi bật nhất chính là sự chuyển hướng trong xây dựng lực lượng cách mạng. Cụ thể là xây dựng lực lượng vũ trang Miền tiến lên đánh lớn, đồng thời xây dựng các lực lượng chính trị và quân sự tại các đô thị.

Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng vũ trang Miền đã có một bước phát triển mạnh mẽ; đặc biệt là sự hình thành của các sư đoàn chủ lực Miền (Sư đoàn 9 và Sư đoàn 5 cùng ra đời trong năm 1965). Thế và lực của chúng ta trên chiến trường đã có sự thay đổi một cách căn bản, ta chuyển từ các trận đánh nhỏ cấp tiểu đoàn lên các trận đánh lớn cấp trung đoàn và cấp sư đoàn (1); tại hội nghị tổng kết chiến dịch Đồng Xoài (1965), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu rõ “Hai quả đấm của chúng ta ở hai vùng chiến lược chỉ trong vòng 9 tháng thôi, về số lượng 2 quả đấm đó đã tăng gấp đôi. Như thế chúng ta đã mạnh hơn trước rất nhiều. Gấp đôi bây giờ lại có chất lượng khá, có kinh nghiệm” (2). Liên tiếp các thắng lợi của quân dân miền Nam, từ Bình Giã (1964), Ba Gia (1965) và Đồng Xoài (1965), quân dân ta đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Còn đối với đô thị, nếu như trong phong trào “Đồng khởi” với trọng tâm của cách mạng là nông thôn, thì đến lúc này trọng tâm đã được chuyển hướng vào các đô thị trong đó quan trọng nhất là Khu Sài Gòn - Gia Định. Với sự chuyển hướng đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục, đi khảo sát tình hình Khu Sài Gòn - Gia Định, cùng Khu ủy chỉ đạo kế hoạch chuẩn bị tiến công quân sự vào một số mục tiêu quan trọng trong thành phố, kết hợp với nổi dậy của quần chúng, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch. Đến tháng 4-1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trì Hội nghị Cán bộ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tại Suối Dây (Tây Ninh) để nhận định tình hình tại chỗ và quyết định các phương án thực hiện “Kế hoạch X”. Cả Mỹ và ngụy đều không thể ngờ rằng, một Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, vị lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam lại đến tận hang ổ của chúng để nắm bắt thực tiễn của chiến trường từ đó có những chỉ đạo thật sát đúng đối với phong trào cách mạng.

Sau hội nghị này, để tăng cường công tác tổ chức, Trung ương Cục quyết định tăng số cấp ủy viên Khu Sài Gòn - Gia Định từ 13 lên 31 đồng chí. Cơ quan đầu não của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được bố trí lại, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Khu ủy.

Về mặt tổ chức lực lượng, địa bàn Khu Sài Gòn - Gia Định được chia làm 5 phân khu, mỗi phân khu bao gồm một phần đất nông thôn và một phần đất thành thị. Cụ thể là phân khu Củ Chi, phân khu Gò Môn, phân khu Thủ Dĩ, phân khu Nhà Bè do các đồng chí Khu ủy viên làm Bí thư phân khu. Bên cạnh đó, thành lập Ban Cán sự nội thành do đồng chí Trần Bạch Đằng làm Bí thư để phụ trách các ban ngành, đoàn thể. Tổ chức các ban ngành đoàn thể được gọi là “cánh” như cánh Hoa vận, cánh Phụ vận, cánh Quân sự… mỗi cánh có một Ban Cán sự Đảng do từ một đến hai đồng chí Khu ủy viên phụ trách.

Trong lúc “Kế hoạch X” đang được tiến hành thực hiện thì đến giữa năm 1965, chiến lược của Mỹ đã có sự chuyển biến, thay đổi căn bản tình hình của chiến trường miền Nam. Tháng 3-1965, Mỹ đổ 2.500 quân vào bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng và đến tháng 5-1965, đơn vị chiến đấu đầu tiên của Mỹ đã vào chiến trường Đông Nam bộ (Lữ đoàn Dù 173). Việc Mỹ và chư hầu đổ quân vào miền Nam đã chính thức đặt dấu chấm hết cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đã chấp nhận thất bại trong chiến lược này và bắt buộc phải chuyển sang chiến lược chiến tranh mới: “Chiến tranh cục bộ”. Đúng như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhận định: “Việc Mỹ ồ ạt đưa vào miền Nam gần 20 vạn quân viễn chinh trong năm 1965 có nghĩa là Mỹ phải thú nhận là 50 vạn quân ngụy không còn có thể đương đầu với cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam nước ta, như thế cũng có nghĩa là chiến tranh nhân dân ở miền Nam nước ta đã thắng “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trong giai đoạn mà chúng lấy quân ngụy làm chỗ dựa chủ yếu” (3).

Phương án đánh thắng địch bằng “Kế hoạch X” trong “Chiến tranh đặc biệt” đã không còn điều kiện thực hiện nữa. Song các bước xây dựng lực lượng vẫn tiếp tục được tiến hành nhằm phục vụ yêu cầu mới của cách mạng, tạo những tiền đề vững chắc cho các giai đoạn tiếp theo. Lúc này, việc xây dựng lực lượng của ta tại Khu Sài Gòn - Gia Định với mục tiêu về chính trị là xây dựng lực lượng của các ngành, đoàn thể làm nòng cốt cho phong trào nổi dậy của quần chúng; về quân sự xây dựng các đội biệt động mạnh đủ sức đánh chiếm các mục tiêu chiến lược và xây dựng cho được 5 tiểu đoàn mũi nhọn bố trí theo 5 hướng từ ven đô vào, hỗ trợ đắc lực cho phong trào quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở các khu vực trong thành phố.

Phục vụ cho yêu cầu đó, tháng 6-1965, Khu ủy và Quân khu Sài Gòn - Gia Định thành lập Đoàn biệt động lấy mật danh là F100 do đồng chí Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) làm Chỉ huy trưởng. Trong đội hình F100 có 12 đơn vị chiến đấu (9 đơn vị nội thành và 3 đơn vị ven đô) và 2 đơn vị bảo đảm là A20 (vận chuyển vũ khí), A30 (phụ trách cất giấu vũ khí). Chính từ tính chất chiến trường đặc biệt là trung tâm đầu não, hang ổ của kẻ thù, nên ta đã tổ chức ra một lực lượng vũ trang đặc biệt. Biệt động Thành là một đội quân tinh nhuệ, gan góc, mưu trí, dũng cảm, đây là đội quân hoạt động bí mật, không quân phục, quân hàm quân hiệu, chỉ có trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.

Lực lượng Biệt động Thành được tổ chức gọn nhẹ, dựa trên những chiến sĩ giàu kinh nghiệm am hiểu tình hình đô thị, có thể độc lập tác chiến; song song đó, lực lượng đặc biệt này liên tục được phát triển trong các đoàn thể quần chúng, tạo thành đội quân tác chiến thường xuyên, có mặt trên khắp các địa bàn của Sài Gòn. Để sống, chiến đấu và hoàn thành những nhiệm vụ được giao thì đội quân này đã dựa vào nhân dân, các cơ sở cách mạng, các “lõm chính trị” trong nội thành.

Đánh địch trong thành phố là tự vận động sáng tạo, sẵn sàng hy sinh, đối mặt với kẻ thủ mạnh hơn về quân sự, phải sử dụng cách đánh đặc biệt, vô cùng linh hoạt, dùng lực lượng ít đánh kẻ thù nhiều, tạo ra những yếu tố bất ngờ, “xuất quỷ nhập thần” với những mệnh danh như “Những thiên thần đường phố”, “Chim sắt”, “Tên lửa”, “Rồng đỏ”… tiến công vào những nơi hiểm yếu nhất mà kẻ thù không tưởng tượng được. Với trang bị vũ khí gọn nhẹ, sử dụng mọi phương tiện sẵn có và tận dụng cả vũ khí, trang bị của kẻ thù, lực lượng Biệt động Thành đã đánh những trận long trời lở đất gây ra bao nỗi kinh hoàng đối với kẻ thù. Thể hiện sự nhanh trí, sáng suốt, táo bạo và nêu cao tinh thần dũng cảm. ­Đây cũng chính là lực lượng tại chỗ đóng vai trò chủ công tấn công vào các cơ quan đầu não của địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Đồng Xoài tháng 9-1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã xác định nhiệm vụ của cách mạng lúc này gồm 3 nội dung: “Nội dung thứ nhất là quân sự, trong quân sự thì lấy việc tiêu diệt địch làm chính. Nội dung thứ hai là phát động cuộc đấu tranh chính trị khắp ở thôn quê và thành phố, nhất là thành phố. Nội dung thứ ba là tiến hành công tác binh vận làm cho ngụy binh tan rã về tinh thần và tổ chức” (4).

Như vậy, đồng chí đã xác định rõ, cần chuẩn bị một lực lượng chính trị đông về lượng, vững vàng về chất, một lực lượng vũ trang đủ mạnh để có thể tiến công địch ngay tại sào huyệt của chúng, đồng thời đẩy mạnh công tác binh vận, đây cũng chính là 3 mũi giáp công trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, trung tâm đầu não, hang ổ của Mỹ - ngụy. Tư tưởng về 3 mũi giáp công đã thể hiện tư duy chiến lược quân sự thiên tài của đồng chí. Ba mũi giáp công trở thành phương châm chiến lược của cách mạng miền Nam, để lại bài học quý cho cách mạng Việt Nam.

Tổng kết thực tiễn, đẩy mạnh tiến công

Từ sau Hội nghị Suối Dây, thực hiện việc xây dựng lực lượng cách mạng theo sự chuyển hướng của Trung ương Cục, thực lực cách mạng của Đảng bộ Khu Sài Gòn - Gia Định được phát triển khá nhanh. Từ tháng 4-1965 đến tháng 4-1966, đảng viên, đoàn viên, hội viên đoàn thể tăng rất mạnh, quần chúng cảm tình tích cực cũng tăng lên nhiều. Lực lượng vũ trang ba thứ quân đều phát triển nhanh. Ngoài Tiểu đoàn Quyết thắng là đơn vị chủ lực của khu, các cánh đều có tiểu đoàn quân địa phương và các xã đều có các đơn vị du kích tập trung từ tiểu đội đến trung đội. Ở các xã, ấp còn bị địch kềm kẹp, đều có du kích mật và tự vệ mật.

Thắng lợi trong cuộc phản công mùa khô 1965 - 1966, đã tạo nhiều chuyển biến tích cực cho tình hình cách mạng miền Nam, quân dân ta đã đánh và đã thắng Mỹ trên chiến trường, phong trào chính trị và quân sự phát triển mạnh mẽ tại các đô thị. Ngày 1-5-1966, Thường vụ Trung ương Cục đã ra chỉ thị về phong trào đấu tranh ở đô thị, trong đó Trung ương Cục dự đoán “Tình hình rối loạn hiện nay của địch không phải là một hiện tượng khủng hoảng bình thường mà là một bước chuyển biến quan trọng mở ra cho thời kỳ địch khủng hoảng mới toàn diện, nghiêm trọng, kéo dài không thể khắc phục được” (5), tuy nhiên Trung ương Cục cũng xác định “Cần nhận rõ hiện nay chưa phải lúc quần chúng có thể khởi nghĩa giành chính quyền” (6).

Với sự chuyển hướng xây dựng lực lượng cách mạng, lực lượng cách mạng miền Nam đã có được một sự phát triển vượt bậc cả về lực lượng chính trị lẫn quân sự. Với cương vị là người trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đánh giá, tổng kết thực tiễn phát triển của cách mạng miền Nam báo cáo với Bộ Chính trị để Bộ Chính trị thảo luận và xác định mục tiêu tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa nhằm giành thắng lợi cuối cùng khi thời cơ thuận lợi. Tháng 1-1967, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III ra nghị quyết nhấn mạnh: “Chủ trương của Đảng ta là trên cơ sở nắm vững phương châm đánh lâu dài, cần phải động viên và tập trung lực lượng của cả nước, cố gắng cao độ, đập tan âm mưu của địch; giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn; đồng thời tích cực chuẩn bị sẵn sàng đánh thắng địch trong trường hợp chiến tranh kéo dài hoặc mở rộng ra cả nước” (7).

Tiếp sau đó, ta lại giành thắng lợi vang dội trong cuộc phản công mùa khô 1966 - 1967 của địch, tháng 5-1967, Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 5 ra nghị quyết nêu rõ “Về công tác đô thị: đây được xem là đặc biệt quan trọng trong thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương. Nhiệm vụ cụ thể là chuẩn bị lực lượng tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa” (8). Sau khi thực hiện chuyển hướng xây dựng lực lượng, tình hình cách mạng miền Nam đã có một sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng có lợi cho ta. Ta giành được thế chủ động trên chiến trường, lực lượng cách mạng tại các đô thị đã có được một sự phát triển mạnh mẽ và liên tiếp giành những thắng lợi hết sức to lớn.

Trên chiến trường ta đã đánh bại hai cuộc phản công mùa khô của địch, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là tại các đô thị. Tại Khu Sài Gòn - Gia Định, cuộc đấu tranh cách mạng cả quân sự lẫn chính trị đã đạt đến một tầm cao mới.

Về đấu tranh quân sự, tháng 6-1965, Tiểu đoàn Quyết thắng của khu chuyển về chiếm lĩnh các vị trí quanh thành phố, chịu trách nhiệm từng mục tiêu chiến đấu trong trung tâm. Đoàn Biệt động F100 sau khi thành lập đã liên tiếp đánh vào các cơ quan đầu não của địch. Sáng ngày 16-8-1965, Đội 5, F100 tấn công vào Tổng nha Cảnh sát, tiêu diệt và làm bị thương 150 tên. Ngày 4-12-1965, Đội 5, F100 lại đánh vào khách sạn Metropole cao 7 tầng nằm ở góc đường Nguyễn Cư Trinh - Trần Hưng Đạo, các chiến sĩ đặc công đánh chìm một đoàn tàu tuần tiễu của quân đội Sài Gòn. Đêm 30-12-1965, 12 chiến sĩ của Đội 2, F100 đã tập kích khu hậu cần của Mỹ vừa được xây dựng ở Ngã tư Bảy Hiền.

Trong đó đặc biệt là trận pháo kích vào lễ “Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa” (1-11) của Nguyễn Văn Thiệu tại quảng trường Nhà thờ Đức Bà, có mặt Cabot Lodge, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, đại sứ các nước và nhiều nhân vật quan trọng. Pháo binh của ta đặt ở khu vực Nhà Bè và pháo binh của Bộ đội Rừng Sác đặt ở Thủ Thiêm đã lần lượt nã pháo bắn tổng cộng 24 phát vào khu lễ đài.

Các đội biệt động thuộc các cánh của đoàn thể cũng tăng cường hoạt động. Trong 5 tháng mùa mưa năm 1967, đội biệt động của cánh Hoa vận đã đánh 21 trận. Nhiều tên phản động lần lượt phải đền tội.

Tại vùng ven, các đơn vị vũ trang nhân dân giữ vững thế chủ động tiến công. Trong 3 tháng 7, 8 và 9-1967, Tiểu đoàn Quyết thắng đã phối hợp với quân địa phương và du kích Củ Chi đánh nhiều trận, đặc biệt là tập trung đánh những đoàn xe cơ giới của địch đi ủi phá xóm làng, phá hủy hàng trăm xe địch ở Bàu Tròn, Bàu Kính, Bàu Mây, Bàu Lách.

Về đấu tranh chính trị, vào những tháng cuối năm 1967, nội dung, hình thức phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ở nội thành phát triển ngày càng đa dạng và phong phú. Trong đó nổi bật là sự kiện ngày 16-5-1967, nhân ngày Phật đản thứ 2.511, cô giáo Nhất Chi Mai (9) đã tự thiêu trước sân chùa Từ Nghiêm (Sài Gòn) để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. “Ngọn lửa Nhất Chi Mai” đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh chống Mỹ.

Phong trào học sinh - sinh viên ngày càng phát huy mạnh mẽ, phong phú, đa dạng, hòa nhịp với cuộc đấu tranh không ngừng của các tầng lớp nhân dân. Các phong trào đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc, bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm phụ nữ, bảo vệ tinh thần thanh thiếu niên Việt Nam trước ảnh hưởng của văn hóa thực dân mới và lối sống sa đọa kiểu Mỹ, ngày càng thu hút hàng chục vạn quần chúng tham gia, với ý thức độc lập dân tộc và tự do dân chủ ngày càng cao.

Bên cạnh đó, một tổ chức mới ra đời với tên là “Lực lượng quốc gia tiến bộ” tập hợp đông đảo các tầng lớp trí thức, nhân sĩ, tín đồ các tôn giáo, trong đó có nhiều viên chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn, cùng đấu tranh cho yêu cầu hòa bình, dân chủ và quyền tự quyết của dân tộc, chĩa mũi nhọn vào bọn xâm lược Mỹ và nội các của Thiệu - Kỳ.

Phong trào đấu tranh chính trị tại Khu Sài Gòn - Gia Định phát triển ngày càng có chiều sâu, lan tỏa trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân, gây dựng những cơ sở vững chắc, xây dựng các kho chứa vũ khí, các địa điểm đặt sở chỉ huy ngay trong lòng địch, về quân nhu cũng đã xây dựng được 19 “lõm chính trị” với 325 gia đình, tạo tiền đề vững chắc cho những bước chiến lược sau này.

Đến cuối năm 1967, sau 3 năm tham chiến tại Việt Nam, Mỹ sa lầy. Qua 2 mùa khô 1965 - 1966 và 1966-1967, dù đã triển khai hàng loạt chiến dịch lớn như Cedar Fall, Attleboro, Junction City nhưng Mỹ vẫn không thu được thắng lợi khả quan nào. Ngược lại, quân dân miền Nam càng đánh càng mạnh, lực lượng cách mạng phát triển, hàng loạt các bài học kinh nghiệm đánh Mỹ đã được tổng kết như “Vành đai diệt Mỹ”, “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “10 kinh nghiệm đánh Mỹ của Củ Chi”; song song đó là các phong trào thi đua sôi nổi “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”…

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 1 năm 1968 đã đánh giá những bước phát triển của lực lượng chính trị và quân sự trên toàn miền Nam nói chung và tại đô thị nói riêng vào thời điểm cuối năm 1967 như sau: “Lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử chiến tranh giải phóng của ta... Ở chung quanh các thành thị và ngay cả ở từng bộ phận của một số thành thị, ta cũng đang mở rộng quyền làm chủ với những mức độ khác nhau” (10).

* * *

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo linh hoạt và hiệu quả của Trung ương Cục miền Nam mà người chỉ đạo trực tiếp là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Những thắng lợi của cách mạng miền Nam trong giai đoạn này không thể tách rời với tư duy chiến lược của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên cả hai mặt, trực tiếp chỉ đạo và tổng kết thực tiễn. Trong các năm từ 1964 - 1967, quân dân miền Nam đã đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch, xây dựng một lực lượng vũ trang vững mạnh, kết hợp với một phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ mà trọng tâm là tại các đô thị, đặt những tiền đề về quân sự và chính trị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của địch.

Không những vậy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là người tổng kết một cách nhanh chóng thực tiễn cách mạng, báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, cũng như góp phần đề ra đường lối, chủ trương của cách mạng miền Nam. Thông qua các cuộc họp Bộ Chính trị, các Hội nghị Trung ương 11, 12, 13; Bộ Chính trị, Trung ương Đảng từng bước đi đến quyết tâm: “động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi cao nhất” (11) và vào tháng 1-1968, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương chính thức thông qua kế hoạch thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Mỹ đã buộc phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán kết thúc chiến tranh với ta; mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng miền Nam, giai đoạn tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong lúc các phương án chuẩn bị cho năm 1968 đã đi gần đến những bước quyết định cuối cùng thì ngày 6-7-1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời khi đồng chí đang chuẩn bị trở lại chiến trường miền Nam. Sự ra đi của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một mất mát to lớn của Đảng và nhân dân ta nói chung và của cách mạng miền Nam nói riêng.

Những cống hiến xuất sắc, to lớn của Đại tướng trong sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam; đem hết tài năng và nghị lực để phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng, đã góp phần tô thắm lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cuộc đời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại cho chúng ta những bài học hết sức sâu sắc, đó là đạo đức cách mạng sáng ngời, là bài học sâu sát, gần gũi và tin tưởng nhân dân, là lối sống chan hòa, giản dị với nhân dân, với đồng đội, đồng chí, bất kể đó là một sĩ quan cao cấp, một nhà lãnh đạo hay một người lính bình thường và hơn hết Đại tướng đã để lại cho cách mạng miền Nam, cho Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh một tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân; một tinh thần bám sát thực tiễn, tiến công cách mạng, năng động, sáng tạo trong việc xây dựng các chủ trương, quyết sách và chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi.

Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu mãi mãi tự hào về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo đầy tài năng, một tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, lập trường giai cấp kiên định, tinh thần cách mạng triệt để, chiến đấu không mệt mỏi để giành thắng lợi cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chân lý, không lùi bước trước gian nguy, thử thách, luôn nêu cao khí phách của người cộng sản.

Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đến Đại tướng, nhà lãnh đạo quân sự và chính trị tài ba của Đảng, quân đội và nhân dân ta.

____________

(1) Trận Bàu Bàng ngày 12-11-1965, được xem là trận đánh cấp sư đoàn đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam, Sư đoàn 9 chủ lực Miền tập kích Lữ đoàn 3 bộ binh, Sư đoàn 1 Mỹ.

(2)Bài nói chuyện của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Đồng Xoài, Tài liệu lưu trữ Ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quân khu 7, tr.15

(3) Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, năm 1977, trang 471

(4)Bài nói chuyện của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Đồng Xoài, Tài liệu lưu trữ ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quân khu 7, tr.23

(5) Học viện Chính trị Quốc gia - Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954 - 1975), Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 541

(6) Học viện Chính trị Quốc gia - Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954 - 1975), Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 542

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, NXB CTQG, Hà Nội 2003, tr.173, 174

(8) Học viện Chính trị Quốc gia - Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954 - 1975), Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 583

(9) Tên khai sinh của cô là Phan Thị Mai (1934 - 1967), hiệu là Nhất Chi, thường gọi là Nhất Chi Mai, sinh ở xã Thái Hiệp Thành (Tây Ninh). Tốt nghiệp Trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn (1956), Đại học Văn khoa Sài Gòn (1964), Cao đẳng Phật học Vạn Hạnh (1966), dạy ở Trường Tiểu học Tân Định, giàu lòng yêu nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, NXB CTQG, Hà Nội, 2003

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, NXB CTQG, Hà Nội, 2003, tr.50.

Thường trực Thành ủy TPHCM

Tin cùng chuyên mục