Chính quyền đô thị TPHCM - Đột phá để phát triển. Bài 3: Đảm bảo mô hình chuẩn và chất

Với những điểm tiến bộ, chính quyền đô thị (CQĐT) được kỳ vọng là mô hình quản lý có thể phát huy được thế mạnh của TPHCM, cũng như chăm lo mọi mặt đời sống người dân tốt hơn. Mong muốn Đề án thí điểm CQĐT TPHCM mang tính khả thi cao, hạn chế thấp nhất những điểm vướng mắc, khó khăn có thể phát sinh khi áp dụng trên thực tế, nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng bộ máy chính quyền cần được thiết kế rõ ràng hơn với những quy định cụ thể và hoàn chỉnh.
Chính quyền đô thị TPHCM - Đột phá để phát triển. Bài 3: Đảm bảo mô hình chuẩn và chất

Với những điểm tiến bộ, chính quyền đô thị (CQĐT) được kỳ vọng là mô hình quản lý có thể phát huy được thế mạnh của TPHCM, cũng như chăm lo mọi mặt đời sống người dân tốt hơn. Mong muốn Đề án thí điểm CQĐT TPHCM mang tính khả thi cao, hạn chế thấp nhất những điểm vướng mắc, khó khăn có thể phát sinh khi áp dụng trên thực tế, nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng bộ máy chính quyền cần được thiết kế rõ ràng hơn với những quy định cụ thể và hoàn chỉnh.

        Con người - yếu tố then chốt

Một trong những mục tiêu của việc xây dựng thí điểm mô hình CQĐT là khắc phục được tình trạng quan liêu, xa rời dân, để nền hành chính không còn “hành là chính”; xây dựng bộ máy quản lý hành chính nhà nước chuyên nghiệp, tinh gọn; hình thành bộ máy hành chính mang tính chất phục vụ cho lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Tuy vậy, mô hình dù hoàn thiện đến đâu cũng chỉ là bộ khung, quan trọng hơn cả là yếu tố con người. Điều này đòi hỏi đội ngũ công chức có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ, năng lực cao, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Bà Trần Thị Thanh Diệu (nguyên Ủy viên Thường trực HĐND TPHCM) cho rằng muốn như vậy, công tác cán bộ phải thật sự đổi mới. Tiêu chí đầu tiên đối với cán bộ phải chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn và yêu nghề; bởi chỉ có yêu nghề thì mới chịu đầu tư cho công việc, nâng cao trình độ. Ông Lê Văn Kiến (nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An) cho rằng cần đặc biệt quan tâm công tác tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo lại đội ngũ cán bộ để đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Nhưng đi đôi với yêu cầu này cũng phải có sự chăm lo thiết thực đời sống đội ngũ công chức. Ông Trương Văn Đa (nguyên Phó Chủ tịch HĐND TPHCM) nêu vấn đề: “Có chạy theo tăng lương thì cũng không thể dùng đồng lương giữ chân cán bộ tốt. Vì lương không thể tăng kịp với đà tăng giá điện, nước, xăng dầu, viện phí, học phí... và càng không thể bằng mức thu nhập tại các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta phải có những chính sách để cán bộ, công chức thấy rằng dù tiền lương ít nhưng họ được quan tâm và được hưởng những điều mà làm việc ở ngoài không thể có được, chẳng hạn như được cấp thẻ BHYT 100%, con cái được Nhà nước hỗ trợ học phí 50%...”. Từ đó, theo PGS-TS Mai Hồng Quỳ (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM), để tăng thêm phần thuyết phục, trong đề án nhất thiết phải có thêm phần về nhân sự.

Một trong những nội dung quan trọng khác được phân tích, góp ý là quy định trong đề án về việc chủ tịch UBND các cấp không nhất thiết phải là ủy viên HĐND cùng cấp. Ông Đồng Văn Khiêm cho rằng quy định này chưa hợp lý bởi người đứng đầu chính quyền phải do dân bầu ra mới đảm bảo bản chất của chính quyền là của dân, do dân và mục tiêu vì dân.

Một khu nhà ở xã hội khang trang, hiện đại tại quận 12, TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Một khu nhà ở xã hội khang trang, hiện đại tại quận 12, TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

        Lý giải cụ thể về độ vênh pháp luật

Việc xây dựng mô hình CQĐT là thực hiện thí điểm, do đó chắc chắn sẽ có những vấn đề không tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành. Qua rà soát sơ bộ, nếu thực hiện mô hình CQĐT sẽ “xung đột” 102 luật, pháp lệnh; trong đó đáng lưu ý có Luật Tổ chức HĐND - UBND, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân… Để giải quyết vướng mắc này, PGS-TS Mai Hồng Quỳ đề nghị TPHCM phải chuẩn bị sẵn một tờ trình để lý giải vì sao đề án lại “vênh” như vậy với các văn bản pháp luật này, trong đó đánh giá mặt được và mặt chưa được của các văn bản cũ. PGS-TS Mai Hồng Quỳ phân tích: “Đề án chúng ta đưa ra vênh với các văn bản cũ là vì thật sự các quy định trong các bản cũ đã lạc hậu. Nói như vậy không phải để bào chữa, nhưng cần phải nhìn nhận rằng trong số 102 văn bản xung đột, có nhiều văn bản bị lỗi thời. Vấn đề là chúng ta phải chứng minh được điều đó, phải lý giải được đề án “vênh” vì các văn bản này cũ, lạc hậu hay do đề án chúng ta quá mới? Nếu không làm được điều này sẽ tạo nên sự nghi vấn của các nhà phản biện, từ đó người khác sẽ thấy không yên tâm về đề án”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Ung Thị Xuân Hương (Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM) lấy thực tiễn trong thời gian qua, tại TPHCM cũng đã tổ chức một số vấn đề thí điểm khi chưa có quy định của pháp luật như đề án quản lý sau cai nghiện ma túy tại TPHCM, thí điểm chế định thừa phát lại, thí điểm thành lập thanh tra xây dựng cấp huyện, cấp xã. Quá trình thực hiện thí điểm cũng vướng về cơ sở pháp lý nhưng với quyết tâm cao của chính quyền TP, thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành trung ương và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân TP nên việc thí điểm đều đạt được kết quả khả quan. Vì thế, khi Đề án thí điểm CQĐT TPHCM được Quốc hội phê duyệt, cùng với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (dự kiến Quốc hội sẽ thông qua vào tháng 10 năm nay) thì đây sẽ là cơ sở pháp lý để sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật có liên quan. “Chắc chắn thời gian đầu sẽ gặp một số khó khăn vì việc sửa đổi, bổ sung luật có thể kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn; nhưng với truyền thống của TPHCM là năng động, sáng tạo, đồng thời với mục tiêu xây dựng CQĐT “của dân, do dân và vì dân”, tôi nghĩ rằng việc thí điểm cũng sẽ thành công như mong muốn”, bà Ung Thị Xuân Hương tin tưởng nói.

Dẫu vẫn còn những điểm cần hoàn thiện, nhưng với nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp, Đề án thí điểm CQĐT TPHCM sẽ được chỉnh sửa, bổ sung trước khi trình tại kỳ họp Quốc hội. Để tương lai không xa, TPHCM sẽ phát triển năng động hơn nhờ một mô hình quản lý phù hợp. Đã đến lúc TPHCM phải được thay “chiếc áo” mới tương xứng với vóc dáng của mình!

ÁI CHÂN - VÂN ANH - HỒNG HIỆP

- Thông tin liên quan:

>> Nhận diện chính quyền đô thị

Tin cùng chuyên mục