Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Phát triển kinh tế tự chủ, bền vững

Sáng nay, 2-6, Quốc hội tiến hành thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.
Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Phát triển kinh tế tự chủ, bền vững

(SGGPO). – Sáng nay, 2-6, Quốc hội tiến hành thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đông đảo người dân theo dõi.

Đồng tình với báo cáo về kinh tế - xã  của Chính phủ và thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng hiện xu hướng ổn định của nền kinh tế vẫn chưa vững chắc, doanh nghiệp còn khó khăn, nguy cơ nợ công còn tiềm ẩn… Nhắc tới vấn đề thời sự gần đây, ĐB Vũ Chí Thực nói: “Tình hình ở Biển Đông gần đây nhắc nhở chúng ta phải xây dựng nền kinh tế tự chủ. Chúng ta cần kiên trì đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời tính đến cả phương án kiện ra toà án quốc tế. Chúng ta cần tăng cường tiềm lực, trang bị cho lực lượng công an, quân đội”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) bày tỏ sự tán thành và ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp liên quan đến diễn biến Biển Đông mà Đảng và Nhà nước đã và đang triển khai. Nhờ các giải pháp đó, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ của các nước trên thế giới, lòng tin của các nhà đầu tư. “Chính nghĩa không bao giờ đơn độc, Việt Nam không bao giờ đơn độc. Chúng tôi mong muốn Quốc hội đồng lòng phát huy tinh thần yêu nước, tăng cường đoàn kết để thống nhất hành động” – ĐB Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh.

Phân tích sâu hơn về các cơ hội về hội nhập đang mở ra cho kinh tế đất nước, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) khẳng định kỳ họp lần này của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Đất nước chuẩn bị đón nhận các cơ hội về hội nhập khi các hiệp định tự do thương mại như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại Việt Nam - EU đang vào giai đoạn nước rút. Đáng chú ý, theo ĐB Vũ Tiến Lộc, các hiệp định tự do thương mại không chỉ mở ra cơ hội giao thương mới, mà còn tạo điều kiện cho Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Hiện nay, nguyên phụ liệu nhiều ngành sản xuất trong nước phải nhập khẩu tới 50%-60% từ Trung Quốc. Nhiều dự án năng lượng của nước ta đều do Trung Quốc làm tổng thầu, nên phải nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị. Sắp tới, khi các hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực, Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu từ Mỹ, EU… nhiều loại máy móc, thiết bị với giá cả hợp lý hơn.

Về đầu ra, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 10% kim ngạch của Việt Nam, chủ yếu là hàng nông sản – những mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến đời sống của đại bộ phận nông dân. “Chúng ta chưa có công nghiệp chế biến nên phải chấp nhận xuất khẩu với giá rẻ. Vì thế, muốn có sự tự chủ về kinh tế thời gian tới cần đầu tư đủ cho các chuỗi giá trị nông sản để thay đổi tình hình này” – ĐB Vũ Tiến Lộc nói.

Trong khi đó, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế) đề nghị thời gian tới cần tăng cường đầu tư cho các lực lượng chấp pháp trên biển, tăng cường phương tiện cho hệ thống phòng thủ biển đảo, tạo thế trận liên hoàn trên biển; đầu tư tàu đánh cá lớn cho ngư dân. “Tôi được biết sắp tới Chính phủ dự kiến cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển với lãi suất chỉ 3%/năm, nhưng tôi cho rằng cần cho vay không lãi mới đủ để khuyến khích người dân vay vốn đầu tư” – ông Nghĩa kiến nghị.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, trước phiên thảo luận Đoàn thư ký kỳ họp đã gửi báo cáo xin ý kiến ĐBQH, trong dự kiến cân đối ngân sách dành 16.000 tỷ đồng chi tăng cường trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt xa bờ. Vì thế, đề nghị khi thảo luận các ĐBQH cần thể hiện chính kiến của mình về vấn đề này.

Với tầm nhìn xa, ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải vừa tập trung bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vừa phải đẩy mạnh cải cách thể chế để kinh tế phát triển bền vững, tự chủ. Thời điểm khó khăn hiện nay là thời cơ để tái cơ cấu kinh tế, phải hỗ trợ mạnh hơn cho nông dân để tìm kiếm thị trường mới, nâng cao tiêu chuẩn hàng hoá để không quá lệ thuộc vào nước láng giềng Trung Quốc.

Cụ thể hơn, theo ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), có một số việc cần làm ngay, đó là hướng dẫn địa phương tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó lưu ý phát triển công nghệ sinh học, công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Ông cũng nhắc Bộ NN-PTNT hiện còn “nợ” cử tri quy hoạch về nông nghiệp công nghệ cao từ kỳ họp trước.

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Phát triển kinh tế tự chủ, bền vững ảnh 1

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) phát biểu trong phiên họp sáng nay. Ảnh: Lã Anh

Bày tỏ chính kiến về vấn đề Biển Đông, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đề nghị trong nghị quyết về kinh tế - xã hội tới đây của Quốc hội, cần có nội dung về tăng cường các biện pháp giữ vững chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế. “Tôi rất đồng ý là phải dành ngân sách 16.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa để tăng cường trang bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư. Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát và tạm dừng triển khai các dự án chưa thực sự cần thiết để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân” – ông Đương nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu này, Quốc hội cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản cho nông dân, mở rộng chuyển hướng thị trường xuất nhập khẩu để giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Đồng thời, có chính sách thu hút các nguồn lực để khai thác các tài nguyên biển đảo, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt công suất lớn, vừa bảo vệ ngư trường, vừa đánh bắt hải sản.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách.

HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục