Cốt lõi là nâng cao chất lượng cán bộ

Sáng 5-6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi), nhiều đại biểu không tán thành việc thành lập các Viện Kiểm sát nhân dân khu vực; nhất là ở những vùng sâu, vùng xa.
Cốt lõi là nâng cao chất lượng cán bộ

Thảo luận về dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi):

(SGGPO).- Sáng 5-6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi), nhiều đại biểu không tán thành việc thành lập các Viện Kiểm sát nhân dân khu vực; nhất là ở những vùng sâu, vùng xa.

ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) nói: “Dự án Luật chưa làm rõ tất cả những mặt mạnh, mặt yếu của việc thành lập Viện Kiểm sát nhân dân khu vực, cả về tổ chức bộ máy, trụ sở, nhân lực và khả năng tiếp cận của người dân. Trong trường hợp thấy cần thiết phải thành lập thì tôi cho rằng cũng chỉ nên làm ở những địa bàn đô thị đông dân cư, đi lại thuận tiện”. Về tuổi về hưu của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, ĐB cho rằng Bộ Luật Lao động vừa thông qua đã quy định về tuổi về hưu trên cơ sở cân nhắc kỹ các ngành nghề đặc thù, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn mà Luật này lại có quy định riêng là không phù hợp.

Từng là một cán bộ lâu năm trong ngành kiểm sát, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng phân tích: “Các trường hợp công lý bị bóp méo xuất phát từ 3 nguyên nhân: chính trị, tiền bạc và tình cảm. Vì thế, nếu cho rằng thành lập Viện KSND khu vực để tránh sự can thiệp của chính quyền cấp cơ sở vào hoạt động của Viện là chưa đủ. Cốt lõi để đảm bảo hiệu quả hoạt động, sự công tâm của Viện KSND suy cho cùng vẫn là chất lượng cán bộ. Cán bộ có chuyên môn, bản lĩnh vững vàng, đạo đức trong sáng thì không ngại gì sự can thiệp”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) trả lời phỏng vấn. Ảnh: Lã Anh
 ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) trả lời phỏng vấn. Ảnh: Lã Anh

Quan điểm này được ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM), người cũng có thâm niên hơn 30 năm trong nghề tán thành. Ông Đương nhấn mạnh: “Cải cách dự luật thì chỉ mới đảm bảo thay đổi trụ sở làm việc, chứ chưa chắc chất lượng hoạt động đã được nâng lên. Thay vào đó nên chú trọng chế độ tuyển chọn, đãi ngộ cán bộ để có được những người có trình độ, lương tâm, trách nhiệm”.

Về thành lập cơ quan điều tra tại Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Đỗ Văn Đương nhìn nhận đây là việc cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu Đương, cần quy định rõ là cơ quan này chỉ điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp mà nghi can phạm tội là cán bộ tư pháp. “Hành vi làm sai lệch hồ sơ, sai phạm trong quá trình truy tố, xét xử dẫn đến những bản án thiếu công minh thường gắn liền với tội phạm tham nhũng. Cơ quan điều tra thuộc Viện KSND nên được giao loại việc như vậy: điều tra loại hành vi vi phạm pháp luật “ẩn” đằng sau hoạt động tư pháp”, ĐB Đỗ Văn Đương phát biểu.   

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục