Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng: Nhà thầu Trung Quốc rút thì các nhà thầu nước ngoài khác tham gia

Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng: Nhà thầu Trung Quốc rút thì các nhà thầu nước ngoài khác tham gia

Trước thông tin Trung Quốc cấm doanh nghiệp (DN) đấu thầu mới dự án vào Việt Nam, bên hành lang QH chiều 10-6, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng trao đã đổi với các phóng viên về vấn đề này.

*Phóng viên: Liệu điều này có ảnh hưởng gì các dự án của ngành giao thông tới đây?
 
*Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng: Thông tin này tôi mới biết qua báo chí, chưa có nguồn thông tin chính thức nào. Còn nói một cách tổng thể, Việt Nam hiện đã hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới. DN Việt Nam có thể hoạt động ở bất cứ đâu trong nước và cả nước ngoài.

Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được quyền vào làm ăn, kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. Tại Việt Nam có rất nhiều nhà đầu tư của các nước khác nhau chứ không chỉ có Trung Quốc, vì Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng, an ninh chính trị tốt, ổn định, thu hút được các nhà đầu tư, nên có nhiều nhà đầu tư đến, trong đó các nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ GT - VT Đinh La Thăng trả lời các phóng viên
Bộ trưởng Bộ GT - VT Đinh La Thăng trả lời các phóng viên

Việt Nam xây dựng một nền kinh tế có hội nhập nhưng phải đảm bảo độc lập tự chủ, không lệ thuộc vào bất cứ nước nào. Việc Trung Quốc cấm các DN tham gia đấu thầu dự án mới tại Việt Nam, nếu có, thì trước hết là họ bị thiệt. Vì họ vào đầu tư là cũng trên cơ sở hội nhập làm ăn, 2 bên cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Làm như thế là tự anh làm khó DN của anh vì như vậy là tự loại trừ đi một thị trường tốt.

Còn với Việt Nam, việc này chẳng ảnh hưởng gì cả, vì anh không tham gia thì các nhà thầu nước ngoài khác tham gia. Nhà thầu Việt Nam cũng đủ mạnh để thực hiện các dự án giao thông hiện nay. Có thể nói, việc tiếp cận khoa học công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế thì ngành giao thông là tiếp cận tốt, như công nghệ làm cầu, đường chẳng hạn.
 
* Số lượng các dự án giao thông hiện nay do các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, thực hiện rất nhiều, vì lợi thế là các nhà thầu nước này luôn bỏ thầu với giá thấp nhất nên thắng thầu trong hầu hết các dự án?

*Thực ra không phải là rất nhiều. Có 9 nhà thầu Trung Quốc với 17 gói thầu, tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng tiền vốn đang thực hiện ở Việt Nam, đã thực hiện được gần một nửa. Trong đó có dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đang sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho vay nên tất nhiên là các nhà thầu của họ được tham gia.

Còn việc nhà thầu họ rút chúng tôi sẽ đưa các nhà thầu khác vào làm và thậm chí họ còn làm nhanh hơn Trung Quốc.

* Các nhà thầu trong và ngoài nước đang có mặt tại Việt Nam có đủ khả năng tài chính và kỹ thuật để thực hiện các dự án giao thông hiện nay?

*Trung Quốc chỉ cho vay dự án ODA Cát Linh – Hà Đông nên chỉ có nguồn vốn của dự án này có khả năng bị ảnh hưởng thôi. Còn tất nhiên họ không cho vay tiếp thì chúng ta sẽ đi vay chỗ khác đề bù đắp, đảm bảo tiếp tục dự án.

Còn với các dự án khác, khi họ chỉ là nhà thầu bình thường, kể cả việc Chính phủ anh không cấm mà làm không tốt thì chúng ta cũng loại. Bộ GT-VT đang yêu cầu các nhà thầu hoàn thành tiến độ. Trường hợp nào đó anh dừng không sang làm thì chúng tôi tuyên bố chấm dứt hợp đồng đơn phương và sẽ mời các nhà thầu khác vào.
 
* Về dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có vốn Trung Quốc thì tính sao?

*  Dự án này là của đất nước mình chứ có phải của người ta đâu, người ta rút mình vẫn phải làm tiếp chứ. Vốn đầu tư cho giao thông hiện tại từ rất nhiều nguồn khác nhau, đầu tư ODA lớn nhất cho Việt Nam, trong đó có giao thông thì Nhật Bản là số 1 rồi đến các nhà đầu tư, nhà tại trợ khác, vốn Trung Quốc là rất nhỏ.

* DN Trung Quốc hay của nước nào mang tiền ra nước ngoài đầu tư cũng đều muốn làm ăn ổn định. Liệu có chuyện sức ép đặt ra ở đây nên DN họ buộc phải rút?

*Chính các nhà thầu, DN Trung Quốc đều không muốn về, muốn tiếp tục ở Việt Nam làm ăn vì thực ra môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam là rất tốt, thuận lợi, đặc biệt là vì tình hình an ninh, chính trị ổn định. Hai nữa, Việt Nam cũng rất chân thành, hữu nghị, hữu hảo và chính họ cũng nói với tôi là mong muốn như vậy, nhưng do vấn đề sức ép mà họ phải về nước.

*Cần làm sao để việc nhà thầu Trung Quốc dù đưa ra giá rẻ để trúng thầu nhưng cũng phải ràng buộc để đảm bảo chất lượng?
 
* Hiện nay Chính phủ đã sửa đổi luật Đấu thầu, Tiêu chí giá rẻ không quyết định việc chọn nhà thầu mà còn phải xét về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật công nghệ…Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành giao thông chúng tôi nhanh hơn.

PHAN THẢO ghi

Tin cùng chuyên mục