Chủ động ứng phó trước diễn biến biển Đông

Chủ động ứng phó trước diễn biến biển Đông

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

(SGGPO). - Chiều 12-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn giải trình thêm một số vấn đề và trả lời chất vấn trực tiếp tục ĐBQH. Về tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng cho biết, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Giá tiêu dùng 5 tháng tăng 1,08%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm kiểm soát ở mức khoảng 5%. Xuất khẩu 5 tháng tăng 15,4%; xuất siêu 1,65 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước đạt 45,8% dự toán, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao hơn cùng kỳ, đạt 4,6 tỷ USD. Các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn chiều ngày 12-6

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn chiều ngày 12-6

Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm thực hiện. Trong 5 tháng đã tạo được gần 620.000 việc làm mới, tăng 3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu được hơn 45.000 lao động, tăng gần 40%. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được chú trọng. Nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện; đã khống chế được dịch sởi, sốt xuất huyết, bệnh chân tay miệng.
 
Cũng theo Phó Thủ tướng, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm; an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực. Quốc phòng an ninh được tăng cường; các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; đặc biệt đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hòa bình kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Thời gian tới, kinh tế-xã hội nước ta dự báo có thể bị ảnh hưởng trên một số lĩnh vực với mức độ khác nhau tùy thuộc vào diễn biến tình hình quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và các đối sách, nỗ lực của chúng ta. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém; tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động các phương án ứng phó, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 mà Quốc hội đã đề ra.

Về tình hình Biển Đông và biện pháp ứng phó, Phó Thủ tướng cho biết, từ đầu tháng 5-2014, Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan và triển khai lực lượng hộ tống bảo vệ, có cả máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) và sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục và kịp thời của Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân ta đã dũng cảm kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các cơ quan thông tin truyền thông trong nước và nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn đã thông tin kịp thời, trung thực về những hành động phi pháp của Trung Quốc.

Đồng thời, bảo đảm an ninh, an toàn, hỗ trợ kịp thời cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân trên biển trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh bối cảnh hiện nay đòi hỏi chúng ta càng phải quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế đi liền với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường, nguồn vốn đầu tư và đối tác, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác; tạo nền tảng cho phát triển ổn định, bền vững.

Chất vấn Phó Thủ tướng, nhiều ĐBQH rất quan tâm đến các giải pháp để kinh tế nước ta không phụ thuộc vào Trung Quốc. Là người đầu tiên đặt câu hỏi, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu: Để đề phòng những kẻ xấu, Chính phủ có những giải pháp gì để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, gắn với an ninh quốc phòng và không lệ thuộc vào các nước?

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) chất vấn: trong các giải pháp liên quan đến kinh tế để chúng ta chuyển từ lệ thuộc sang tự chủ, hiện nay bên cạnh những biện pháp tái cấu trúc bình thường như đã làm, chính phủ có những biện pháp gì đột phá hơn để thoát dần ảnh hưởng đặc biệt từ thị trường Trung Quốc về vấn đề nguyên vật liệu với một loạt các ngành?

Trả lời các câu hỏi trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ông có đủ số liệu chứng minh nền kinh tế của nước ta không phụ thuộc vào nước nào. Tuy nhiên, trong kinh tế hội nhập, nền kinh tế nước ta không thể đứng độc lập. Chúng ta phải có chủ động hơn để ứng phó với bối cảnh hiện nay khi Trung Quốc xâm phạm biển Đông. Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải tái cơ cấu, thu hút đầu tư chọn lọc hơn đặc biệt là dự án có hàm lượng khoa học. Biện pháp quan trọng là đa dạng hóa thị trường, cả nhập khẩu và xuất khẩu, khai thác thị trường nội địa mạnh mẽ hơn.

Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) về tình hình tội phạm gia tăng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhiều băng nhóm bị triệt hạ, bị điều tra khởi tố nhưng tình hình tội phạm còn phức tạp, nhất là băng nhóm xã hội đen, buôn bán ma túy... Do đó, Chính phủ đã đề ra các biện pháp như tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, nhất là sửa luật hình sự, đưa hệ thống chính trị vào cuộc để xử lý nghiêm minh, nhất là quy trách nhiệm cho lãnh đạo tỉnh, nơi nào tội phạm hoàn hành, nơi đó chủ tịch tỉnh phải có trách nhiệm.

Với vấn đề phòng chống tham nhũng, Chính phủ đã ban hành 5 nghị định làm cơ sở phòng chống tham nhũng bên cạnh nhiều đoàn kiểm tra để đôn đốc. Cùng với đó là củng cố lực lượng chống tham nhũng, đặc biệt là tổ chức tốt hình thức tiếp nhận thông tin, nhất là các vụ việc nhạy cảm. Thủ tướng đã ký nghị định về trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng.

HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục