Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Không kéo dài tuổi nghỉ hưu

(SGGPO).- Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp toàn thể chiều 16-6. Kết thúc phiên họp, vẫn còn tới 22 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng không đủ thời gian phát biểu, cho thấy sự quan tâm rất lớn của Quốc hội với văn bản pháp luật này.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Không kéo dài tuổi nghỉ hưu

(SGGPO).- Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp toàn thể chiều 16-6. Kết thúc phiên họp, vẫn còn tới 22 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng không đủ thời gian phát biểu, cho thấy sự quan tâm rất lớn của Quốc hội với văn bản pháp luật này.
 
Mở rộng diện bảo hiểm bắt buộc: Cần có lộ trình
 
Nội dung mở rộng diện bảo hiểm xã hội bắt buộc (BHBB) đã được nhiều đại biểu  quan tâm cho ý kiến. Mặc dù đa số tán thành quy định bổ sung đối tượng lao động làm việc theo hợp đồng ngắn hạn (từ 1 tháng đến dưới 12 tháng) vào diện BHBB, song các ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu  Lê Thành Nhơn (Bình Dương) lưu ý, ngay với quy định hiện nay, cả nước cũng còn tới trên 5 triệu lao động thuộc diện BHBB còn chưa đóng BHBB, nay mở rộng thì phải bổ sung những giải pháp hữu hiệu mới có thể thực hiện được. Đại biểu  Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cũng đồng ý mở rộng diện BHBB với đối tượng này, nhưng gợi ý thiết kế những “gói” bảo hiểm linh hoạt cho phù hợp thực tế. Đại biểu  Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đưa ra giải pháp “mềm” là trao cho người lao động diện này quyền lựa chọn tham gia BH hoặc không.
 
Cũng liên quan đến đối tượng thực hiện BHBB, nhiều ý kiến đề xuất bổ sung đối tượng cán bộ xã hoạt động không chuyên trách, tạo điều kiện động viên, khuyến khích bộ máy chính quyền cơ sở hoạt động tích cực hơn.
 
Liên quan đến cách tính tiền lương làm cơ sở đóng BHXH , đại biểu  Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) và nhiều đại biểu  khác tán thành xu hướng tiến dần tới tính đúng, tính đủ thu nhập thực tế của người lao động, nhưung lưu ý có lộ trình phù hợp, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động. “Tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật nguyên tắc sàn lương hưu không thấp hơn mức sống tối thiểu”, bà Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu.
 
Có chung quan điểm này, đại biểu  Lê Thành Nhơn phản ánh: “Đóng đúng, đủ ngay thì có cái khó cho DN, nhưng phải theo hướng đó để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Hiện nay tính ra sau 20 năm lao động, khi về hưu người công nhân chỉ được hưởng 1,2 – 1,5 triệu đồng/ người/ tháng, rất eo hẹp, không đủ sống”.
 
Kéo dài tuổi nghỉ hưu: không nên!

Sự khác biệt giữa tuổi nghỉ hưu quy định trong dự thảo Luật này so với Bộ Luật Lao động vừa có hiện lực thực hiện từ năm 2013 được nhiều đại biểu Quốc hội coi là bất hợp lý. Đại biểu  Tôn Thị Ngọc Hạnh thẳng thắn: “Cứu vãn nguy cơ vỡ Quỹ bằng cách nâng tuổi hưu là hạ sách”.
 
Ngoài lý do Luật “con” không thống nhất với “Luật “mẹ”, đại biểu  Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng không đồng tình nâng tuổi hưu vì tuổi thọ tăng chưa đồng nghĩa với việc sức khỏe người Việt Nam được cải thiện đủ để kéo dài thời gian lao động, ngay cả với lao động trí óc trong nhiều lĩnh vực. Đó là chưa kể hàng năm cả nước có trên 1 triệu người bước vào tuổi lao động, trong số đó nhiều người có trình độ cao, được đào tạo tốt nhưng không có việc làm.
 

Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên). ẢNH: LÃ ANH

Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên). ẢNH: LÃ ANH

Đại biểu  Cù Thị Hậu (Hưng Yên) nói thêm: “Xu hướng quy định kéo dài tuổi về hưu đã ảnh hưởng tính nghiêm minh, thống nhất của hệ thống luật pháp. Riêng kỳ họp này tôi thấy đã có tới 4 dự án luật tạo ra “ngoại lệ” về tuổi hưu”.
 
Trao thẩm quyền thanh tra chuyên ngành cho Bảo hiểm xã hội

Thay vào đó, để đảm bảo cân bằng Quỹ, đại biểu Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng) cho rằng cần mạnh tay hơn nữa với các hành vi tội trốn đóng BHXH, BHYT của người sử dụng lao động để đảm bảo nguồn thu cũng như quyền lợi của người lao động. Ông Cường nói: “Tới đây khi sửa đổi Bộ Luật Hình sự, tôi đề nghị bổ sung tội trốn đóng BHXH, BHYT của người sử dụng lao động để tăng tính răn đe, chấn chỉnh tình trạng chây ỳ như hiện nay”.
 
Nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng bày tỏ đồng tình trao thẩm quyền thanh tra chuyên ngành cho Bảo hiểm xã hội nhằm kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm trong thu, nộp và sử dụng bảo hiểm xã hội; đồng thời rà soát lại phương thức quản lý của Bảo hiểm xã hội để giảm chi phí quản lý. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phân tích: “Chi phí quản lý Quỹ BHXH đang tăng từ 1,25 – 1,44% năm, và năm vừa qua lên tới 3,5 % thực thu BHXH. Như vậy là cao quá, cần phải tiết giảm. Chi phí này nên trích từ ngân sách nhà nước chứ không trừ vào tiền đóng BHXH của người lao động”.

Thẳng thắn đề cập đến trách nhiệm của lãnh đạo BHXH trong việc thu hồi nợ đọng BHXH cũng như các khoản cho vay không đúng nguyên tắc từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, ĐB Nguyễn Văn Phụng (TPHCM) chất vấn: “Nợ BHXH lên tới 5.000 tỷ đồng, phải có giải pháp quyết liệt hơn để thu hồi. Khoản cho vay đối với Công ty Cho thuê Tài chính 2 không hiệu quả, với tốc độ trả nợ hiện nay phải mất đến 40 năm mới thu hồi hết, trong khi công ty này không thuộc diện được vay từ Quỹ BHXH, vậy ai chịu trách nhiệm”?
 
Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã giải trình thêm và tiếp thu nhiều nội dung được đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện dự luật, trong đó có việc không kéo dài độ tuổi nghỉ hưu.
 
* Cũng trong phiên họp chiều 16-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với 86,35% phiếu tán thành trên tổng số đại biểu Quốc hội.


ANH THƯ

Thông tin liên quan

Luật hóa quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách
 
      

Tin cùng chuyên mục