Kết quả trưng cầu ý dân có ý nghĩa quyết định, không có ngoại lệ

Bốn dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp ngày 15-10, gồm dự án Luật về Hội; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Trưng cầu ý dân và Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Bốn dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp ngày 15-10, gồm dự án Luật về Hội; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Trưng cầu ý dân và Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Chỉ điều chỉnh các hội có tư cách pháp nhân?

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật về Hội, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đối với các hội không có tư cách pháp nhân (như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, đồng hương, dòng họ…), Chính phủ đề nghị quy định theo hướng luật không áp dụng đối với các hội không có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị dự thảo luật cần có quy định mang tính nguyên tắc đối với hội không có tư cách pháp nhân để đảm bảo quyền lập hội của công dân. Về việc người nước ngoài đang sống, làm việc hợp pháp tại Việt Nam tham gia hội, Chính phủ đề nghị người nước ngoài đang sống, làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp theo quy định của Chính phủ. Ý kiến khác đề nghị không quy định việc tham gia hội của người nước ngoài trong dự thảo luật.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật còn để lại quá nhiều điều do Chính phủ quy định chi tiết. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói: “Luật khá “mỏng”, còn để lại quá nhiều điều do Chính phủ quy định”. Quan tâm đến khía cạnh về quản lý tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ nội hàm quy định “hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, không được chia lợi nhuận” và cho rằng quy định như vậy là quá “chật hẹp”. Ông Hiển băn khoăn: “Một số hội, như các hội nghề nghiệp, hội của người khuyết tật… được thành lập để hỗ trợ nhau làm ăn kinh tế, cải thiện đời sống thì sao lại không được chia lợi nhuận?”. Vai trò quản lý nhà nước đối với các tổ chức phi chính phủ cũng như các “hội ngoài hội” (không được điều chỉnh tại luật này) là vấn đề được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội lưu ý. Đây cũng là băn khoăn của Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai. “Tuy không đưa vào luật, nhưng Chính phủ cần có giải trình cụ thể là sẽ quản lý như thế nào với các tổ chức loại này”.

Yêu cầu xác định rõ đối tượng điều chỉnh của luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề: “Với tên gọi Luật về Hội thì phạm vi của luật này rất rộng. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc một số loại hội đã tồn tại rồi thì giải quyết ra sao? Các loại hội cũng có đặc thù và cơ cấu thành phần rất khác nhau, tổng hội, liên hiệp hội, liên đoàn… cần được điều chỉnh khác nhau”...

Hộ gia đình không phải chủ thể của pháp luật dân sự

Đây là vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau, mặc dù dự án Bộ luật Dân sự đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhiều lần. Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến tán thành dự thảo Bộ luật Dân sự quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. “Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, mà tùy thuộc vào từng quan hệ dân sự, việc tham gia của các chủ thể này thực hiện thông qua các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc thông qua người đại diện” - ông Phan Trung Lý giải thích.

Ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng cho biết, qua tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự 2005, nếu coi hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự thì thực tiễn xét xử rất khó khăn. Cách thức xử lý hợp lý là ủy quyền cho một cá nhân đại diện. “Các nước cũng chỉ quy định 2 chủ thể của pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân thôi” - ông Đinh Trung Tụng nói. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long kiên trì quan điểm đề nghị tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Tổng kết nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ủng hộ quan điểm của cơ quan soạn thảo, thẩm tra như thể hiện tại dự thảo, song cũng yêu cầu báo cáo đầy đủ ý kiến khác trước Quốc hội, để Quốc hội biểu quyết.
Bên cạnh đó, về việc chuyển đổi giới tính - được coi là sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội..., nên để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng và chỉnh lý nội dung này.

Bàn về dự án Luật Trưng cầu ý dân, các ý kiến trong UBTVQH ghi nhận, dự thảo trình lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến của UBTVQH tại lần góp ý trước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Hiện nay theo Hiến pháp 2013, Quốc hội có thể quyết định được mọi vấn đề, chỉ khi thấy còn phân vân, phải trưng cầu ý dân thì sau khi có kết quả trưng cầu ý dân thì phải thực hiện theo kết quả đó, không có ngoại lệ. Không cần điều khoản “quét” nào cả”.


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục