Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh: Càng làm càng đau đầu!

Đã bàn giao gần 532.000ha đất cho chính quyền địa phương

(SGGPO).- Sáng 10-11, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đã trình bày Báo cáo Giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.

Đã bàn giao gần 532.000ha đất cho chính quyền địa phương

Bản báo cáo nhận định, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau tồn tại và đi lên từ cơ chế kinh tế tập trung bao cấp, chuyển sang giai đoạn mới, việc quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh cùng lúc phải giải quyết 2 thách thức lớn: vừa phải giải quyết những hạn chế do quá khứ để lại, vừa phải tập trung chuyển đổi cách thức quản lý mới phù hợp với cơ chế, chính sách đất đai mới.

Kết quả nổi bật trong 10 năm qua là việc quản lý, sử dụng đất đai của phần lớn các nông, lâm trường trong cả nước đã có bước chuyển khá tích cực, nhất là các đơn vị đã cổ phần hóa; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, cho thuê, cho mượn đất trái phép đã giảm; hiệu quả sử dụng đất nâng lên, góp phần nâng cao đời sống người lao động trong các nông, lâm trường. Đã có 25% nông, lâm trường chuyển sang giao đất có thu tiền hoặc thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai; 56% nông, lâm trường với 57% tổng diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các nông, lâm trường đã bàn giao gần 532.000ha đất cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tiến độ thực hiện rà soát, sắp xếp, đổi mới về quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường còn chậm; chất lượng công tác quản lý, sử dụng đất đai chưa được nâng cao. Tình trạng bản đồ và hồ sơ quản lý đất đai kém chất lượng, thiếu chính xác, không được chỉnh lý kịp thời, không phản ánh đúng thực tế quản lý, sử dụng đất chưa được khắc phục; việc xác định, cắm mốc và lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất chưa được thực hiện đối với hầu hết các nông, lâm trường. Việc rà soát hiện trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường mới chủ yếu thực hiện trên sổ sách, chưa được xác định, chỉ dẫn trên thực địa; hầu hết diện tích đất bàn giao cho địa phương chưa được đo vẽ, lập bản đồ địa chính, xác định ranh giới sử dụng chính xác; phương án quản lý, sử dụng sau khi bàn giao chưa được xây dựng kịp thời.

“Hơn 60% nông, lâm trường với khoảng 88% diện tích chưa làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường còn chậm và còn căn cứ theo bản đồ chất lượng thấp, không phản ánh chính xác ranh giới sử dụng đất trên thực địa; đến nay còn 43,5% số đơn vị với 54,2% diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Ksor Phước nhấn mạnh.

Các cơ quan chính quyền vẫn còn "nhìn nhau để xử lý" 

Đó là nhận định quan trọng của Đoàn giám sát. Theo đó, việc sử dụng đất chưa hiệu quả, tình trạng khoán trắng, không quản lý chặt chẽ sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép vẫn diễn ra phổ biến, chưa giải quyết, xử lý dứt điểm. Tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, như: tranh chấp, lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật trong các nông, lâm trường còn nhiều. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, xác định và xử lý trách nhiệm chưa thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.

Trong khi đó, quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức của các nông, lâm trường còn lúng túng; hầu hết các nông, lâm trường mới thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty hoặc ban quản lý mà chưa thực sự thay đổi căn bản về phương thức hoạt động, cơ chế quản lý và điều hành dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, quản lý và sử dụng đất kém hiệu quả, chưa tương xứng với nguồn lực tài nguyên được nhà nước giao quản lý, sử dụng.

Phát biểu thêm với Quốc hội sau khi trình bày báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước trăn trở: “Chúng ta đã có luật, các văn bản dưới luật cũng đã có khá đầy đủ, nếu thực hiện nghiêm thì rất ổn. Về việc này, ý Đảng lòng dân đều thống nhất, vấn đề chính là tổ chức thực hiện. Công tác giám sát thanh tra còn yếu. Nhiều trường hợp phát hiện sai phạm rồi xử lý không nghiêm minh”. Thậm chí, theo vị Trưởng Đoàn giám sát, vẫn còn tình trạng các cơ quan chính quyền rất lúng túng, “nhìn nhau để xử lý”. “Nói thật với Quốc hội, chúng tôi càng làm càng thấy đau đầu”, ông Ksor Phước thẳng thắn.

Thảo luận ở hội trường về vấn đề này, đại biểu (ĐB) Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận xét, qua giám sát, tại nhiều địa phương, trường hợp không có bản đồ, hồ sơ gốc về đất đai sai lệch lớn với hiện trạng; có khi sai lệch đến hàng trăm héc ta. ĐB này đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí đủ ngân sách cho các địa phương trong 2 năm 2015 - 2016 để thực hiện việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức khác quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.

Chia sẻ quan điểm này, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng đưa ra kiến nghị: “Cần hoàn chỉnh hồ sơ địa chính đất đai, lập quy hoạch rồi mới giao cho nông, lâm trường lập kế hoạch sử dụng đất, lập phương án kinh doanh. Thực tế cho thấy một số công ty thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Cà phê Việt Nam… phát triển được là nhờ được chính danh, được giao quyền sử dụng đất đai với hồ sơ đầy đủ, hợp pháp; không bị vướng mắc các tranh chấp”.

ĐB Trương Văn Vở cũng nhấn mạnh, việc đổi mới hoạt động của các nông lâm trường phải làm thực chất, nghĩa là các đơn vị này cần được quản trị theo mô hình như doanh nghiệp, tránh “bình cũ rượu mới”. Với tinh thần “lấy quyền, lợi ích của người dân làm trọng tâm”, ĐB đề nghị tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, đất không sử dụng để trả lại cho các địa phương giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc chưa có đất sản xuất quản lý, sử dụng.

Nội dung này sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại hội trường trong phiên họp chiều nay, 10-11.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục