Bài 1: Bảo đảm nguồn nhân lực cấp ủy các cấp

Bài 1: Bảo đảm nguồn nhân lực cấp ủy các cấp

Nhân sự đại hội Đảng các cấp - Từ chủ trương đến thực tế

LTS: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) xác định công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bức thiết đối với mục tiêu và nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài. Từ thực tế thực hiện quan điểm, chủ trương này trong nhiệm kỳ qua, hiện nay, các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ đang tiến hành tự kiểm điểm, đánh giá và xây dựng kế hoạch, mục tiêu cho công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp sắp diễn ra theo tinh thần Chỉ thị số 36/CT/TƯ ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về “Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” (Chỉ thị 36). Bắt đầu từ số báo hôm nay, Báo SGGP khởi đăng loạt bài đánh giá lại toàn diện công tác chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp từ góc nhìn thực tế của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn Đảng bộ thời gian qua…

Tính đến thời điểm hiện nay, nhiều cấp bộ Đảng đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội ở cấp mình. Trong đó, có một số cơ sở Đảng tổ chức đại hội điểm đã thực hiện đúng với tinh thần của Chỉ thị 36, đảm bảo tính nghiêm túc, chủ động và trách nhiệm cao…

Bài 1: Bảo đảm nguồn nhân lực cấp ủy các cấp ảnh 1

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 12 quận 3 Nguyễn Phương Nam (bìa trái) là một trong những cán bộ trẻ quy hoạch của TPHCM

Quy hoạch gắn với thực tế

Ngay từ giữa nhiệm kỳ, nhiều cấp ủy Đảng thuộc khối quận, huyện và sở, ngành TP đã thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo các tiêu chí giới thiệu cho các cấp ủy Đảng. Nhiều nhân tố mới là trẻ, nữ, đã qua đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước với các trình độ khác nhau được phát hiện, đưa vào diện quy hoạch nguồn của từng cấp ủy. Bước tiếp theo là mạnh dạn giao việc, giao các chức vụ lãnh đạo, quản lý theo ngành đào tạo và theo sở trường, thế mạnh của từng cán bộ. Tại huyện Củ Chi, trong số 36 cán bộ nguồn quy hoạch lãnh đạo cấp huyện có hơn 20 đồng chí được đưa xuống các xã tham gia cấp ủy và đảm nhận các chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc khối chính quyền, đoàn thể và MTTQ. Từ thực tế ở cơ sở, nhiều cán bộ trẻ đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, thể hiện tốt khả năng và chuyên môn của mình khi tham gia giải quyết nhiều vấn đề, từ tham mưu cho cấp ủy triển khai thực hiện các nghị quyết của cấp ủy cấp trên, điều hành quản lý đơn vị đến trực tiếp đề ra các hoạt động, phong trào quần chúng gắn với tổ chức, triển khai các nghị quyết, chính sách của cấp ủy và chính quyền cấp mình. Từ thực tế, nhiều cán bộ tự đánh giá lại mình xem còn thiếu ở khả năng, chuyên môn nào, từ đó có kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp.

Nhân viên UBND phường 6, quận 5 đang hướng dẫn người dân làm hồ sơ địa chính. Ảnh: KIM NGÂN

Tại quận Gò Vấp, nhiệm kỳ qua cũng có những đột phá trong công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý theo hướng từ dưới lên, gắn thực tiễn với yêu cầu bố trí, sử dụng các chức danh cao hơn, để qua đó sàng lọc đưa vào diện đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn của từng cấp ủy. Ngay đầu nhiệm kỳ, quận đã đưa hơn 200 cán bộ các cấp đi đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa các tiêu chuẩn, sau đó là luân chuyển, mạnh dạn giao việc để thử thách. Qua giao việc, quận Gò Vấp nhận thấy, những công việc đối với một số cán bộ trẻ tưởng chừng khó khăn, không phù hợp, nhưng chỉ một thời gian ngắn đã tiếp cận được nhanh chóng và đáp ứng được yêu cầu. Cũng có nhiều trường hợp phải luân chuyển từ công tác Đảng sang công tác chính quyền hoặc ngược lại, rồi lại quay qua công tác đoàn thể, MTTQ một thời gian sau đó mới đánh giá được chính xác năng lực để đưa vào diện quy hoạch. Với cách làm này tuy mất thời gian, nhưng khi đã quy hoạch vào diện cấp ủy nào cũng có thể đáp ứng được ngay, nhất là đối với các cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Cũng với cách làm quy hoạch gắn với thực tế, nhiều cán bộ trẻ làm công tác đoàn thể ở huyện Cần Giờ đã chủ động tự đào tạo theo chuẩn hóa các chức danh chuyên môn, công tác Đảng, chính quyền. Kiến thức chuyên môn gắn với kinh nghiệm thực tế đã giúp nhiều cán bộ trẻ có khả năng đáp ứng được công việc ngay khi có yêu cầu luân chuyển. Bí thư Huyện đoàn huyện Cần Giờ Phan Lê Hoài Phong cho biết, không phải cán bộ đã nằm trong diện quy hoạch là có thể đảm đương ngay được công việc khi tổ chức phân công. Chính vì vậy, tự chuẩn hóa tiêu chuẩn cho chính mình là cách tốt nhất nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp.

Không hạ thấp tiêu chuẩn

Đó là yêu cầu được các cấp ủy Đảng đưa ra khi tiến hành quy hoạch các chức danh theo tinh thần của Chỉ thị 36. Theo nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ Nguyễn Thị Kim Dung, từng cấp ủy Đảng muốn có đủ cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ ở cấp mình thì phải làm tốt công tác tạo nguồn ngay từ đầu nhiệm kỳ. Quá trình phân công, giao việc sẽ theo dõi, đánh giá tốt nhất năng lực của từng cán bộ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp. Nhiều nơi do thiếu chủ động đi tìm cán bộ, không chuẩn bị tốt nguồn khi quy hoạch, đến khi cần không đáp ứng được và phải hạ tiêu chuẩn, hoặc “cơ cấu treo”, đợi khi nào có đủ thì bổ sung.

Cũng với cách làm chủ động đi tìm cán bộ để quy hoạch, đào tạo, nhiệm kỳ qua quận 3 đã chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cơ cấu vào các cấp ủy Đảng. Theo Chủ tịch UBND quận 3 Nguyễn Văn Diệu, nhiệm kỳ qua quận đã đẩy mạnh luân chuyển cán bộ từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên và từ đơn vị này sang đơn vị khác. Căn cứ kết quả đánh giá hàng năm, từng cấp ủy Đảng mới đưa ra phương án thay đổi hoặc bổ sung quy hoạch cho phù hợp. Nhờ đó, hiện nay đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ chuẩn bị nhân sự cho cấp cơ sở đều đủ về số lượng và tiêu chuẩn theo quy định. Mỗi phường trong quận có ít nhất 2 cán bộ có bằng thạc sĩ trở lên.

Theo Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Long Tuyền, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ để chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp được thực hiện tốt, bảo đảm yêu cầu đề ra. Hầu hết các địa phương, đơn vị đã hoàn chỉnh đề án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy theo từng chức danh. Trong đó có nhiều chức danh có từ 2 đến 3 cán bộ nguồn với đầy đủ tiêu chuẩn về độ tuổi, học vấn, chuyên môn…

Từ năm 2001 đến nay, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TPHCM đã cung cấp cho quận, huyện 184 cán bộ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Có 314 cán bộ trẻ trong chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý được đề bạt các chức danh lãnh đạo (110 cán bộ là trưởng, phó phòng ban sở, ngành TP và quận, huyện; 204 cán bộ là trưởng đầu ngành cấp phường, xã, thị trấn).

Nguồn: Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM

HOÀI NAM - HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục