Vẫn còn oan, sai trong tố tụng hình sự

(SGGPO).- Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật đã được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày tại phiên họp của Quốc hội sáng nay, 5-6.
Vẫn còn oan, sai trong tố tụng hình sự

(SGGPO).- Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật đã được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày tại phiên họp của Quốc hội sáng nay, 5-6.

Vẫn còn oan, sai trong tố tụng hình sự ảnh 1

Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Vẫn còn 71 vụ án oan

Theo Báo cáo, từ năm 2011-2014 (thời gian từ ngày 1-10-2011 đến 30-9-2014), các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, trong đó có 71 vụ án oan.

UBTVQH cho biết trong kỳ giám sát (3 năm), các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, trong đó có 71 vụ án oan, chiếm 0,02%. “Hoạt động phòng chống oan, sai của CQĐT các cấp chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với việc để xảy ra 15 trường hợp làm oan thuộc trách nhiệm bồi thường của CQĐT, hoạt động điều tra còn bộc lộ một số hạn chế, sai phạm”, Báo cáo nêu rõ. Vẫn còn nhiều trường hợp khởi tố, không khởi tố vụ án thiếu căn cứ, trái pháp luật. VKS các cấp đã phát hiện, hủy bỏ 240 quyết định khởi tố vụ án và 116 quyết định không khởi tố vụ án; yêu cầu khởi tố 1.213 vụ án.

Theo báo cáo, còn 4.998 người bị bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính, chiếm 2,3% số người bị tạm giữ; có nơi tỉ lệ này khá cao như các huyện Vụ Bản, Xuân Trường (Nam Định) trên 10%. VKS các cấp đã không phê chuẩn 861 người bị bắt khẩn cấp, hủy bỏ tạm giữ và không gia hạn tạm giữ 758 người. Riêng năm 2014, VKS các cấp không phê chuẩn 109 lệnh bắt khẩn cấp và không phê chuẩn gia hạn tạm giữ đối với 399 người. Nhiều trường hợp chưa đủ căn cứ hoặc không cần thiết phải tạm giam nhưng CQĐT cũng ra lệnh bắt giam, VKS các cấp đã không phê chuẩn 548 lệnh tạm giam.
 
Trong quản lý tạm giữ, tạm giam còn để xảy ra 78 trường hợp tự sát, 6 trường hợp chết do can phạm đánh nhau.

UBTVQH cho biết, việc khởi tố bị can có những trường hợp chưa chính xác, thiếu căn cứ, tiềm ẩn nguy cơ làm oan và bỏ lọt tội phạm. Việc thu thập dấu vết, tài liệu chứng cứ và lập hồ sơ vụ án hình sự cũng còn nhiều thiếu sót, vi phạm. Trong kỳ hạn đã nêu, có 5.156 đơn khiếu nại, tố cáo về thu thập tài liệu chứng cứ; VKS các cấp đã ban hành hơn 100.000 yêu cầu xác minh, điều tra, bổ sung chứng cứ.

Quá trọng cung, nhẹ chứng

Đây là nhận định tại Báo cáo của UBTVQH. Theo Báo cáo, trong nhiều trường hợp, CQĐT chưa chú trọng phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ khác ngay từ đầu (lấy lời khai người làm chứng, nhận dạng, đối chất...) nên khi bị can phản cung hoặc bị hại thay đổi lời khai thì lúng túng, quá trình điều tra lại gặp rất nhiều khó khăn. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến một số vụ oan, sai nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. Điển hình là vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Vi Văn Phượng (Bắc Giang), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Hoàng Thị Vấn (Cao Bằng), Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Lê Bá Mai (Bình Phước).

Trong kỳ, số vụ án, bị can tạm đình chỉ điều tra còn nhiều. Có nơi như quận Bình Tân, TP HCM tạm đình chỉ điều tra lên tới gần 37% số vụ. Qua giám sát cho thấy tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu làm oan người vô tội. Một số địa phương để xảy ra nhiều trường hợp làm oan như các tỉnh, thành: Sóc Trăng (7 người), Khánh Hòa (6 người), Thanh Hóa (5 người), Vĩnh Phúc (4 người), Đắk Lắk (4 người), Bến Tre (3 người), Bình Phước (3 người),  Quảng Trị (2 người), Cà Mau (2 người), Đà Nẵng (2 người)…

Xử lý tình trạng bức cung, nhục hình chưa đủ nghiêm khắc

Vẫn còn tình trạng bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra và trong một số trường hợp, đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan, sai. Trong kỳ, có 46 đơn tố cáo về bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, trong đó đã giải quyết 40 đơn. Đáng lưu ý,  đã để xảy ra một số vụ dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc trong dư luận. Trong nhiều trường hợp khi ra tòa, bị cáo mới khai bị bức cung, nhục hình hoặc khi người bị tạm giữ chết và có tố cáo gay gắt thì mới được phát hiện. Tuy nhiên, việc xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật có biểu hiện nương nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự thì kết quả xét xử cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra...

Xử lý nghiêm những cán bộ điều tra, xét xử chưa có tâm, chưa có tầm, háo thành tích

Thảo luận ở hội trường về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai; nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị có sự đánh giá công bằng giữa những việc đã làm được và chưa làm được để một mặt không để xảy ra oan, sai; nhưng cũng không để bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, cần sớm bổ sung, điều chỉnh những “khoảng trống”, những quy định thiếu thống nhất trong pháp luật hình sự.

Theo ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), xét trên tổng số vụ khởi tố điều tra thì tỷ lệ oan, sai thấp, nhưng tính chất ở các vụ việc oan, sai lại rất nghiêm trọng. Trong các vụ án điển hình được Báo cáo giám sát đề cập, phần lớn là đã án xảy ra nhiều năm trước, có vụ đã xảy ra từ 16 năm trước, nhiều người biết, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. “ Nhưng như thế thì tình hình làm án 3 năm qua như thế nào, có thể hiện được tinh thần cải cách tư pháp hay không; từ đó mới đánh giá đúng nỗ lực của các cơ quan trong việc khắc phục oan, sai thời kỳ trước và không để xảy ra vụ việc mới”, ông nói.

Đồng tình với ĐB Nguyễn Anh Sơn, ĐB Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) phân tích thêm: “Việc trọng cung hơn trọng chứng chủ yếu là do tâm lý nóng vội trước sức ép phá án. Ở đây có một nguyên nhân khách quan là biên chế chưa tương ứng công việc; đội ngũ luật sư còn mỏng; có nhiều vị bị can bị cáo cũng không mời luật sư bào chữa cho mình”. Từ đó, ĐB nhấn mạnh vai trò quan trọng của KSV tham gia điều tra.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cũng cho rằng Báo cáo nên phân định rõ thời gian xảy ra vụ án tránh hiểu nhầm về tình hình oan, sai ở thời điểm hiện tại. “Giải thích, hướng dẫn luật pháp thường xuyên, thống nhất là rất quan trọng, vì hiện nay có nhiều vấn đề mà ngay cả các cơ quan tư pháp trung ương cũng có quan điểm không thống nhất”, ĐB Quyết nhận xét. ĐB đề nghị UBTVQH chú trọng thực hiện chức năng giải thích pháp luật kịp thời.

Chia sẻ một phần quan điểm của ĐB Thích Thanh Quyết, Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói: “Đúng là có nhiều yếu tố hiện nay đang được đánh giá một cách định tính, dễ dẫn đến chủ quan tùy tiện. Như trong giám định ma túy, hay khi phân biệt giữa “lạm dụng tín nhiệm” với “lừa đảo”, rồi xác định hậu quả “nghiêm trọng” với “rất nghiêm trọng”…
Đề nghị làm rõ trách nhiệm và nguyên nhân oan, sai, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhắc lại câu thơ “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (một ngày ở tù bằng ngàn năm ở ngoài) để nhấn mạnh, việc công khai xin lỗi và bồi thường trách nhiệm cho người bị oan, sai cần được tiến hành nhanh chóng nhất có thể; trong khi công tác này hiện vẫn còn chậm trễ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cần phân tích rõ ai là người phát hiện, khẳng định được oan, sai; có bao nhiêu trường hợp chỉ đến khi người phạm tội ra đầu thú thì người bị oan mới được minh oan; bao nhiêu trường hợp oan, sai do cán bộ Viện kiểm sát yêu kém về năng lực, nghiệp vụ… để từ đó có giải pháp phù hợp.

Nhấn mạnh rằng yêu cầu không bỏ lọt tội phạm cũng quan trọng không kém việc ngăn chặn oan, sai, ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) nhận định: “Tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi; việc tạm giữ hình sự mà sau đó chuyển sang hành chính đã được thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, điều này cần được nói rõ để có cách hiểu đúng. Tương tự, những thống kê về trường hợp đình chỉ điều tra, được miễn trách nhiệm hình sự cần được phân tích trường hợp nào do khách quan, trường hợp nào do công tác điều tra truy tố kém…

ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) thì nhận định, oan, sai trong tố tụng hình sự thì ngay cả những quốc gia có bề dày hàng trăm năm xây dựng nhà nước pháp quyền cũng có thể có; nhưng vấn đề là phải hạn chế ở mức thấp nhất có thể. Nguyên nhân là các cán bộ làm công tác điều tra xét xử “chưa có tâm, chưa có tầm, háo thành tích”, dẫn đến nhiều oan ức đau khổ cho người bị oan, sai… Những cán bộ này cần được xử lý nghiêm khắc, đúng pháp luật. Để công tác bồi thường được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả, cơ quan chức năng cần có những quy định chi tiết để đảm bảo thực hiện thống nhất. “Do quy định còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, rõ ràng, nên người yêu cầu thường đòi mức rất cao, rất xa; trong khi cơ quan có trách nhiệm bồi thường lại thường trả quá thấp” – ông Khanh nói.

ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cũng đã chỉ ra rằng: “Thừa nhận làm sai dường như là điều quá khó đối với cơ quan tố tụng, với những thủ tục rất phức tạp. Thủ tục tiến hành bồi thường quá dài, có vụ tới 9 năm, lâu gấp 41 lần so với quy định”. Sớm sửa Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước là đề xuất của ĐB Nghĩa.  

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục