Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình: “Tôi xin lỗi những người bị oan và gia đình người bị oan”

Trọn ngày 5-6, Quốc hội thảo luận về báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình: “Tôi xin lỗi những người bị oan và gia đình người bị oan”

(SGGPO). – Trọn ngày 5-6, Quốc hội thảo luận về báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Đa số các ĐBQH đều cho rằng, trong 3 năm, trong số 219.506 vụ với 338.379 bị can mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra thì con số 71 vụ án oan là không lớn. Tuy nhiên, tác động xã hội của các vụ án oan là rất nặng nề, làm suy giảm niềm tin vào công lý của người dân. Vì thế, các ĐHQH đều yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan tố tụng, điều tra phải nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động để hạn chế thấp nhất tỷ lệ án oan.

Chiều 5-6, giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao (NDTC) Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao giám sát của Quốc hội, giám sát để đáp ứng yêu cầu của nhân dân và nâng cao chất lượng tố tụng. Tuy nhiên trong báo cáo có một số nội dung Viện trưởng đề nghị Ủy ban Tư pháp đánh giá lại, như vấn đề đình chỉ, trả hồ sơ, bắt hình sự sau đó xử hành chính. “Cái này đã có trong hiện tại và tương lai vẫn có vì luật quy định, vấn đề là xử lý đúng hay không, không phải cứ đình chỉ, trả hồ sơ, bắt hình sự sau đó xử hành chính là sai. Ví dụ trong vụ lợi dụng biểu tình trong vụ giàn khoan Hải Dương 981, bắt nhiều, sau đó sàng lọc và thả ra. Năm đó số vụ bắt hình sự sau đó xử hành chính cũng tăng đột biến, đó không phải do sai sót”, Viện trưởng nêu.

Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình


Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cũng nhấn mạnh: Chúng tôi luôn nhận thức những thách thức cam go trong công tác đấu tranh với tội phạm, chống oan sai, bức cung nhục hình, về những thiếu thốn về con người và thiết bị, những bất cập của pháp luật, những yếu tố khách quan và chủ quan.  Trên thực tế các cơ quan thực hành tố tụng cũng như ngành kiểm sát cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống oan sai. Chúng tôi biết rằng, làm chục hàng ngàn vụ án chưa chắc đã có thành tích nhưng chỉ cần một vụ oan sai là thành khuyết  điểm. Chúng tôi nhận thức rõ điều đó và áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế oan sai, loại trừ bức cung nhục hình. Thay mặt lãnh đạo ngành, tôi xin lỗi những người bị oan và gia đình người bị oan, chúng tôi sẽ tiếp tục  nỗ lực hơn nữa để hạn chế thấp nhất những vụ oan sai.

Chúng tôi xử lý nội bộ khá nhiều, kiểm sát nội bộ và kiểm soát chéo giữa các cơ quan chức năng cũng đã được tăng cường. 3 năm qua, số vụ xử lý những cán bộ vi phạm trong cơ quan tư pháp tăng, hầu hết các vụ mà ĐBQH nêu ra như Nguyễn Thanh Chấn, Đề (Sóc Trăng), Thanh Nga (Bắc Giang)..  các cơ quan tố tụng của Viện KSND tối cao và cơ quan điều tra của Bộ Công an đều đã khởi tố, kể cả điều tra viên và kiểm sát viên, cán bộ thẩm phán.. xử lý rất nghiêm, không có việc bao che, xử nhẹ.

Cũng theo Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình, Luật tố tụng hình sự đang được sửa đổi. Ngành kiểm sát cố gắng đưa vào trong luật nhiều giải pháp để tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử, của nhân dân với cơ quan tố tụng  để tăng trách nhiệm của các chức danh tư pháp  bao gồm cả điều tra viên, kiểm sát viên, cán bộ thẩm phán. Riêng những vấn đề liên quan đến quyền con người như bắt giam.. thì giao cho thủ trưởng các cơ quan này quyết định. 

 “Chúng tôi cũng đưa ra các nguyên tắc để bảo đảm các luật sư tiếp cận sớm hơn, rộng hơn, thuận lợi hơn  trong quá trình tố tụng. Đề cao nguyên tắc thực hành tranh tụng, trao cho Tòa quyền tuyên án dựa trên cơ sở tranh tụng và chứng cứ.. Tòa có quyền không mở phiên tòa nếu thấy quá trình tranh tụng bị vi phạm. Đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội. Người tình nghi khi chưa bị kết án thì chưa có tội. Tất cả những biện pháp cưỡng chế tố tụng ảnh hưởng đến quyền con người đều phải điều chỉnh bằng luật. Sắp tới, chúng tôi cố gắng thể hiện những gửi gắm của ĐBQH”, Viện trưởng cam kết.

PHAN THẢO - Ảnh: LÃ ANH

Tin cùng chuyên mục