Chậm nhất ngày 13-3: Người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH

Sáng 24-2, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương.
Chậm nhất ngày 13-3: Người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH

(SGGPO).- Sáng 24-2, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương.

Theo Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, cuộc bầu cử ĐBQH lần này được tiến hành theo Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015. Theo quy định của pháp luật, trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH, Ban thường trực Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương để tiến hành giới thiệu người ra ứng cử.

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim phát biểu khai mạc hội nghị

Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha nêu rõ, việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành từ ngày 24-2 đến 10-3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ người ứng cử ĐBQH thực hiện việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử theo 3 bước. Bước 1, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH. Ông Pha lưu ý, với các cơ quan ở TƯ chỉ giới thiệu 1 người. Theo quy định, không cứ phải giới thiệu người đứng đầu, có thể giới thiệu cấp phó hoặc người tiêu biểu đại diện cho tổ chức đó, nhưng với các cơ quan Đảng, Nhà nước đa phần giới thiệu người đứng đầu.

Bước 2, tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử. “Nơi nào có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm có 2/3 cử tri tham dự. Trên 100 cử tri thì tổ chức hội nghị cử tri đại diện nhưng phải bảo đảm 70 cử tri tham dự”, ông Pha lưu ý.

Bước 3, trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi làm việc, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử ĐBQH. Căn cứ vào kết quả hội nghị ban lãnh đạo mở rộng, cơ quan, tổ chức đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được lựa chọn, giới thiệu ứng cử ĐBQH làm hồ sơ ứng cử theo quy định.

Chậm nhất là ngày 13-3, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH, để đến ngày 15-3, đưa vào danh sách hiệp thương.

Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 được tổ chức trong khoảng thời gian từ 16-3 đến 18-3.

PHAN THẢO

>> 0838.249.255 - Đường dây nóng thông tin nhân sự ứng cử đại biểu

Tin cùng chuyên mục